Nỗi Buồn Xuất Khẩu Nông Sản

Việt Nam tự hào vì có sản lượng cà phê, cao su xuất khẩu đứng trong tốp đầu của thế giới. Trong đó, Đồng Nai là một địa phương xuất khẩu lớn các mặt hàng này. Dù vậy, sau bao nhiêu năm tham gia thị trường, doanh nghiệp và nông dân vẫn không thể chủ động được giá bán.
Trong 4 loại nông sản xuất khẩu lớn của Đồng Nai, gồm: cà phê, hạt điều, tiêu, cao su thì giá cà phê, cao su thường xuyên biến động với mức tăng, giảm lớn khiến doanh nghiệp và nông dân gặp không ít khó khăn.
* Chủ yếu xuất thô
Nguyên nhân của sự bị động về giá là do nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất thô. Do đó, phải qua nước thứ 2 để chế biến, sau đó mới xuất khẩu tiếp nên lợi nhuận phần lớn nằm trong khâu chế biến sâu, nông dân và doanh nghiệp trong nước không được hưởng.
Bà Mai Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Việt Phúc - Phát Thịnh (TP.Biên Hòa), cho hay: “Mỗi năm, công ty xuất khẩu trên 12 ngàn tấn cà phê nhân thô sang thị trường châu Âu, châu Á. Vì xuất khẩu cà phê thô do vậy công ty phải lệ thuộc vào những nhà đầu cơ, chế biến khác nên không quyết định được giá bán”. Cũng theo bà Anh, nếu chế biến được cà phê xuất khẩu, lợi nhuận có thể tăng gấp 2-3 lần xuất thô.
Ông Nguyễn Cao Nhơn, Giám đốc Phòng Kinh doanh Tổng công ty Tín Nghĩa, cho biết: “Tổng công ty xuất khẩu khoảng 100 ngàn tấn cà phê thô/năm cho 80 quốc gia, nhưng giá cà phê luôn lệ thuộc vào các nhà đầu cơ nên rất khó dự báo trước. Hầu như trước nay, giá xuất khẩu tăng hay giảm đều do các nhà đầu cơ khống chế. Khi muốn giá cà phê thế giới xuống thấp thì nhà đầu cơ cùng đồng loạt xả hàng.
Ngược lại, khi muốn đẩy giá cà phê lên cao sẽ hạn chế bán ra”. Do xuất khẩu cà phê thô nên dù có sản lượng lớn, các doanh nghiệp trong nước đều không làm chủ và dự báo trước được giá sẽ tăng hay giảm.
* Chế biến sâu: không dễ
Hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đều khẳng định, nông sản được chế biến sâu khi xuất khẩu thì giá trị tăng lên rất cao và giá bán sản phẩm sẽ ổn định hơn. Đơn cử như xuất khẩu hạt điều, đây là một trong số ít ngành nông sản Việt Nam xuất khẩu khi đã chế biến sâu.
Tại Đồng Nai, 8 tháng của năm 2014, tỉnh xuất khẩu gần 19 ngàn tấn nhân hạt điều đã chế biến với tổng giá trị gần 122,5 triệu USD, tăng 22,5% về sản lượng nhưng giá trị tăng gần 31%.
Bà Nguyễn Thị Gái, Tổng giám đốc Tổng công ty cao su Đồng Nai, cho biết: “Năm 2013, giá xuất khẩu cao su là 64 triệu đồng/tấn, nhưng 8 tháng của năm 2014, giá xuất khẩu bình quân chỉ còn 43 triệu đồng/tấn. Giá cao su xuất khẩu trong thời gian tới có khả năng tiếp tục giảm”. Cũng theo bà Gái, khoảng 60% sản lượng cao su của tổng công ty xuất khẩu, còn 40% tiêu thụ trong nước.
Chế biến nông sản trước khi xuất khẩu để nâng giá trị là điều rất nhiều doanh nghiệp mong muốn, song thực tế ít doanh nghiệp làm được. Bởi điều này đòi hỏi nguồn vốn lớn và nguồn nhân lực tốt. Một số doanh nghiệp vốn nhà nước có tiềm lực mạnh thì lại vướng về cơ chế để thực hiện.
Ông Nguyễn Cao Nhơn phân tích: “Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà máy chế biến sâu nhưng lại ngại không đầu tư. Khi có sản phẩm, doanh nghiệp phải tiếp thị, quảng cáo trong và ngoài nước để nhiều người biết sử dụng thì vướng quy định chỉ cho quảng cáo không quá 10% doanh thu. Trong khi với sản phẩm mới, các doanh nghiệp nước ngoài có thể đầu tư từ 30-50% doanh thu cho quảng bá sản phẩm”.
Ông Nhơn chia sẻ thêm, muốn có sản phẩm tốt theo nhu cầu của thị trường, phải có nguồn nhân lực giỏi; muốn thu hút nguồn nhân lực giỏi phải trả lương cao. Với các doanh nghiệp có vốn nhà nước lại vướng vào quy định lương nên không thể trả cao, khó thu hút được người giỏi.
Ngoài cà phê, xuất khẩu ngành cao su Việt Nam khoảng 3 năm lại đây giá liên tục giảm sâu và không ít doanh nghiệp lao đao vì khó tìm đầu ra. Thế nhưng, nghịch lý là các doanh nghiệp trong nước đang phải nhập khẩu một lượng lớn cao su từ nước ngoài về để sản xuất.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp nhập khẩu cao su để sản xuất cho hay, sở dĩ có nghịch lý cao su trong nước khó xuất khẩu, còn doanh nghiệp trong nước vẫn phải nhập khẩu cao su với lượng lớn là do Việt Nam hầu như chỉ xuất khẩu cao su thiên nhiên dưới dạng thô, trong khi các doanh nghiệp trong nước lại cần cao su tổng hợp để sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi rớt giá thảm hại vào tháng 4.2015, giá hành tím giống tại Sóc Trăng đến nay lại tăng lên khá cao, báo hiệu một vụ hành mới sôi nổi. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ theo giải pháp thị trường chưa có nhiều chuyển biến, trong khi không thể trông chờ mãi vào cách giải cứu của các “hiệp sĩ”...

Từ miền Tây khăn gói lên mảnh đất Lâm Đồng lập nghiệp, nhờ chịu thương, chịu khó tìm tòi và biết áp dụng kỹ thuật trồng cam. Đến nay, anh Lê Hoàng Minh (35 tuổi, ở xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) đã có một vườn cam sành thu lãi khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.

Sen rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, sử dụng phân bón tương đối ít, sau khi trồng 1 năm thì thu hoạch (có thể thu hoạch kéo dài hơn 2 năm tùy điều kiện).

Ông Phan Văn Đon- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước cho biết, định hướng của các tỉnh Đông Nam Bộ hiện nay là tập trung đẩy mạnh phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình hiện đại, quy mô lớn. Và để đạt được mục tiêu này cần có một nguồn lực tài chính mạnh.

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gieo trồng rau cải trong nhà lưới, giúp cho xã viên HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội phấn khởi thu hoạch cải trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.