Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nỗ lực truy tận gốc chất tạo nạc

Nỗ lực truy tận gốc chất tạo nạc
Ngày đăng: 01/09/2015

Trước vụ việc một số người chăn nuôi heo dùng chất tạo nạc để trục lợi bất chính diễn ra trên diện rộng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc truy tận nơi sản xuất chất cấm này. Bước đầu đã hé lộ những đối tượng vi phạm.

Người chăn nuôi nói không với chất tạo nạc

Tại Hội thảo “Nuôi heo nạc không sử dụng chất cấm”, do Phân viện Chăn nuôi Đông Nam bộ, Hiệp hội Chăn nuôi và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN & PTNT) Đồng Nai tổ chức ngày 24/8, hơn 300 hộ chăn nuôi heo đã ký cam kết chăn nuôi không sử dụng chất cấm.

Bà Bùi Thị Nhị (ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) - chủ hộ chăn nuôi gia đình ký cam kết không sử dụng chất tạo nạc trong đợt này - bày tỏ: Một số hộ chăn nuôi heo bị thương lái dụ dùng chất tạo nạc để nuôi heo kiếm lời là hành vi bất chính, gây ảnh hưởng đến toàn ngành chăn nuôi. Để loại bỏ tình trạng làm ăn gian dối này, nhà nước nên xử lý mạnh tay cả người chăn nuôi lẫn người bán thuốc cấm.

Theo ông Bùi Duy Hoàng (phụ trách Câu lạc bộ chăn nuôi heo tại thị xã Long Khánh), nhà nước nên có cách tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ chất cấm, tránh nguy cơ người tiêu dùng “tẩy chay” sản phẩm chăn nuôi của cơ sở làm ăn chân chính.

Ông Đỗ Đình Sĩ (một hộ chăn nuôi heo ở huyện Thống Nhất) đề nghị, không chỉ có hơn 300 hộ nuôi heo ký kết mà tất cả người chăn nuôi heo ở Đồng Nai đều phải cam kết như vậy nếu không muốn ngành này bị phá sản.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai Trần Văn Quang - cho rằng, việc yêu cầu người chăn nuôi ký cam kết là giải pháp để chấn chỉnh việc sử dụng chất tạo nạc tràn lan. Ngoài tăng cường kiểm soát tình trạng sản xuất cám, quy trình chăn nuôi, ngành thú y sẽ truy xuất nguồn gốc từng đơn vị, cá nhân sử dụng chất tạo nạc và cương quyết xử lý.

Truy tìm nơi cung cấp, sản xuất chất cấm

Sau khi các vụ dùng chất tạo nạc được phát hiện, Bộ Công an cùng với Bộ NN & PTNT đã vào cuộc truy tìm nơi cung cấp, sản xuất chất cấm.

Ngày 19/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Bộ Công an) cùng với thanh tra Bộ NN & PTNT kiểm tra Công ty TNHH sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh). Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện công ty này đang sản xuất thuốc cấm họ beta-agonist (salbutamol, clenbuterol, ractopamine), còn gọi là chất tạo nạc, tăng trọng, bị nghiêm cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Công ty Khoa Nguyên không có giấy phép sản xuất thuốc thú y, chỉ đăng ký sản xuất 19 sản phẩm thức ăn chăn nuôi bổ sung nhưng lại sản xuất trên 300 sản phẩm thuốc thú y trái quy định. Trong hơn 300 sản phẩm nghiêm cấm sản xuất, sử dụng, một lượng lớn bột nguyên liệu (trọng lượng 1 kg/gói) đang chuẩn bị đóng gói xuất ra thị trường mang tên “KN - SAMURAI”, còn gọi là chất tạo nạc, bung đùi, nở mông vai, được phân phối tại thị trường Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang…

Mới đây, Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh lấy 222 mẫu nước tiểu từ các đàn heo của 8 tỉnh có lượng thịt lợn lớn nhập vào thành phố để xét nghiệm. Kết quả, tình trạng heo sử dụng chất cấm vẫn không giảm, trong đó nhiều nhất là tỉnh Đồng Nai.

Ông Huỳnh Tấn Phát - Chi cục phó Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh - cho biết, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, chi cục đã xử lý trên 1.000 trường hợp vi phạm, trong đó có 24 tấn thịt heo không rõ nguồn gốc. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngành Thú y thành phố đang tăng cường kiểm soát chặt thịt gia súc ngay cửa vào thị trường, đồng thời thường xuyên, đột xuất lấy mẫu thịt để kiểm tra nhằm loại bỏ thịt bẩn trước khi người tiêu dùng sử dụng.

7 tháng đầu năm 2015, ngành nông nghiệp lấy 84 mẫu nước tiểu heo tại 84 cơ sở chăn nuôi ở Đồng Nai, phát hiện 17 mẫu có kết quả dương tính với chất cấm salbutamol; trong khi năm 2014, lấy 156 mẫu nước tiểu, phát hiện 12 mẫu dương tính với chất cấm này.


Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu thủy sản chưa qua cơn bĩ cực Xuất khẩu thủy sản chưa qua cơn bĩ cực

Trong quí 2-2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước tính tăng 22% so với quí 1 nhưng vẫn thấp hơn 14% so với cùng kỳ.

24/08/2015
Cua biển Cà Mau rớt giá một nửa Cua biển Cà Mau rớt giá một nửa

Do thương lái Trung Quốc giảm thu mua, cua biển Cà Mau hiện chỉ còn 120.000-180.000 đồng một kg.

24/08/2015
Đầu tư tiền tỷ khởi nghiệp với vườn lan Dendro Đầu tư tiền tỷ khởi nghiệp với vườn lan Dendro

Nghỉ việc kế toán, mạnh tay vay ngân hàng 5 tỷ đồng, anh Phan Trọng Chinh đầu tư trồng 2 hecta lan Dendro ở Củ Chi và dự tính sau 3 năm sẽ có lãi.

24/08/2015
Nông sản xuất khẩu bị ép giá sau bất ổn đồng nhân dân tệ Nông sản xuất khẩu bị ép giá sau bất ổn đồng nhân dân tệ

Không chỉ giảm số lượng và giá trị, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản gặp khó khi đối tác Trung Quốc ép giá, hoặc các đầu mối trung gian nhập khẩu cũng yêu cầu áp tỷ giá với đồng nhân dân tệ.

24/08/2015
Nguy cơ bùng phát bệnh bạc lá trên lúa Thu đông Nguy cơ bùng phát bệnh bạc lá trên lúa Thu đông

Thời tiết nắng, mưa xen kẽ như hiện nay đã làm cho độ ẩm tăng nên dẫn đến tình hình dịch hại trên lúa Thu đông phát triển mạnh. Trong đó, đáng chú ý là dịch bệnh bạc lá đang có xu hướng bùng phát trên diện rộng, từ đó gây nhiều lo lắng cho người dân.

24/08/2015