Nông Dân Đức Minh Tập Trung Chăm Sóc Cà Phê

Toàn xã Đức Minh (Đắk Mil) hiện có hơn 2.400 ha cây cà phê. Vào thời điểm này, nông dân địa phương đang tập trung bón phân đợt 3, tỉa chồi, cũng như phòng trừ sâu bệnh để vườn cây đạt năng suất, chất lượng cao.
Anh Dương Văn Trung, ở thôn Thanh Lâm có hơn 2,5 ha cà phê chia sẻ: “Áp dụng phương châm bón phân đúng loại, đúng liều lượng, đúng phương pháp và đúng thời điểm nên ngay từ đầu mùa mưa, gia đình tôi đã lựa chọn những hãng phân có chất lượng, uy tín cao trên thị trường để bón cho cây.
Ngoài đảm bảo đúng tỷ lệ các yếu tố trong phân hóa học như chất dinh dưỡng đa lượng (gồm đạm (N), lân (P), kali (K), các chất trung lượng chủ yếu như lưu huỳnh (S), can xi (Ca), magiê (Mg)) thì phân vi sinh thường được gia đình tôi ủ vào đầu năm để cung cấp dinh dưỡng cho cây cà phê trong mùa này. Gia đình còn tập trung cắt tỉa các chồi vượt của cây cà phê, rong cành các loại cây xen canh trong vườn để bảo đảm độ thông thoáng, đủ ánh sáng nên vườn cà phê của gia đình vẫn phát triển rất tốt”.
Tương tự, gia đình ông Lê Văn Chiến, ở thôn Xuân Phong có vườn cà phê hơn 3 ha cũng cho biết: “Qua nhiều năm canh tác cà phê, tôi thấy rằng thời điểm mùa mưa, cây cà phê rất dễ mắc các loại sâu bệnh hại như là rệp vảy xanh, rệp vảy nâu, mọt đục quả, bệnh rỉ sắt, bệnh khô cành, khô quả, bệnh nấm hồng…
Vì thế, ngoài việc bón phân, các thành viên trong gia đình còn thực hiện việc đánh chồi vượt cho nhiều diện tích cây trồng. Bởi thời điểm này, chồi cà phê phát triển rất nhanh nên việc đánh chồi phải được triển khai kịp thời, nhằm tạo không gian thông thoáng giúp cây phát triển tốt”.
Theo ông Bùi Đình Hiển, Chủ tịch UBND xã Đức Minh thì hầu hết cà phê năm nay có tỷ lệ rụng quả non nhiều hơn so với năm trước, do một số loại sâu bệnh gây hại.
Trước thực tế này, địa phương tích cực khuyến khích bà con thường xuyên theo dõi và thực hiện các biện pháp phòng trừ hợp lý. Theo đó, đối với những vườn cà phê mới chớm bệnh, xã khuyến khích bà con phun phòng bệnh, tránh trường hợp để cây cà phê bị bệnh nặng rồi mới tìm đến thuốc phun thì hiệu quả trừ bệnh không cao, mà còn tăng chi phí thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, địa phương lưu ý bà con sử dụng liều lượng thuốc bảo vệ thực vật thích hợp để bảo vệ trái non đầu vụ, vì đây là giai đoạn rất nhạy cảm của cây cà phê và có ảnh hưởng quan trọng đến năng suất, chất lượng, mức độ chín tập trung của cà phê.
Bên cạnh các biện pháp hạn chế ra quả non, việc tỉa cành, tập trung bón phân đợt 3 cho cây cà phê đang được nông dân tập trung thực hiện. Vừa qua, địa phương đã phối hợp với các công ty bảo vệ thực vật chuyển giao các biện pháp khoa học về kỹ thuật canh tác, bón phân cân đối cho cây trồng trong mùa mưa để nông dân trang bị đầy đủ kiến thức, từ đó, áp dụng vào vườn cây của gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Ngành nông nghiệp còn khuyến cáo người nuôi hạn chế thả giống vào tháng 2 và tháng 3 này; đặc biệt không nên thả giống nuôi ở những nơi có độ mặn thấp hơn 50/00 cũng như hạn chế thả giống vào thời điểm mưa kéo dài.

Tôm hùm thương phẩm tại Khánh Hòa hiện có giá từ 2 - 2,2 triệu đồng/kg, tăng khoảng 700.000 đồng so với cùng kỳ. Với mức giá này, người nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa và các tỉnh có nghề tôm hùm sẽ có lời khá và đón tết sung túc hơn các năm.

Cùng với người trồng tỏi trên đảo Lớn (An Vĩnh, An Hải), hiện nay người trồng tỏi ở đảo Bé, xã An Bình, huyện Lý Sơn cũng đang khẩn trương thu hoạch diện tích tỏi đông xuân. Được mùa tỏi, không khí trên đảo Bé trở nên nhộn nhịp hơn.

Cá rô loại 1 trước đây 80.000 đồng/kg thì nay giá 100.000 đồng/kg. Cá lóc loại 1 giá cũ là 80.000 đồng thì nay lên 110.000 đồng/kg.

Lẽ ra, khi được nâng cấp, sửa chữa, nạo vét, hồ chứa nước An Vang sẽ mở rộng diện tích tưới, thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Chuyện tréo ngoe này đã diễn ra tại tổ 3 (thôn An Lâm, xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức) từ tháng 7.2012 đến nay.