Nông dân Bảo Lâm đổ xô trồng tiêu

Trong khi đó, nguồn gốc cây giống lại được người dân mua trôi nổi và kỹ thuật trồng, chăm sóc chủ yếu được truyền miệng cho nhau. Ngành chức năng huyện Bảo Lâm đang ra sức tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên trồng tiêu ồ ạt.
Anh Phan Văn Lâm mới trồng tiêu trên đất cà phê
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2015, theo thống kê chưa đầy đủ, nông dân xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm) đã trồng mới 15ha tiêu. Đối với một xã xác định cây trồng chủ lực là chè và cà phê thì việc phát triển diện tích tiêu nhanh chỉ trong một thời gian ngắn là điều khá bất thường.
Bất thường ở chỗ, theo chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã Lộc Phú trong năm 2015, diện tích tiêu trồng mới chỉ là 2ha. So với chỉ tiêu này, diện tích tiêu mà người dân tự trồng đã gấp 7,5 lần. Trên thực tế, diện tích tiêu do người dân trồng mới từ đầu năm đến nay còn lớn hơn nhiều.
Theo bà Lê Thị Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Phú, diện tích tiêu hiện tại có thể đã tăng gấp đôi so với con số thống kê trước đây và chủ yếu được người dân trồng xen trong vườn cà phê. Mặc dù xã đã có khuyến cáo người dân không ồ ạt trồng tiêu, nhưng vì giá tiêu tăng cao nên người dân vẫn tự phát trồng.
Điều đáng lo ngại nhất là người dân chưa biết kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây tiêu, nhất là tiêu giống được mua trôi nổi nên rất dễ xảy ra rủi ro.
Cách đây 4 - 5 năm, gia đình ông Trương Việt Quang (thôn 2, xã Lộc Phú) đã bắt đầu trồng vài trăm gốc tiêu xen trong vườn cà phê. Trong giai đoạn thu trái bói, mỗi năm gia đình ông cũng thu được 60 - 70kg tiêu khô.
Thấy hiệu quả cao, bước sang năm 2015, ông đã mua hơn 3.000 gốc tiêu giống để về trồng xen trong 4ha cà phê. Tuy nhiên, hiện tại ông đang rất lo lắng vì số tiêu mới xuống giống này bị chết rất nhiều. Ngay cả một số nọc tiêu cũ cũng bị nhiễm bệnh và chết dần. Ông Quang cho biết:
“Được người quen giới thiệu, tôi đã xuống Bà Rịa - Vũng Tàu để mua tiêu giống. Giá cây giống là hơn 10 ngàn đồng/bịch. Khi mới đem về thì cây giống phát triển rất “sung”, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì cây giống “lụi” dần. Hiện, 3.000 bịch cây giống đã chết gần hết; trong đó, có nhiều cây chưa kịp trồng đã chết luôn trong bịch”.
Tại xã Lộc Phú, hiện tại, không có điểm cung ứng tiêu giống cũng như cây gòn để làm trụ tiêu. Người dân chủ yếu truyền miệng nhau về những địa điểm bán giống có “uy tín” tại trung tâm huyện Bảo Lâm hoặc các tỉnh lân cận như Đắk Nông, Đắk Lắk, Đồng Nai…
Anh Phan Văn Lâm (thôn 3, xã Lộc Phú) cho biết, trước đây, bố anh đã trồng vài trăm nọc tiêu trong vườn cà phê. Hiện, số nọc tiêu này đã cho thu bói, nhưng chủ yếu để làm quà biếu chứ chưa bán. Dù chưa biết hiệu quả trồng tiêu tới đâu, nhưng anh vẫn “mạnh dạn” phá bỏ 3 sào cà phê đã ghép cải tạo trước đây để trồng tiêu.
“Giống tiêu trước được mua từ Đắk Lắk. Đến nay, để có giống trồng mới thì tôi chiết nhánh “lươn” trong vườn để trồng. Sở dĩ tôi phá cà phê để trồng tiêu vì muốn thử nghiệm xem tiêu có phù hợp với đất ở đây không. Phải 2 - 3 năm nữa mới biết được kết quả như thế nào” - anh Lâm chia sẻ.
Theo thống kê, những xã trên địa bàn huyện Bảo Lâm phát triển diện tích tiêu nhiều nhất trong thời gian gần đây là Lộc An, Lộc Ngãi, Lộc Đức, Lộc Phú… Ông Nguyễn Đình Gắn, Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi, cho biết:
“Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay, nông dân trong xã đã trồng 105ha tiêu xen trong vườn cà phê. Đây là con số tăng “chóng mặt” và xã đã có khuyến cáo người dân không nên thâm canh cây tiêu. Bởi lẽ, đây là cây trồng khá mới đối với huyện Bảo Lâm, nên chưa biết được nguy cơ dịch bệnh như thế nào, giá cả ra sao khi diện tích tăng đột biến trong thời gian ngắn. Trong khi đó, để đầu tư 1 trụ tiêu thì mất chi phí khá cao (từ 100.000 đồng trở lên)”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bảo Lâm, từ trước đến nay, diện tích tiêu trên địa bàn toàn huyện chỉ giữ ổn định ở mức 50ha. Tuy nhiên, thời gian gần đây người dân trồng rất nhiều và Phòng đang tiến hành thống kê lại.
Cây tiêu không được huyện Bảo Lâm quy hoạch phát triển mà chủ yếu do người dân trồng tự phát xen trong vườn cà phê. Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các xã khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt. Còn theo ông Hồ Đình Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, kết quả điều tra vào quý I/2015 cho thấy diện tích tiêu trồng mới là 154ha.
Đến nay, diện tích này có thể tăng trên dưới 200ha. Điều đáng lo ngại là người dân hiện đang trồng ồ ạt, không có định hướng.
Có thể bạn quan tâm

