Nông Dân Đổ Xô Trồng Sưa Đỏ

Từ khi cao su xuống giá, nhiều nông dân đã tìm cây trồng thay thế. Nhiều hộ bắt đầu trồng những cây có hướng kinh tế cao hơn, trong đó nổi lên là cây sưa đỏ. Những lời đồn thổi về giá trị của cây sưa đỏ trưởng thành đã khiến không ít nông dân ồ ạt chạy theo.
Nguồn cung dư dả
Dọc hai bên đường từ thị xã Đồng Xoài đến UBND huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) xuất hiện nhiều cửa hàng bán giống cây sưa đỏ, nhiều nhất là đoạn từ thị xã Phước Long vào xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập).
Quan sát tại cửa hàng bán cây giống của anh Thanh ở xã Đắk Ơ, chúng tôi thấy chỉ bán 3 loại giống là cà phê, muồng đen và sưa đỏ, trong đó chiếm hơn 80% là sưa đỏ. Anh Thanh cho biết: “Không hiểu sao năm nay người mua sưa đỏ nhiều thế. Cứ 3 ngày tôi đi Đắk Lắk lấy về 1.000 cây giống mà vẫn không đủ bán”.
Năm nay, giá mỗi cây dao động 10-15 ngàn đồng, cao hơn năm trước khoảng 5.000 đồng. Anh Thanh quảng cáo: “Cây trồng 7 năm thì bán 21 triệu đồng/cây, trồng 10 năm thì bán 35 triệu đồng/cây. Cây được xuất khẩu sang châu Âu để làm thuốc chữa bệnh”. Khi được hỏi ai thu mua khi cây đủ tuổi thì anh trả lời: “Tôi cũng không rành”.
Không chỉ vựa cây giống tăng đáng kể mà những người bán dạo cũng xuất hiện nhiều. Anh Nguyễn Văn Thể bán dạo cây giống tại huyện Bù Gia Mập cho biết: “Nhóm của tôi có 5 người, chia nhau chạy từ huyện này sang huyện khác bán. Tôi bán cây giống được hơn hai năm.
Năm nay, người dân chuộng mua giống cây sưa đỏ. Ngày nào cũng bán được khoảng 200 cây. Giống cây của nhóm anh do một thương lái ở huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) giao”.
Phập phồng may rủi
Chúng tôi tìm gặp ông Đinh Văn Hiệp ở xã Đắk Ơ thì được biết: Ông trồng xen canh 1.700 cây sưa đỏ trên vườn điều rộng 2,7 ha đã hơn 5 năm. Vì trồng xen nên cây sưa đỏ phát triển chậm, cây nào lớn nhất chỉ có chu vi 10cm. Năm nay, thấy vườn bên cạnh trồng nhiều cây sưa đỏ, ông Hiệp nóng ruột nên thanh lý vườn điều để cây sưa phát triển.
Điều đáng nói, vụ điều vừa qua, gia đình ông thu gần 4 tấn, trị giá hơn trăm triệu đồng. Đầu tư cho vườn sưa, một năm ông Hiệp chi khoảng 20 triệu đồng phân bón. Ông Hiệp chia sẻ: “Tôi đã lỡ phóng lao thì phải theo lao. Sau này bán được hay không tính sau”.
Nghe nói có những khúc cây sưa bán được tiền tỷ nên ông Hiệp càng hy vọng. Nhưng ông lại rất mơ hồ về loại cây này, chỉ nghe nói phải trồng hơn 20 năm mới bán được và cây dùng để làm đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng...
Cách nhà ông Hiệp hơn 10km, ông Nguyễn Thọ đang xuống giống 1.200 cây sưa đỏ. Được biết, ông Thọ mới cưa 22 ha cao su để trồng cây này. Ông Thọ cũng chỉ nghe nói cây sưa bán được giá nên đã đầu tư.
Trước việc nông dân trồng ồ ạt cây sưa đỏ, ông Nguyễn Minh Chiến, quyền Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp khuyến cáo: “Người dân không nên chọn sưa đỏ làm cây trồng chính mà chỉ trồng làm cảnh, xen canh hoặc giáp ranh vì chưa có đơn vị nào đánh giá được giá trị thực của loại cây này”.
Ông Doãn Văn Chiến, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Giá trị của gỗ cây sưa đỏ phụ thuộc vào giống và đất. Hiện có nhiều nhà cung cấp giống cây sưa đỏ nên người trồng cần lựa chọn nơi bán uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, giống cây chất lượng, cho giá trị kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi cho biết, sáng 5/4, Trung tâm đã phối hợp với huyện Lý Sơn tổ chức thả 1 triệu con tôm sú 25 ngày tuổi tại vùng biển Lý Sơn.

Thời gian gần đây, việc nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên phải đối mặt với nhiều khó khăn, diện tích ao đìa nuôi trồng thủy sản của năm 2012 chỉ 2.635 ha, giảm 12% so với năm 2011; sản lượng nuôi trồng thủy sản các loại đạt 7.934 tấn, giảm 20%, do dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

Ngày 4-7, ông Nguyễn Văn Thành, nông dân nuôi cá điêu hồng ở phường Tân Long, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, giá cá điêu hồng đã tăng lên 42.500 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 18.000 đồng/kg; cá điêu hồng giống cũng có giá từ 30.000 - 41.000 đồng/kg (tùy kích cỡ).

Nằm trong dự án phát triển nông thôn trong giai đoạn hiện nay, xã Hùng Lô được UBND thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đầu tư dự án nuôi thí điểm gà ri lai thả đồi, vườn. 35 hộ trải đều ở 10 khu dân cư trong xã được lựa chọn mô hình nuôi gà thí điểm, đó là những hộ có diện tích đồi, vườn phù hợp, có nhân công lao động, nhiệt huyết chăn nuôi, kinh tế ổn định. Với tổng đàn 7000 con gà 1 ngày tuổi, bình quân 200 con/hộ, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y trong thời gian 4 tháng khi gà đảm bảo thời gian xuất bán.

Phải thuyết phục nhiều lần, chị Thắm (một tiểu thương chuyên kinh doanh trái cây ở chợ đầu mối Bình Điền, TP HCM) mới cho tôi tháp tùng nhóm người làm công của chị xuống Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và Cái Mơn (tỉnh Bến Tre) để thu mua sầu riêng, chuối, mít chở lên TP HCM bán.