Nông dân Bến Cầu (Tây Ninh) trúng mùa bắp

Anh Nguyễn Văn Phong – Trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất Công ty TNHH hạt giống CP Seeds Việt Nam, đơn vị hỗ trợ đầu tư và bao tiêu đầu ra cho nông dân, cho biết: Năm nay, trung bình mỗi ha trồng bắp của người dân tại huyện Bến Cầu đều đạt năng suất từ 8 tới 10 tấn, so với những năm trước thì vụ này năng suất tăng từ 0,5 - 1 tấn/ha.
“Sở dĩ bắp trúng mùa là nhờ nông dân chăm sóc đúng kỹ thuật, đặc biệt là áp dụng phương pháp trồng 1 hàng đực 4 hàng cái nên cây thụ phấn tốt và cho hạt chắt, đều” - anh Phong, chia sẻ
Vụ bắp năm nay, công ty đầu tư trồng tại huyện Bến Cầu với diện tích 290 ha bắp, loại giống 8412. Với giá thu mua như hiện tại khoảng 8.900 đồng/kg, thì 1 ha bắp sau thu hoạch, sẽ đem về cho người dân gần 80 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sản xuất, người dân có lãi từ 40 - 50 triệu đồng.
Vụ bắp này, gia đình ông Phan Văn Hồng (ấp Long An, xã Long Thuận) phấn khởi vì bắp trúng mùa; với 1,5 ha bắp, chỉ hơn 3 tháng trồng, đã cho lãi gần 50 triệu đồng. Còn ông Nguyễn Văn Gần ngụ cùng địa phương với ông Hồng cho biết, năm nay năng suất cây bắp tăng cao nhất từ trước tới giờ. Nhờ có hỗ trợ đầu tư và bao tiêu sản phẩm đầu ra ngay từ đầu vụ nên nông dân không phải lo. Có thể thấy, nếu so với các loại cây trồng ngắn ngày khác thì cây bắp vẫn cho lợi nhuận hơn hết.
Trong những năm gần đây, do hiệu quả kinh tế từ cây bắp tương đối cao và ổn định hơn so với một số cây trồng khác. Công ty cũng có nhiều chính sách hỗ trợ như giống, thuốc trừ sâu và khoa học kỹ thuật cho người dân, đồng thời cũng đảm bảo việc bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, chính vì thế mà người dân mong được mở rộng diện tích cây bắp trong thời gian tới.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phong cho biết thêm, công ty cũng đang có chủ trương mở rộng thêm diện tích lên khoảng 700 ha vào vụ sản xuất tới.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Bến Cầu, vụ Đông xuân năm nay, toàn huyện trồng gần 500 ha bắp, tăng gần 200 ha so với các năm trước. Nguyên nhân là do một số cây nông nghiệp khác như cây thuốc lá vàng và một số cây rau màu khác bị sâu bệnh, dịch hại luôn ở mức cao, khiến chi phí đầu tư cho sản xuất tăng lên, ngược lại năng suất, sản lượng lại đạt thấp. Bên cạnh đó việc bao tiêu sản phẩm cũng khó khăn, nên người dân dần chuyển hướng sang trồng cây bắp.
Có thể bạn quan tâm

Vài năm trở lại đây, đặc biệt từ sau Festival Chè lần thứ nhất, nhận thức về làm nghề chè của người dân Thái Nguyên đã có một sự thay đổi lớn, ý thức rất rõ ràng tầm quan trọng của việc bảo vệ thương hiệu chè sạch.

Là địa phương đứng thứ 3 của tỉnh về diện tích trồng chè với sản lượng khoảng 32 nghìn tấn/năm, cộng với sự hình thành phương thức sản xuất chè từ rất sớm, huyện Đồng Hỷ đã trở thành một trong những “cái nôi” của mảnh đất “Đệ nhất danh Trà”. Để xứng đáng với “tiếng thơm” đó, người làm chè Đồng Hỷ không ngừng nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng cây chè và các sản phẩm trà, góp phần làm nên thương hiệu chung cho ngành Chè Thái Nguyên.

Nước tưới có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng của cây cà phê cũng như sự thành bại của người trồng cà phê sau một năm vất vả chăm sóc, bảo vệ. Nhưng hiện vai trò trọng yếu này đang bị đe dọa khi nước tưới phải đối mặt với nhiều thách thức.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, hiện nay là thời điểm sâu bệnh gây hại trên cây điều phát triển mạnh. Các loại sâu hại phổ biến là: Sâu đục thân, cành, bọ xít muỗi, bệnh thán thư... gây hại ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Chỉ tính từ ngày 22 đến ngày 28-10, diện tích bị bọ xít muỗi gây hại trên cây điều trong tỉnh là 108 ha, trong đó mức độ nhẹ 98 ha, trung bình 10 ha (tăng 9 ha so với kỳ trước). Do vậy, nông dân cần chú ý bọ đục chồi trong thời gian tới.

Mía và sắn là 2 loại cây trồng chủ lực của huyện Ðồng Xuân (Phú Yên). Ngành Nông nghiệp của huyện đang tiến hành đưa các bộ giống mới vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Ðặc biệt là cây sắn, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai mô hình canh tác cây trồng bền vững, giúp người dân ổn định sản xuất.