Nông Dân Giàu Lên Nhờ Nông Thôn Mới Ở Đại Lộc (Quảng Nam)

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống người dân, nhất là nông dân ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đang giàu lên.
Những cánh đồng mẫu lớn
Theo ông Phan Đức Tính – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đại Lộc đặc biệt chú trọng đến phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó hạ tầng về giao thông nông thôn và nông nghiệp được địa phương ưu tiên hàng đầu.
Đại Lộc đã ưu tiên phát triển, nâng cấp kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời, tập trung có trọng điểm cho hạ tầng giao thông nội đồng, bê tông kênh mương, thủy lợi hóa đất màu và các công trình thủy lợi… Song song với đầu tư xây dựng hạ tầng, huyện Đại Lộc luôn ưu tiên phát triển sản xuất, hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn để phát triển hoa màu, lúa giống theo hướng hàng hóa…
Ông Hồ Ngọc Mẫn – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc, cho hay, hiện nay các xã trên địa bàn huyện Đại Lộc đã chủ động xây dựng được 36 cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích 1.500ha. Trong đó, có 6 cánh đồng trồng hoa màu, chủ yếu tập trung ở các xã Đại An, Đại Cường, Đại Minh, Đại Hòa… Ngoài ra, nông dân đã liên kết với các doanh nghiệp xây dựng 30 cánh đồng mẫu lớn để sản xuất lúa giống chất lượng cao tại hầu hết các xã trên địa bàn…
Thu nhập 200 triệu đồng/ha
Theo ông Mẫn, trên những cánh đồng mẫu lớn này của Đại Lộc, ND đang giàu lên. Bà con tham gia sản xuất hoa màu tại các cánh đồng mẫu lớn có thu nhập ổn định, với giá trị kinh tế tăng gấp 2 lần so với trước đây.
Chẳng hạn như cánh đồng trồng rau màu ở khu vực Bàu Tròn (Xã Đại An), năm 2013 vừa qua, thu nhập thấp nhất của ND là 150 triệu đồng/ha và cao nhất lên đến 250 triệu đồng/ha. Tại các vùng này, ND sản xuất luân canh và chọn 4 cây rau, ớt, thuốc lá và dưa hấu làm cây chủ lực. Ngoài ra, còn nhiều loại giống cây trồng khác được trồng xen canh cũng cho thu nhập cao...
Chẳng hạn như tại xã Đại An, gần 50ha đất chuyển sang canh tác các loại rau sạch, mỗi năm cho ND thu nhập trên 200 triệu đồng/ha; hoặc như cây chuối hờn (chuối lùn) ở thị trấn Ái Nghĩa và các xã Đại Hiệp, Đại Hòa thu nhập bình quân 120 – 150 triệu đồng/ha….
Ông Nguyễn Văn Đông- Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp, cho biết, để nâng cao đời sống và tăng thu nhập cho người dân nông thôn, thời gian qua, Đại Hiệp rất chú trọng đầu tư hạ tầng nông nghiệp, phát triển sản xuất và khuyến khích người dân đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi. Hiện nay, nhiều loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như đậu phụng, ngô, rau sạch… Đặc biệt, với diện tích hơn 130ha cây chuối hờn, cho thu nhập bình quân 120 triệu đồng/ha...
Các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Đại Lộc đã liên kết với nhiều doanh nghiệp tổ chức cho hàng nghìn hộ dân tham gia vào các cánh đồng mẫu lớn để sản xuất lúa giống chất lượng cao, lúa thơm theo hướng hàng hóa, với năng suất bình quân 70 tạ/ha, cao hơn nhiều so với diện tích sản xuất đại trà từ 3-4 tạ/ha và thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/ha.
“Với hiệu quả từ các cánh đồng mẫu lớn này, thời gian tới ngành nông nghiệp huyện nhà sẽ tập trung quy hoạch đồng ruộng, lựa chọn nhiều loại giống cây trồng mới để tiếp tục hình thành thêm nhiều cánh đồng mẫu lớn cho nông dân tham gia sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng NTM cho Đại Lộc…”- ông Mẫn cho hay.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi xuất khẩu (XK) nhiều mặt hàng nông sản suy giảm, XK sắn lại tăng vọt: 10 tháng đầu năm 2015, XK sắn đạt 3,42 triệu tấn với kim ngạch 1,09 tỷ USD, tăng 22,6% về lượng và tăng 19,1% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.

Một số trang trại thanh long ở Bình Thuận đang nỗ lực sản xuất theo quy trình GlobalGAP để có thể xuất khẩu qua các thị trường khó tính.

Ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội nghị “Kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước” đều cho rằng DN Việt Nam vẫn chưa quen, thiếu chủ động, chưa biết sử dụng công cụ PVTM.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 10/2015 (từ ngày 1/10 đến ngày 31/10/2015) cả nước đã xuất khẩu được 687.663 tấn gạo, trị giá FOB là 269,502 triệu USD, trị giá CIF là 281,884 triệu USD.

Kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen vừa công bố cho thấy trong khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng (NTD) tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có chiều hướng sụt giảm trong quý III/2015, thì niềm tin NTD Việt tăng nhẹ, đạt 105 điểm, xếp thứ 10 trên toàn cầu về mức độ lạc quan.