Nông Dân Được Mùa Mè

Những ngày này, nông dân trồng mè ở xã Phan Tiến (Bắc Bình) đang “rộ” mùa thu hoạch. Ai cũng phấn khởi bởi mè trúng mùa, được giá.
Chúng tôi về xã Phan Tiến, trên những cánh đồng mè chỉ còn sót lại chừng vài sào mè đã chuyển sang màu vàng hơi đỏ, những quả ở gần gốc cũng bắt đầu nứt hạt phe phẩy trong gió như đón người thu hoạch. Vụ mùa năm nay, cây mè cho năng suất cao, chất lượng hạt mè tốt, được giá, hiện tại giá thị trường 36.000 - 38.000 đồng/kg, điều này đã mang lại niềm vui cho nhiều hộ trồng mè.
Trên khoảng sân rộng bằng gạch của nhà chị Điệu Thị Tôn - thôn Tiến Thành, xã Phan Tiến những bó mè “ăn” đủ từ 3 - 4 cái nắng, quả đã khô nứt dưới bàn tay “tuốt” điêu luyện của chị Tôn từng lớp mè tuôn xuống hạt dày đặc. Chị Tôn phấn khởi nói: “Mè là cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc nhưng lợi nhuận khá. Trên diện tích hơn 2 sào đất, vụ này gia đình tôi thu hơn 1 tạ mè, đã bán được một nửa, nếu giá mè vẫn giữ mức 36.000 đồng/kg, trừ hết chi phí tôi còn lãi 3 triệu đồng”.
Nông dân Phan Tiến vẫn hay ví von cây mè là cây “trồng chơi ăn thật”, bởi canh tác cây mè chỉ tốn tiền một lần cày đất, xuống giống, trong cả vụ không phải tốn công chăm sóc và các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Điều kiện để cây mè không mất mùa chính là thời điểm ra bông, nếu gặp mưa thì được mùa, còn gặp hạn coi như mất mùa.
Cùng niềm vui, chị Mang Thị Toài - thôn 1, xã Phan Tiến một trong những nông dân trúng vụ mè năm nay cũng phấn khởi khoe: “Năm nay mè tốt lắm, tốt hơn năm trước nhiều. Nhà có 2 ha trồng mè, trong vụ mè năm ngoái chỉ thu được 7 tạ nhưng năm nay thu được 1,6 tấn. Vừa bán mè xong, trừ hết chi phí gia đình còn lãi khá nên mừng lắm”…
Xã Phan Tiến thuần đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó phần đông là đồng bào K’ho, Raglay. Cây trồng chủ lực của địa phương thích hợp với những loại cây ngắn ngày như mè, bắp, đậu… Những năm gần đây, do thời tiết thuận lợi và giá cả ổn định, nông dân lãi cao nên diện tích mè được mở rộng.
Nhờ đó, nhiều hộ trong xã có của ăn của để nhờ cây mè. Ông Ngô Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Phan Tiến cho biết: “Vụ hè thu năm nay, bà con nông dân trên địa bàn xã xuống giống hơn 150 ha mè. Bình quân năng suất đạt 8 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so cùng kỳ năm trước.
Hầu hết các hộ gia đình đều trúng mè, hiện nay mè được mua sỉ tại nhà với giá trên dưới 36.000 đồng/kg, mức giá cao hơn hẳn so năm trước. Theo tính toán của người dân, với năng suất 8 tạ/ha, mỗi ha mè lãi hơn 20 triệu đồng.Tuy nhiên, cuối tháng 6 vừa qua, đợt mè đang ra hoa bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy nên một vài hộ bị thiệt hại, năng suất có giảm khoảng 10%.
Có thể bạn quan tâm

Nghe ông Nguyễn Văn Triền, Chủ tịch hội Nông dân xã Cam Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) kể về anh, tôi cứ lơ mơ không tin một thanh niên nông thôn, nhà nghèo, trầy trật mãi mới lấy được tấm đại học, cuối cùng lại về quê để hết nuôi nhím, kỳ đà lại đến nuôi gà. Anh là Ngô Văn Cường (SN 1982) ở thôn Đặng Lộc 1, xã Cam Thủy.

Dịch cúm gia cầm đã tạm lắng, chỉ còn 5 tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày. Trong hai tuần qua, cả nước cũng không phát sinh ổ dịch nào.

Để tạo thuận lợi cho nông dân, xã phối hợp với HTX Cẩm Sơn (Hải Dương) hỗ trợ bà con về giống, đồng thời cử cán bộ tập huấn kỹ thuật: lên luống, bón phân, nước tưới, phòng trừ sâu bệnh... nên cây ớt sinh trưởng phát triển tốt. Sau khi thu hoạch, HTX Cẩm Sơn bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân.

Qua ba năm triển khai thí điểm (từ năm 2011), mô hình cánh đồng mẫu lớn đã dần phát triển và trở thành cánh đồng lớn kể từ năm 2014, tuy nhiên, những bất ổn trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để xây dựng cánh đồng lớn vẫn chưa được giải quyết.

Đậu nành là cây trồng có nhiều lợi thế phát triển ở ĐBSCL nhưng làm sao để nông dân mặn mà với việc phát triển sản xuất loại cây họ đậu này đang là một câu hỏi khó dành cho nhà quản lý và nhà khoa học.