Nỗ Lực Tìm Đầu Ra Cho Con Ếch

Những năm gần đây, phong trào nuôi ếch ở huyện Tháp Mười phát triển mạnh. Hiện tại, toàn huyện có gần 500 hộ nuôi với trên 14 triệu con, sản lượng mỗi năm gần 5.000 tấn. Do nuôi số lượng nhiều nên có thời điểm giá ếch giảm sâu, người nuôi ếch không có lời, thậm chí lỗ vốn mà vẫn không tìm được thương lái đến mua.
Có dịp trao đổi với một số hộ nuôi ếch trong huyện, chúng tôi nhận thấy, đây được xem như là nghề chính đem lại thu nhập cho người nông dân ngoài trồng lúa, những năm trước đây nó còn là nghề thoát nghèo của nhiều hộ gia đình không có ruộng đất và việc làm ổn định.
Chính vì vậy, 2 năm nay số lượng hộ nuôi tăng lên rất nhiều. Do số lượng hộ nuôi nhiều nhưng không có đầu ra ổn định nên giá cả rất bấp bênh, có thời điểm giá ếch chỉ còn từ 26 ngàn - 28 ngàn đồng/kg. Mặc dù giá cả không ổn định nhưng người nông dân không có ý định thay đổi vật nuôi do nuôi ếch thời gian nuôi ngắn, dễ bán hơn các loại vật nuôi khác.
Ông Trần Văn Lừng ở ấp Mỹ Thị B, xã Mỹ An chia sẻ: “Nuôi ếch cũng có lời lỗ, 1 năm nuôi 3 hoặc 4 đợt thì lời 3, lỗ 1. Giá thị trường do thương lái định, thương lái mua cao thì lời nhiều, mua thấp thì có khi huề, có khi lỗ nhưng lời nhờ cá do kết hợp nuôi cá đê ăn thức ăn thừa của ếch”.
Cũng như ông Trần Văn Lừng, ông Phạm Tấn Lộc ở ấp 2, xã Đốc Binh Kiều nuôi ếch nhiều năm nay. Để chăn nuôi bền vững, ông và những hộ nuôi ếch ở ấp 2, xã Đốc Binh Kiều đã liên kết thành lập tổ hợp tác để có thể hỗ trợ kỹ thuật lẫn nhau, đồng thời giá bán cũng cao hơn so với các hộ bán riêng lẻ vì thương lái thường thu mua tập trung để giảm chi phí vận chuyển. Dù vậy vấn đề đầu ra vẫn hiện là nỗi lo cho người nuôi ếch.
Trước tình hình số lượng người nuôi ếch tăng, lãnh đạo UBND huyện, ngành chuyên môn và các địa phương đã nỗ lực tìm thị trường tiêu thụ cho người dân. Trong chuyến gặp gỡ với Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam tại TP. Cần Thơ, lãnh đạo UBND huyện và ngành chuyên môn đã tìm hiểu nhu cầu của công ty, giá cả, hình thức thu mua, các chính sách hỗ trợ đối với người nuôi.
Theo đó, mỗi ngày Công ty cần cung cấp từ 500kg đến 1 tấn ếch với giá thu mua cao hơn thị trường từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, tuy nhiên người chăn nuôi phải đảm bảo chăn nuôi theo quy trình MetroGap.
Anh Nguyễn Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Đốc Binh Kiều đại diện cho người nuôi ếch cùng tham gia gặp gỡ với Công ty cho biết: Các điều kiện của Công ty tương đối phù hợp với người nuôi. Khó khăn hiện nay là phương tiện vận chuyển từ địa phương tới Công ty và hình thức thanh toán tiền. Địa phương sẽ vận động bà con từng bước khắc phụ khó khăn, liên kết với Công ty, để đảm bảo đầu ra”.
Mặc dù việc ký hợp đồng liên kết tiêu thụ ếch với các công ty còn đang trong quá trình bàn bạc nhưng qua các chuyến tìm hiểu thị trường đã giúp cho lãnh đạo UBND huyện Tháp Mười nắm được nhu cầu của thị trường đối với chất lượng ếch thương phẩm. Theo đó, hạn chế của người nuôi ếch ở huyện Tháp Mười hiện nay là còn nuôi nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết, trong quá trình nuôi chưa chú ý đến việc bảo vệ môi trường và chưa theo đúng quy trình kỹ thuật.
Ông Đinh Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười nói: “Hướng tới, huyện sẽ giao cho Phòng Nông nghiệp chủ trì phối hợp với các xã tiến hành quy hoạch lại vùng nuôi ở những nơi thuận tiện, hợp lý; kiểm tra lại toàn bộ quy trình và hướng dẫn kỹ thuật để việc nuôi ếch đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế thấp nhất dư lượng kháng sinh trong sản phẩm.
Mặt khác chỉ đạo các xã rà soát lại các tổ hợp tác, cần thiết hình thành một hợp tác xã nuôi ếch để tổ chức sản xuất theo đúng quy trình. Huyện cũng hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ hợp tác xây dựng phương án sản xuất, trong đó có vận chuyển, chọn lựa chất lượng sản phẩm và trung chuyển cho các công ty, siêu thị”.
Mong rằng với những nỗ lực của huyện Tháp Mười, nghề chăn nuôi ếch sẽ có những tín hiệu vui, giúp người nuôi an tâm.
Có thể bạn quan tâm

Nơi đây được nhiều người biết đến khi hơn 50 hộ dân trong thôn lần đầu tiên có điện vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sau 25 năm sống trong cảnh đèn dầu. Thế nhưng, ít ai biết rằng Kinh tế 2 là thôn đi đầu trong việc nuôi bò lai cũng như lai tạo đàn bò của xã Ea Trol nói riêng và huyện Sông Hinh nói chung.

Hiện nay, tại Đồng Nai giá cà phê nhân xô các đại lý mua vào là 42 - 42,5 triệu đồng/tấn, tăng gần 5 triệu đồng/tấn so với dịp cuối tháng 9 - 2014. Như vậy, sau một thời gian dài hạ xuống dưới 38 triệu đồng/tấn, từ đầu tháng 10 - 2014, giá cà phê trên thị trường đã tăng trở lại. Nguyên nhân là do giá cà phê trên thế giới trong 2 tuần qua liên tiếp tăng.

Tổ hợp tác sản xuất mãng cầu Thạnh Tân bước đầu có 9 hộ nông dân tham gia, với diện tích đất trồng mãng cầu là 74.000 mét vuông. Tổ hoạt động trên cơ sở liên kết nhiều hộ nông dân có diện tích đất sản xuất liền canh, liền khu vực, tự quản lý sản xuất, tự chịu trách nhiệm.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 9 tháng đầu năm 2014, mối liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đặc biệt là trong ngành hàng lúa gạo đã đạt được những thành quả rõ nét hơn so với cùng kỳ 2013.

Mới đây, bà đã mạnh dạn xây dựng xưởng sơ chế, bảo quản cấp đông sản phẩm chanh dây phục vụ cho các công ty trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm chanh dây của HTX đã xuất khẩu đến thị trường Đài Loan, Hàn Quốc…và đầu năm 2014 được Hội Nông dân Việt Nam công nhận là 1 trong số 150 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.