Nỗ Lực Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Việc Nuôi, Chế Biến, Tiêu Thụ Cá Tra

Theo kết quả kiểm tra ban đầu về chính sách hỗ trợ người nuôi cá tra, 4 địa phương trọng điểm An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ có số dư tín dụng tại các ngân hàng thương mại phục vụ cho nuôi và chế biến cá tra khá cao và hầu hết các khoản vay đến kỳ đáo hạn đều được điều chỉnh lãi suất về mức 13 - 15%/năm.
Đây là thông tin do ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về chính sách hỗ trợ người nuôi cá tra tại 4 địa phương An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ.
Qua kết quả làm việc với UBND tỉnh, Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho thấy, đến nay, các địa phương đều đã thực hiện giãn nợ đối với các đối tượng vay nuôi, chế biến, sản xuất cá tra. Đồng thời, đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, để tạo điều kiện cho người dân nuôi cá và doanh nghiệp có thể tiếp cận với mức lãi suất 11%/năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay 4 địa phương kể trên có số dư tín dụng tại các ngân hàng thương mại phục vụ cho nuôi và chế biến cá tra khá cao. Như An Giang 1.265,338 tỷ đồng, Vĩnh Long 31.967 tỷ đồng, Đồng Tháp: 4.154 tỷ đồng, Cần Thơ 5.688 tỷ đồng.
Theo ông Điền, đây mới chỉ là những con số tổng quát. Để có giải pháp, phương hướng giải quyết cụ thể hơn, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các tỉnh có báo cáo cụ thể tổng số dư nợ được giãn thời gian trả nợ, tổng số dư nợ được giảm lãi suất, tổng số được vay mới theo lãi suất ưu đãi 11%.
Về lãi suất ngân hàng, đến nay tất cả các khoản vay cho nuôi và chế biến cá tra tại các ngân hàng thương mại nhà nước đến kỳ đáo hạn đều được điều chỉnh về mức 13 – 15%/năm.
Tuy nhiên, ông Điền cho biết, vẫn còn một số ngân hàng thương mại cổ phần vẫn giữ nguyên mức lãi suất cao (khoảng 19 - 20%/năm). Điều này đã làm ảnh hưởng đến giá thành nuôi và chế biến cá tra. Hiện các địa phương đang tìm cách tháo gỡ vấn đề này.
Ngoài ra, để nắm tình hình thực tế việc vay vốn tín dụng, đoàn kiểm tra đã khảo sát thực tế tại các hộ nuôi cá và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Qua đó cho thấy, vẫn còn những hộ nuôi cá và doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn tín dụng hoặc còn gặp khó trong việc vay vốn ngân hàng.
Tích cực giúp nông dân tiếp cận vốn
Là một địa phương được ghi nhận có nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho nuôi và chế biến cá tra, tỉnh Đồng Tháp hiện có 1.174 cơ sở sản xuất và cung ứng giống cá tra. Diện tích cá tra đang nuôi của tỉnh khá lớn, hiện là 769,5 ha.
Tuy chưa thực hiện được công tác giải ngân, cho vay mới nhưng hiện tỉnh đã có những động thái tích cực trong công tác hỗ trợ ban đầu và đã đi khảo sát để tiến tới cho vay theo mức lãi suất 11%.
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, ông Nguyễn Văn Hải, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngày 7/10 tới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cùng lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương sẽ tham gia đối thoại với dân trên truyền hình tỉnh qua chương trình “Đồng hành cùng nhân dân”. Chương trình có chủ đề “Lãi suất tín dụng và giải pháp tiếp cận nhanh nguồn vốn tín dụng của nông dân”, trong đó sẽ giải đáp thắc mắc của người nông dân về việc tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ cá tra.
Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch của tỉnh Đồng Tháp nhằm góp phần nâng cao mối quan hệ giữa chính quyền với cơ quan báo chí, chính quyền với nhân dân của tỉnh. Trước những khó khăn của người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra, việc làm này của tỉnh Đồng Tháp đã mang lại nhiều hy vọng cho người nuôi cá tra và doanh nghiệp.
Đây cũng chính là một trong những hành động được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả trong việc thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm “giải cứu” cá tra.
Có thể bạn quan tâm

Vài năm gần đây, anh Nguyễn Văn Tám ở ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã thành công với mô hình nuôi cá lóc trong vèo, góp phần nâng cao mức sống gia đình.

Mô hình nuôi cá lồng bè của Công ty An Phú là một trong những mô hình nuôi lớn nhất về lồng bè tại Bến Tre. Công ty đã đầu tư trên 40 tỷ đồng để xây dựng mô hình nuôi ven sông Tiền trên diện tích đất thuê 9,3ha mặt nước. Chiều ngang khu nuôi trên 100m, chiều dài 1.080m với 408 lồng bè. Công ty đã thả cá giống khoảng 5 tháng với công suất hoạt động chiếm 50% tổng số lồng bè.

Sáng ngày 16/10, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ phối hợp với Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức hội thảo “Công nghệ chế biến thực phẩm gia tăng giá trị cho ngành Cá Việt Nam”.

Đồng Quế là một xã nghèo của huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) còn nhiề khó khăn, với địa hình hiểm trở, đa phần là đồi núi, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nhưng không vì thế mà người dân Đồng Quế đầu hàng với số phận, họ vẫn nung nấu quyết tâm, không ngừng vươn lên để tìm cho mình cách phát triển kinh tế..

Là một trong năm trang trại được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp (Đắc Lắk) cấp giấy chứng nhận hoạt động, trang trại chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Hoạt (sinh năm 1987) ở thôn 10, xã Ea Lê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.