Từ giữa tháng 6/2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có mưa đều trên diện rộng, do đó các địa phương đã và đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ hè thu, đảm bảo đến cuối tháng 6/2015 kết thúc gieo trồng…

Ngày 15/6, Hội Thuỷ sản tỉnh Cà Mau cùng Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và Phòng Kinh tế, Hội Thuỷ sản TP Cà Mau tiến hành khảo sát tại hộ ông Quách Văn Tứ - bà Nguyễn Thị Ðào, là cặp vợ chồng tàn tật, ở ấp Thành Thưởng, xã An Trạch, huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu, thành công với mô hình nuôi tôm nước tĩnh cho hiệu quả cao.

Những tháng đầu năm 2015, giá cá tra có chuyển biến tích cực, dao động từ 23.000 - 24.000đ/kg, đảm bảo người nuôi có lãi. Diện tích thu hoạch cá tra 6 tháng đầu năm đạt 674 ha, tăng 2,5%, sản lượng đạt 130.342 tấn, tăng 5,2% so cùng kỳ. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5 năm 2015, giá cá tra nguyên liệu đột ngột giảm giảm, hiện chỉ còn từ 20.000 - 21.000 đ/kg, làm cho người nuôi cá tra lo lắng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi thủy sản của tỉnh An Giang 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1.097 héc- ta (tăng 7,2% so cùng kỳ); thu hoạch 163.898 tấn (tăng 5,2% so cùng kỳ).

Hồ thủy điện Hòa Bình (hồ sông Đà) địa phận tỉnh ta có diện tích mặt nước 8.900 ha thuộc 19 xã của 4 huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Cao Phong, Tân Lạc và TP Hòa Bình, là tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển nghề cá. Tỉnh đã quy hoạch và đang triển khai những giải pháp cụ thể, tạo “cú huých” khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù của vùng hồ phát triển nghề cá theo hướng sản xuất hàng hóa.