Nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường

Xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất trong công tác xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nên ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường. Ðến tháng 8.2015, Nhơn An đã thực hiện hoàn thành tiêu chí môi trường, và cũng là hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Ông Phan Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn An, chia sẻ: Khắc ghi và làm theo lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, cùng với phương châm “mưa dầm thấm lâu” Đảng ủy xã đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, vận động bà con tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, đặc biệt là vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn. Tháng 8.2015, Nhơn An thực hiện hoàn thành tiêu chí môi trường, về đích NTM.
Đến nay, toàn xã có 100% số hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh (trong đó 50% hộ dân sử dụng nước máy), 72% hộ gia đình có 3 công trình vệ sinh, các cơ sở chăn nuôi đều xây dựng hầm khí bioga. Hội Nông dân xã đảm nhiệm thu gom rác bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên đồng ruộng và 5 làng nghề trồng mai cảnh bằng việc xây dựng 54 hố bê tông đựng rác bao bì thuốc BVTV, tổng kinh phí 14,4 triệu đồng, từ nguồn xã hội hóa và hội viên nông dân dóng góp.
Ông Lê Đình Ẩn, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: “Từ khi có các hố thu gom rác thì trên đồng ruộng không còn rác bao bì thuốc BVTV, qua đó bà con đã có ý thức hơn, không những bảo vệ môi trường đồng ruộng mà còn tích cực bảo vệ môi trường khu dân cư, xử lý và tiêu hủy rác sinh hoạt đúng nơi quy định. Vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật giữa tháng, cả xã hưởng ứng ngày “vệ sinh yêu nước” đồng loạt tổ chức ra quân thu gom rác thải, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp ở địa phương”.
Ông Nguyễn Huỳnh Quang, hội viên nông dân, ở thôn Tân Dân, bộc bạch: “Từ khi xã triển khai XDNTM, cán bộ Hội Nông dân đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động về tác hại của việc sử dụng quá nhiều thuốc BVTV và phân bón không đúng cách, qua đó bà con chúng tui đã hiểu ra, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón có nguồn gốc hóa học, mà sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, không vứt rác sinh hoạt bừa bãi ra môi trường, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.
Hội LHPN xã cũng đã tổ chức làm điểm xây dựng 100 hố rác tại gia đình, vận động chị em hội viên phân loại rác trước khi đem đổ vào hố tiêu hủy, đến nay phong trào lan rộng trong các gia đình hội viên. Dọc theo các tuyến đường chính trong xã đã có trên 727 hộ gia đình và các cơ quan, trường học đăng ký thu gom rác thải hàng ngày với Công ty Môi trường đô thị An Nhơn.
Xã cũng mua 10 chiếc xe đẩy thu gom rác ở những nơi xa đường chính; mỗi thôn thành lập tổ thu gom rác bằng xe đẩy đến điểm tập kết chung để xe của Công ty Môi trường đô thị An Nhơn đưa đi xử lý. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn xã đều cam kết sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường, không có các hoạt động gây suy giảm môi trường.
Cũng theo ông Phan Thanh Liêm, xã đang tích cực củng cố, nâng cao hơn nữa tiêu chí môi trường, vận động 28% số hộ còn lại có đầy đủ 3 công trình vệ sinh, duy trì ngày “vệ sinh yêu nước”. Địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực quản lý và đào tạo nguồn nhân lực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Có thể bạn quan tâm

Tháng 8/2012, Trạm Khuyến nông huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) triển khai mô hình “chăn nuôi gà thả vườn” với qui mô 1.000 con ở 6 xã với 20 hộ tham gia. Trong đó, xã Hàm Hiệp có 6 hộ tham gia. Mỗi hộ được cung ứng 50 con giống gà ta lai. Nhà nước hỗ trợ 100% tiền giống, tư vấn kỹ thuật và 50% thuốc thú y, thuốc sát trùng. Sau gần 3 tháng nuôi trọng lượng gà bình quân ở 20 hộ tham gia đạt 1,3 kg/con, tỉ lệ gà sống đạt 91,05%. Với giá thị trường hiện nay khoảng 82.500 đồng/kg, mỗi lứa nuôi 50 con gà, bà con lãi gần 1,6 triệu đồng.

Trong điều kiện con tôm cho thu nhập chưa thật sự ổn định, liên tục các năm qua, huyện Đầm Dơi tăng cường phát động bà con nhân dân tận dụng đất trống, cải tạo vườn tạp để trồng rau màu. Chủ trương này được người dân trong huyện đồng tình hưởng ứng khá tốt.

Sau khi thực hiện thành công dự án "Phát triển đàn cá tra bố mẹ hậu bị tốt" Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã phát tán 5.600 cá tra bố mẹ hậu bị có lý lịch rõ ràng, ngoại hình hoàn chỉnh, không đồng huyết, cận huyết cho 3 cơ sở sản xuất cá tra bột trong tỉnh và sẵn sàng cung cấp tiếp 4.000 con cho các cơ sở sản xuất cá tra bột có yêu cầu thay đổi đàn cá bố mẹ, nhằm tạo đàn cá bố mẹ hậu bị tốt để cung cấp con giống chất lượng cao cho ngư dân thả nuôi, góp phần hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm cá tra An Giang.

200/223 hộ dân ở thôn Gò Găng, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và. Những bè cá bồng bềnh trên sông nước, những cọc hàu cắm sâu vào lòng sông đã và đang đem lại cho người dân nơi đây cơ hội kiếm sống, nuôi con ăn học, xây nhà…

Vụ nuôi tôm gần đây, toàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã có 122 hộ nuôi tôm trên ruộng, với tổng diện tích 752,8 ha (giảm 55,2 ha so năm trước). Đến nay, hầu hết các hộ nuôi đã cơ bản thu hoạch dứt điểm, đạt tổng sản lượng hơn 903 tấn tôm càng xanh thương phẩm. Trong đó, có trên 560 tấn tôm thịt và 343 tấn tôm trứng.