Nông Dân Cái Nước Sẵn Sàng Cho Vụ Lúa Trên Đất Nuôi Tôm

Theo kế hoạch, năm 2014 huyện Cái Nước sản xuất 3.000 ha lúa trên đất nuôi tôm, tập trung ở một số xã nằm trong vùng khép kín như: Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ, Hoà Mỹ và Tân Hưng. Đến thời điểm này đã có hơn 2.200 hộ dân đăng ký với diện tích trên 3.100 ha và sẵn sàng xuống giống khi điều kiện thời tiết thuận lợi.
Để thực hiện thắng lợi vụ lúa trên đất nuôi tôm, ngay từ đầu năm, công tác tuyên truyền được chính quyền các địa phương đẩy mạnh. Nhờ đó, người dân thấy được lợi ích của việc cấy 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm và đăng ký tham gia.
Anh Mai Phước Toàn, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, tâm sự, mặc dù năng suất vụ lúa trên đất nuôi tôm của gia đình anh năm 2013 không đạt như mong muốn, nguyên nhân là do thời tiết mưa ít, nắng nhiều dẫn đến việc rửa mặn chưa tốt.
Rút kinh nghiệm, năm nay sau khi mùa mưa bắt đầu, anh tranh thủ rửa mặn sớm, bằng cách bơm tát toàn bộ lượng nước mặn trong vuông tôm ra bên ngoài, để hứng nước mưa vào vuông làm cho độ mặn trong vuông tôm giảm xuống và tiếp tục bơm rửa nhiều lần, khi độ mặn trong vuông nuôi tôm phù hợp mới tiến hành gieo sạ.
Anh Mai Phước Toàn cho biết thêm, gieo cấy 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm không khó, nhưng cái khó nhất là khâu rửa mặn, nếu rửa mặn triệt để xem như vụ lúa - tôm thành công. Ưu điểm lớn nhất của vụ lúa trên đất nuôi tôm là không có sâu bệnh, vốn đầu tư cũng ít, nên bất kỳ nông dân nào có vuông tôm nằm sâu trong nội đồng hoặc trong vùng khép kín cũng có thể thực hiện được.
Chính từ ưu điểm này, năm nay huyện Cái Nước còn quy hoạch khép kín thêm 200 ha lúa tôm tại địa bàn ấp Tân Bửu (xã Tân Hưng) và được ngành chức năng tiến hành lắp đặt 2 trạm bơm có công suất lớn, để bơm chống ngập úng khi thời tiết mưa lớn kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Ban Nhân dân ấp Tân Bửu, xã Tân Hưng, phấn khởi chia sẻ, nếu như năm trước khi triển khai thực hiện mô hình gieo cấy 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm, bà con nông dân rất ngại vì sợ bị thiệt hại do thời tiết bất lợi, còn năm nay có được 2 trạm bơm nước để phục vụ cho gieo cấy lúa, nên bà con nông dân rất an tâm và sẵn sàng xuống giống khi thời tiết thuận lợi.
Ðiểm mới trong công tác chỉ đạo sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, ngoài việc khuyến cáo bà con chọn những giống lúa chịu mặn, có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện gieo trồng trên ruộng lúa - tôm, ngành chức năng huyện Cái Nước còn vận động bà con chọn giống lúa cấp xác nhận để nâng cao năng suất và chất lượng lúa thương phẩm, giúp bán được giá, tăng thu nhập cho nông dân.
Ðặc biệt, năm nay ngành chuyên môn sẽ không tổ chức tập huấn kỹ thuật vào đầu vụ như những năm trước, lý do là hiện nay hầu hết bà con nông dân đều am hiểu kỹ thuật, từ khâu cải tạo, rửa mặn, chọn giống, cho đến khâu chăm sóc bón phân và phòng ngừa sâu bệnh.
Ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, là một trong những nông dân có thâm niên gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm, rất đồng tình với quan điểm này.
Ông cho rằng, kể từ khi chuyển đổi sản xuất sang luân canh lúa - tôm kết hợp, hầu như năm nào ngành chuyên môn cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật và nội dung cũng không có gì mới lạ, nên không nhất thiết phải tập huấn nữa.
Ông đề nghị ngành chuyên môn nên tổ chức hội thảo đầu bờ để bà con nông dân có điều kiện tham gia, trao đổi kinh nghiệm từ thực tiễn, như thế sẽ thiết thực và hiệu quả hơn.
Sau hơn 10 năm chuyển dịch từ độc canh cây lúa sang luân canh lúa - tôm kết hợp, nông dân Cái Nước luôn nỗ lực thực hiện chủ trương gieo cấy một vụ lúa trên đất nuôi tôm và có không ít hộ dân đã vươn lên khá, giàu từ mô hình này.
Theo nhận định của ngành chuyên môn, năm nay lượng mưa phân bố khá đều, sẽ thuận lợi cho vụ lúa trên đất nuôi tôm phát triển. Vì vậy, bà con nông dân không nên nóng vội, mà hãy chọn thời điểm gieo cấy thích hợp và đúng lịch thời vụ, nhằm giúp cây lúa phát triển tốt, đạt vụ mùa bội thu.
Có thể bạn quan tâm

Vụ lúa đông xuân 2014 - 2015, nông dân TP Cần Thơ xuống giống hơn 87.000 ha, lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, thời tiết đang trong mùa lạnh, thuận lợi cho một số loại sâu bệnh hại lúa phát triển, do đó lúa đông xuân cần được quan tâm chăm sóc và quản lý dịch hại tốt, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán 2015…

Lâu nay, bà con nông dân vẫn có tập quán sản xuất theo thời vụ, mùa nào thức ấy. Thế nhưng, với sự hỗ trợ đắc lực của các tiến bộ kỹ thuật, mô hình trồng cây trái vụ đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn chính vụ. Điều đó được chứng minh thực tế tại huyện Phúc Thọ.

Năm 2014, dự án được triển khai thực hiện ở xã Long An và Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành), xã Long Hòa (thị xã Gò Công) và xã Bình Nghị, Tân Đông (huyện Gò Công Đông) với quy mô 55ha/3 huyện/188 hộ tham gia. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, một phần vật tư chính và được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật trong suốt vụ sản xuất, tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình.

Nhìn thấy bà con lối xóm cùng trồng cà phê như mình nhưng năng suất cao, ông đã tự tìm tòi học hỏi từ sách, báo, bạn bè, bà con lối xóm, tìm hiểu vì sao cây cà phê ở vườn nhà không cho năng suất như những nơi khác. Sau đó, ông tham gia các hội thảo đầu bờ, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ. Từ đó, ông hiểu rằng trồng cây cà phê đòi hỏi phải đúng quy trình thì cây mới phát triển tốt được.

Năm 1990, khi còn là một cán bộ y tế xã với đồng lương eo hẹp, ông thường nghe cha mình nhắc về loài cây quý cho thớ gỗ mịn, bền chắc, được dùng làm cái rìu, cây cung… nhưng gần như “tuyệt chủng” trên những cánh rừng Ba Tơ. Với mong muốn khôi phục lại loài cây này trên mảnh đất quê hương, ngoài giờ làm, ông tranh thủ đi rừng hái cây mây nước bán, dành dụm tiền mua cây giống về trồng. “Hồi đó ông anh ở thôn Làng Trui vào tít rừng sâu bên Kon Tum nhổ về bán cho mình với giá 2000 đồng/cây. Mình bỏ gom góp tiền mua một trăm cây về trồng”, ông Nấu nhớ lại.