Nông Dân Chịu Trận Trước Thuốc Thú Y Thủy Sản Thật - Giả Lẫn Lộn

Theo đánh giá của Cục quản lý thị trường - Bộ Công Thương, có khoảng 50% lượng phân bón lưu hành ở nước ta bị làm giả. Tình trạng đáng báo động này hiện cũng đã lan rộng sang các mặt hàng thuốc thú y thủy sản.
Hóa chất, nước... đưa vào máy trộn, sau đó đóng chai và dán nhãn - quá trình đơn giản, nhưng đây lại là cách mà Công ty TNHH thuốc thú y - thủy sản Hoàng Lâm do Lê Hoàng Nhật ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ dùng để chế tạo một số loại thuốc. Vụ việc chỉ được phát hiện khi lực lượng công an TP Cần Thơ tiến hành mật phục bắt quả tang vào ngày 8/4/2014 vừa qua.
Để làm những hộp thuốc thú y thủy sản giả, Công ty Hoàng Lâm chỉ bỏ ra chi phí khoảng vài trăm nghìn đồng, nhưng khi bán ra thị trường nó có giá hơn 1 triệu. Lợi nhuận quá lớn là nguyên nhân khiến một số công ty sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Hoàng Châu Lanh - Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết: “Nghị định số 185/2013 ngày 15/11/2013 của Chính phủ có quy định mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng là 120 triệu đồng. Đồng thời tịch thu phương tiện vi phạm, tước giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động từ 12-24 tháng. Ngoài ra công ty vi phạm còn phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp, tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường”.
Trường hợp trên không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện. Ngày 13/1/2014, Công an TP Bạc Liêu cũng đã thu giữ hơn 2.500 chai thuốc thú y thủy sản giả. Trước đó, năm 2013, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cũng đã phát hiện hàng chục loại thuốc thú y nhái các nhãn hiệu nổi tiếng lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, để truy bắt tận gốc những công ty sản xuất hàng giả là điều không dễ.
“Hầu hết các công ty đều đăng ký ở một địa điểm nhưng nơi sản xuất lại là một nơi khác. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì không phát hiện được nơi sản xuất, mà theo luật quy định là phải bắt quả tang mới xử lý được”, Đại úy Trương Thanh Mộng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP Cần Thơ phản ánh.
Một điều đáng chú ý là những loại thuốc thú y bị làm giả nhìn bằng mắt thường người dân khó có phân biệt được. Đó là chưa kể trên thị trường hiện nay có hàng trăm loại thuốc thú y thủy sản khác nhau.
Được biết, để có một ao tôm công nghiệp số vốn bỏ ra phải là hàng trăm triệu đồng. Nhưng chỉ với một chai thuốc thủy sản giả hoặc kém chất lượng, tài sản, công sức của người dân sẽ trở thành công cốc. Để bảo vệ thành quả lao động của người dân, bà con rất mong các cơ quan chức các địa phương tăng cường biện pháp kiểm soát, nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi làm giả, làm nhái thuốc thú y thủy sản kém chất lượng đang khá phổ biến hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Tuổi đời vườn tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên cũng như khu vực Đông Nam Bộ đã giảm từ 20 – 25 năm xuống còn 10 – 12 năm do ảnh hưởng của bệnh dịch, thuốc kích thích và tình trạng bón nhiều phân đạm của nông dân trong thời gian qua.

Việc nuôi cá bằng lồng bè ở hồ chứa Thủy điện Sông Tranh 2 để tạo công ăn việc làm, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện này.

Mời bà con tham khảo lịch thời vụ trồng rau màu do 2lua sưu tầm và biên soạn

Đến ngày 26/5, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 154 ha tôm nuôi bị chết do bệnh đốm trắng, môi trường, đào vàng... làm chết khoảng 20 triệu con tôm thả nuôi từ 60 - 70 ngày tuổi.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, sản lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản đều tăng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên các đối tượng vật nuôi chưa được xử lý dứt điểm, tình trạng vi phạm quản lý chất lượng hay sụt giá nông sản...