Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Đổ Xô Trồng Sưa Đỏ

Nông Dân Đổ Xô Trồng Sưa Đỏ
Ngày đăng: 19/07/2014

Từ khi cao su xuống giá, nhiều nông dân đã tìm cây trồng thay thế. Nhiều hộ bắt đầu trồng những cây có hướng kinh tế cao hơn, trong đó nổi lên là cây sưa đỏ. Những lời đồn thổi về giá trị của cây sưa đỏ trưởng thành đã khiến không ít nông dân ồ ạt chạy theo.

Nguồn cung dư dả

Dọc hai bên đường từ thị xã Đồng Xoài đến UBND huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) xuất hiện nhiều cửa hàng bán giống cây sưa đỏ, nhiều nhất là đoạn từ thị xã Phước Long vào xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập).

Quan sát tại cửa hàng bán cây giống của anh Thanh ở xã Đắk Ơ, chúng tôi thấy chỉ bán 3 loại giống là cà phê, muồng đen và sưa đỏ, trong đó chiếm hơn 80% là sưa đỏ. Anh Thanh cho biết: “Không hiểu sao năm nay người mua sưa đỏ nhiều thế. Cứ 3 ngày tôi đi Đắk Lắk lấy về 1.000 cây giống mà vẫn không đủ bán”.

Năm nay, giá mỗi cây dao động 10-15 ngàn đồng, cao hơn năm trước khoảng 5.000 đồng. Anh Thanh quảng cáo: “Cây trồng 7 năm thì bán 21 triệu đồng/cây, trồng 10 năm thì bán 35 triệu đồng/cây. Cây được xuất khẩu sang châu Âu để làm thuốc chữa bệnh”. Khi được hỏi ai thu mua khi cây đủ tuổi thì anh trả lời: “Tôi cũng không rành”.

Không chỉ vựa cây giống tăng đáng kể mà những người bán dạo cũng xuất hiện nhiều. Anh Nguyễn Văn Thể bán dạo cây giống tại huyện Bù Gia Mập cho biết: “Nhóm của tôi có 5 người, chia nhau chạy từ huyện này sang huyện khác bán. Tôi bán cây giống được hơn hai năm.

Năm nay, người dân chuộng mua giống cây sưa đỏ. Ngày nào cũng bán được khoảng 200 cây. Giống cây của nhóm anh do một thương lái ở huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) giao”.

Phập phồng may rủi

Chúng tôi tìm gặp ông Đinh Văn Hiệp ở xã Đắk Ơ thì được biết: Ông trồng xen canh 1.700 cây sưa đỏ trên vườn điều rộng 2,7 ha đã hơn 5 năm. Vì trồng xen nên cây sưa đỏ phát triển chậm, cây nào lớn nhất chỉ có chu vi 10cm. Năm nay, thấy vườn bên cạnh trồng nhiều cây sưa đỏ, ông Hiệp nóng ruột nên thanh lý vườn điều để cây sưa phát triển.

Điều đáng nói, vụ điều vừa qua, gia đình ông thu gần 4 tấn, trị giá hơn trăm triệu đồng. Đầu tư cho vườn sưa, một năm ông Hiệp chi khoảng 20 triệu đồng phân bón. Ông Hiệp chia sẻ: “Tôi đã lỡ phóng lao thì phải theo lao. Sau này bán được hay không tính sau”.

Nghe nói có những khúc cây sưa bán được tiền tỷ nên ông Hiệp càng hy vọng. Nhưng ông lại rất mơ hồ về loại cây này, chỉ nghe nói phải trồng hơn 20 năm mới bán được và cây dùng để làm đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng...

Cách nhà ông Hiệp hơn 10km, ông Nguyễn Thọ đang xuống giống 1.200 cây sưa đỏ. Được biết, ông Thọ mới cưa 22 ha cao su để trồng cây này. Ông Thọ cũng chỉ nghe nói cây sưa bán được giá nên đã đầu tư.

Trước việc nông dân trồng ồ ạt cây sưa đỏ, ông Nguyễn Minh Chiến, quyền Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp khuyến cáo: “Người dân không nên chọn sưa đỏ làm cây trồng chính mà chỉ trồng làm cảnh, xen canh hoặc giáp ranh vì chưa có đơn vị nào đánh giá được giá trị thực của loại cây này”.

Ông Doãn Văn Chiến, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Giá trị của gỗ cây sưa đỏ phụ thuộc vào giống và đất. Hiện có nhiều nhà cung cấp giống cây sưa đỏ nên người trồng cần lựa chọn nơi bán uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, giống cây chất lượng, cho giá trị kinh tế cao.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Kinh Tế Cao Của Mô Hình Khoai Lang Giống Mới Ở Bắc Giang Hiệu Quả Kinh Tế Cao Của Mô Hình Khoai Lang Giống Mới Ở Bắc Giang

Khoai lang là loài cây dễ trồng, đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Sản phẩm khoai lang sản xuất ra không chỉ sử dụng cho tiêu dùng như một loại rau sạch, làm lương thực và làm quà mà còn thân thiện với môi trường và sức khoẻ của con người. Ngoài ra, khoai lang còn là nguyên liệu phục vụ cho công nghệ chế biến công nghiệp hiện nay như: chips, miến...

21/11/2013
Thu Nhập Cao Từ Cây Cà Chua Bi HT144 Tại Xã Điểm Nông Thôn Mới Việt Tiến Thu Nhập Cao Từ Cây Cà Chua Bi HT144 Tại Xã Điểm Nông Thôn Mới Việt Tiến

Vào thời điểm này, tại xã Việt Tiến huyện Việt Yên phần lớn bà con nông dân đã thu hoạch xong cà chua bi vụ đông để bước vào vụ mới nhưng còn một số hộ vẫn giữ lại cây cà chua bi để tận dụng thu hoạch nốt lứa quả cuối cùng. Bởi họ nhận thấy rằng thu được vài tạ quả lúc cuối vụ có giá trị kinh tế bằng cả một vụ lúa.

21/11/2013
Hiệu Quả Cánh Đồng Mẫu Lớn Ở Yên Dũng Hiệu Quả Cánh Đồng Mẫu Lớn Ở Yên Dũng

Trên một cánh đồng, nông dân cấy cùng một loại giống lúa, cùng một thời điểm và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu giống, vật tư phân bón, kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa sản xuất và công tác quản lý đồng ruộng nhằm tạo ra một chuỗi sản phẩm hợp lý, giảm chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị trên 1ha đất canh tác – đó chính là mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã và đang được triển khai thực hiện có hiệu quả tại xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng với quy mô 50 ha. Đây là cánh đồng mẫu đầu tiên trong tỉnh nhằm tạo ra một "cuộc cách mạng" trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

21/11/2013
Vai Trò Của Hội Nông Dân Tham Gia Phát Triển Kinh Tế Và Xây Dựng Nông Thôn Mới Vai Trò Của Hội Nông Dân Tham Gia Phát Triển Kinh Tế Và Xây Dựng Nông Thôn Mới

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là cuộc vận động đòi hỏi phải có sự nỗ lực tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Là thành viên trong Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh, các cấp Hội Nông dân thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò trách nhiệm của hội trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới.

21/11/2013
Ngọt Ngào Bưởi Lương Phong Ngọt Ngào Bưởi Lương Phong

Những ngày này, khách hàng tấp nập về xã Lương Phong (Hiệp Hoà- Bắc Giang) thu mua bưởi Diễn đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong cả nước. Những trái bưởi vàng tươi, thơm ngát giữa cái rét đậm cuối năm mang lại niềm vui cho người dân nơi đây.

21/11/2013