Nông Dân Đắk Rlấp Chú Trọng Phòng, Trừ Sâu Bệnh Cho Cây Trồng

Vụ mùa vừa qua, với 1,2 ha tiêu, anh Hoàng Văn Minh, ở thôn 3, xã Kiến Thành thu về được hơn 3,6 tấn hạt tiêu. Theo tính toán của gia đình anh thì sau khi trừ chi phí đầu tư vẫn còn lãi hơn 300 triệu đồng.
Được biết, để vườn tiêu đạt năng suất cao, trong quá trình canh tác, anh Minh đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về bảo vệ cây trồng, cũng như tham khảo nhiều ý kiến bổ ích từ cán bộ bảo vệ thực vật của địa phương.
Chị Võ Thị Len, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Để giúp bà con phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, đơn vị liên tục cập nhật diễn biến của sâu bệnh qua từng giai đoạn phát triển, sinh trưởng.
Trên cơ sở đó, Trạm sẽ phân tích và kịp thời tìm ra giải pháp để giúp người dân yên tâm sản xuất. Trong năm qua, nhiều diện tích cây tiêu của bà con bị các loại bệnh thông thường gây hại như nấm hại rễ, tuyến trùng, rệp sáp, vàng lá… nhưng đã được diệt trừ kịp thời, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cũng như với cây trồng lâu năm, người dân tại địa phương còn chú trọng đến công tác bảo vệ, chăm sóc các loại cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô…
Bà H’Doan, ở bon Bu N’Đoh, xã Đắk Wer cho biết: “Trong quá trình canh tác lúa, ngoài được hỗ trợ phân bón, lúa giống, gia đình tôi còn được cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật cấp phát thuốc và trực tiếp hướng dẫn phun thuốc. Tất cả các khâu từ thăm đồng, phát hiện sâu bệnh, phun thuốc đúng cách đều được cán bộ trạm bảo vệ thực vật trực tiếp hướng dẫn. Do vậy, đối với một số loại bệnh thường gây hại đến cây lúa như bộ trĩ, rầu nâu, nhiễm phèn, vàng lá sinh lý… luôn được chúng tôi phòng trừ kịp thời”.
Theo ông Lê Viết Sỹ, Chủ tịch UBND xã Đắk Wer thì những năm gần đây, diện tích cây trồng ngắn ngày tại địa phương ngày càng tăng lên. Hàng năm, sản lượng lương thực thu được đáp ứng tương đối nhu cầu của người dân, từ đó, giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Có được kết quả này, trong quá trình sản xuất, đội ngũ cán bộ bảo vệ thực vật của huyện thường xuyên bám sát, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, từ đó, có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cùng với đó, công tác tuyên truyền người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số chú trọng khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật cũng luôn được đội ngũ này quan tâm. Thông qua nhiều cuộc hội thảo, tập huấn, nhận thức của người dân về khâu bảo vệ cây trồng đã được nâng cao, góp phần tăng nâng suất, sản lượng cây trồng tại địa phương.
Theo ông Bùi Thái Hòa, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật Đắk R’lấp thì những năm gần đây, công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng đã được người dân tại địa phương nâng cao. Các loại sâu bệnh gây hại thường gặp luôn được bà con chủ động phòng trừ nên không lây lan trên diện rộng. Về phía Trạm đã không ngừng hướng dẫn, giới thiệu nhiều biện pháp phòng trừ nhanh, hiệu quả để nông dân áp dụng.
Trong năm 2013, Trạm đã tổ chức 12 cuộc tập huấn về chăm sóc, bảo vệ cây trồng, đồng thời, theo dõi 78 cuộc hội thảo thuốc bảo vệ thực vật, phân bón do các công ty tổ chức trên địa bàn huyện, thu hút gần 7.000 lượt nông dân tham gia. Thông qua hoạt động này, người dân đã tiếp thu được nhiều kiến thức, biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng, từ đó, áp dụng vào thực tế của gia đình. Đối với những thắc mắc, khó khăn của bà con trong quá trình sản xuất cũng được các cán bộ của Trạm giải đáp tận tình, cụ thể.
Có thể bạn quan tâm
Từ xuất phát điểm là một hộ gia đình khó khăn, sau hơn 10 năm phát triển mô hình kinh tế vườn ao chuồng, gia đình anh Nguyễn Văn Nhật (SN 1972, ở thôn Duyên Linh, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) đã sở hữu 30 cây nhãn giống mới, gần 1 mẫu ao, 150 con lợn nái và hàng nghìn con lợn thịt được nuôi trong hệ thống “chuồng lạnh” khép kín, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nuôi bò và dê ngày càng phát triển rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước do mang lại hiệu quả kinh tế và được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, vùng đồng bào Xêtiêng ở khu phố Đông Phất, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, nuôi trâu lại là thói quen nhiều đời và góp phần quan trọng vào việc ổn định cuộc sống của họ.

Từng là hướng dẫn viên du lịch của một công ty lữ hành tại thủ đô, rồi là nhân viên của Tập đoàn Mobifone, nhưng trong tâm khảm của anh Phạm Văn Nhật (xóm 4, xã Khánh Tiên, Yên Khánh, Ninh Bình) vẫn canh cánh mong ước làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Rời xa chốn phồn hoa đô hội, anh Phạm Văn Nhật đã trở về mảnh đất “chôn rau cắt rốn”, xây dựng trang trại chăn nuôi, nuôi chí làm giàu.

Với quy trình nuôi đơn giản, không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, nhu cầu thị trường rất lớn, hiệu quả kinh tế từ nuôi chim bồ câu đã được khẳng định, đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Hiện nay, mô hình nuôi chim bồ câu kết hợp với gia cầm của gia đình thương binh Phí Văn Chắc (thôn Phú Bắc, xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đang cho thu nhập ổn định 150 triệu đồng/năm.

Sau thời gian sụt giảm, có thời điểm chỉ còn 180.000 đ/tạ- 60kg, thì hơn tuần nay giá khoai lang tím Nhật tại Bình Tân (Vĩnh Long) đã tăng trở lại với mức giá từ 400.000 - 500.000 đ/tạ.