Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nỗi lo dịch hại đầu vụ

Nỗi lo dịch hại đầu vụ
Ngày đăng: 19/11/2015

Ông Lê Văn Tài thăm đồng thường xuyên, theo dõi sát mật độ rầy nâu trên ruộng để kịp thời phòng trị.

Thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, năm nay do lũ nhỏ, lượng phù sa vào nội đồng ít, nên có khả năng bà con sẽ tốn thêm chi phí phân bón.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo nông dân chú ý đến đối tượng gây hại đầu vụ là ốc bươu vàng, chuột.

Mưa nhiều trong những ngày đầu xuống giống đã làm diện tích lúa của ông Nguyễn Văn Phó, ở ấp 13, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, thiệt hại khoảng 50%.

Mặc dù đã tốn nhiều công xử lý đất kỹ lưỡng, nhưng ông Phó vẫn không thể tránh khỏi những trở ngại đầu vụ do ốc bươu vàng phá hoại.

“Lúa mới sạ bị ngập nước rồi ốc bươu vàng cắn phá dữ dội không kiểm soát nổi.

Tôi phải mua giống sạ giặm thêm.

Đầu vụ mà chỉ tính tiền thuốc trừ ốc và tiền giống sạ giặm đã tốn trên 4 triệu đồng rồi.

Thời tiết bây giờ thất thường quá, nên không đoán trước được.

Vụ này chắc dịch bệnh nhiều, tôi cũng ngán ngại quá!”, chỉ tay về phía ruộng lúa mọc lưa thưa, ông Phó buồn bã nói.

Bên cạnh ốc bươu vàng thì rầy nâu cũng là vấn đề khiến nhà nông lo lắng.

Tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, nhiều nông dân đã đồng loạt xuống giống sớm để né rầy.

Đang canh tác 6,5ha lúa thuộc cánh đồng lớn xã Vị Thanh, ông Lê Văn Tài, cư ngụ tại ấp 10, xã Vị Trung, cho biết: “Tôi thấy đã có rầy trên ruộng, nhưng mật số thấp, chưa đầy 50 con/m2, vẫn trong tầm kiểm soát.

Dù vậy, tôi không phun trị ngay, mà thực hiện theo khuyến cáo là chỉ dùng thuốc từ 30-40 ngày trở lên để giữ thiên địch.

Sâu rầy xuất hiện với mật số còn ít sẽ bị thiên địch tiêu diệt, nên mình không phải lo”.

Ngành bảo vệ thực vật tỉnh đã khuyến cáo nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, hạn chế chi phí phân thuốc.

Ông Đinh Quốc Toàn, cán bộ bảo vệ thực vật xã Vị Thanh, cho biết: “Ở vụ Đông xuân này, chúng tôi khuyến cáo bà con hạn chế tối đa phân thuốc trong 30-40 ngày đầu sau sạ.

Đồng thời phổ biến chương trình 1 phải - 5 giảm (dùng giống lúa xác nhận - giảm lượng nước vừa đủ; giảm thất thoát sau khi thu hoạch; giảm lượng giống; giảm lượng thuốc; giảm phân bón); hướng dẫn bà con sử dụng thuốc 4 đúng tùy theo từng loại sâu bệnh tấn công (đúng thuốc - đúng lúc - đúng liều lượng - đúng cách); sử dụng nấm xanh để tiêu diệt sâu rầy…

Năm nay, do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, ngành chuyên môn cũng dự báo các loại sâu bệnh hại có khả năng sẽ xuất hiện trong vụ này là rầy nâu, chuột, nhện gié...

Do vậy, sau khi gieo sạ, nông dân cần thăm đồng thường xuyên, sớm phát hiện sâu bệnh và dùng thuốc đặc trị để phun xịt đúng lúc, hạn chế sử dụng thuốc hóa học để tránh tác động vào môi trường, tiết kiệm chi phí.

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định, lúa vụ Đông xuân năm nay có khả năng sẽ không tốt bằng các năm trước, bởi chất dinh dưỡng trong đất ít.

Do vậy, có thể nông dân sẽ tốn thêm chi phí phân bón.

Tuy nhiên, liều lượng khi sử dụng phân bón phải cân đối với mật độ gieo sạ.

Nếu nông dân bón nhiều đạm, sẽ kéo theo sâu cuốn lá và bệnh đạo ôn sẽ xuất hiện.

“Đặc biệt bà con cũng cần theo dõi sát mật độ rầy nâu xuất hiện trên ruộng.

Không phun thuốc trừ rầy sớm, mà chỉ phun khi chúng xuất hiện với mật số 2-3 con/tép, mặt khác lợi dụng thiên địch và sử dụng nấm xanh tiêu diệt.

Vụ này, bù lạch cũng có khả năng xuất hiện nhiều, do đó cần cân đối tốt lượng nước và phân bón trên ruộng, nếu xuống giống đồng loạt sẽ kiểm soát được đối tượng này.

Bà con cũng cần đề phòng khả năng chuột xuất hiện nhiều ở giai đoạn đầu và cuối vụ để chủ động các biện pháp bảo vệ mùa màng”, ông Thể khuyến cáo.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi gà kỹ thuật cao cho thu nhập ổn định Nuôi gà kỹ thuật cao cho thu nhập ổn định

Hiện nay, việc ứng dụng phương pháp nuôi gà an toàn sinh học dưới tán cây lâu năm ở Bình Phước đã và đang mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi. Hình thức này còn góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra sản phẩm gà sạch, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Cách làm của hộ ông Lê Xuân Tuyến ở ấp 1, xã Minh Lập (Chơn Thành) là ví dụ điển hình.

19/05/2015
Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu thức ăn chăn nuôi Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu thức ăn chăn nuôi

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, họ đang gặp phải nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề cấp phép kiểm dịch và nhập khẩu.

19/05/2015
Kế Sách (Sóc Trăng) làm giàu nhờ hợp tác nuôi gà Kế Sách (Sóc Trăng) làm giàu nhờ hợp tác nuôi gà

Bà con nông dân ấp Nam Hải, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng vốn gắn bó với nghề chăn nuôi từ lâu. Bên cạnh việc trồng lúa, hầu hết nông hộ đều có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm 2010 trở về trước, nuôi heo nái và heo thịt quy mô gia trại là thế mạnh ở đây.

19/05/2015
Nghề nuôi trâu ở Phước Thắng (Bình Định) Nghề nuôi trâu ở Phước Thắng (Bình Định)

Là xã thuần nông, những năm qua xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, toàn xã có 1.699 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu nhập từ chăn nuôi chiếm 40% giá trị sản xuất nông nghiệp. Vật nuôi cho giá trị thu nhập cao nhất phải kể đến con trâu.

19/05/2015
Bò ngoại trên đất khó Bò ngoại trên đất khó

Nằm trong vùng sinh thái có khí hậu đặc thù của Tây Nguyên, lượng mưa trung bình năm đạt 1.600 – 1.800 mm, với diện tích đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, đa dạng rất thích hợp với phát triển chăn nuôi đại gia súc, việc đưa bò ngoại vào chăn nuôi thử nghiệm tại huyện M’Drak thành công đã mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành chăn nuôi Dak Lak.

19/05/2015