Nỗ Lực Phát Triển Cà Phê Bền Vững

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột vừa diễn ra tại Đắk Lắk đã thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh việc quảng bá, lễ hội cà phê năm nay còn hướng đến mục tiêu tìm ra giải pháp phát triển cà phê Tây Nguyên bền vững.
Với chủ đề Tạ ơn cà phê, lễ hội gửi gắm lời tạ ơn một vùng đất đỏ bazan trù phú, nơi cho từng rẫy cà phê mạch nguồn để lớn lên, tạ ơn nắng, gió, mưa đã cho từng gốc cà phê đơm hoa kết trái, nhưng trên hết là tạ ơn người trồng càphê đã vất vả để làm nên những hạt cà phê quý giá. Tuy nhiên, có một thực tế là đời sống của người trồng càphê, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bà con sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, trình độ canh tác lạc hậu.
Theo thống kê, tỉnh Đắk Lắk có hơn 190.700ha cà phê, sản lượng trung bình 400.000 tấn/năm, giá trị xuất khẩu cà phê chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tạo việc làm ổn định cho trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan đến cây cà phê. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15% diện tích cà phê thuộc các công ty, doanh nghiêp được trồng thành vùng chuyên canh, còn lại là do người dân tự trồng và quản lý. Số hộ trồng dưới 0,5ha chiếm khoảng 35%, số hộ trồng từ 0,5ha đến dưới 1ha chiếm 34%.
Không riêng gì Đắk Lắk mà tại Lâm Đồng, Kom Tum, Gia Lai, Đắk Nông, việc sản xuất cà phê cũng chỉ mới dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, vườn cà phê già cỗi ngày càng gia tăng. Hiện người trồng cà phê còn phải đối mặt với tình trạng hạn hán thường xuyên làm giảm năng suất, sản lượng.
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh này đã và đang triển khai đề án Phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, sẽ tập trung xây dựng thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột; phấn đấu đến năm 2015, ổn định diện tích cà phê khoảng 150.000ha trong vùng sinh thái thuận lợi để thâm canh tăng năng suất sao cho năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha trở lên, sản lượng đạt 400.000 tấn/vụ mùa; cải tạo, trồng mới số diện tích càphê đã hết chu kỳ kinh doanh nằm trong vùng quy hoạch; kiên quyết chuyển đổi cây trồng khác đối với những khu vực không đủ nước tưới. Xây dựng thêm 10.000m2 kho bảo quản và 40.000m2 kho ngoại quan, 500.000m2 sân phơi và 500 máy sấy nông sản. Phấn đấu đến năm 2015, tăng tỷ lệ cà phê tinh chế đạt 15- 20% sản lượng, đưa giá cà phê xuất khẩu cùng loại ngang bằng với giá thế giới.
Đồng thời triển khai các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh cà phê cho khoảng 8.000 nông dân/năm. Triển khai áp dụng TCVN 4193:2005 cho 60% sản lượng cà phê xuất khẩu trở lên. Ông Huỳnh Quốc Thích, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk) cho biết, tỉnh đã triển khai một số mô hình bón phân và tưới nước riêng lẻ, bón phân và tưới nước tiết kiệm, kết quả cho thấy lượng nước tưới giảm từ 300- 500m3/ha/vụ, giảm gần 30% tổng kinh phí đầu tư trên 1ha/vụ. Thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng ở khắp các xã trên toàn địa bàn Tây Nguyên.
Ngoài ra, việc Trung tâm Giao dịch càp hê Buôn Ma Thuột (Sàn giao dịch càphê Tây Nguyên) ra đời và đi vào hoạt động đã góp phần hỗ trợ pháp lý, cung cấp thông tin, dịch vụ trong việc áp dụng các phương thức mua bán cà phê qua sàn giao dịch trong nước và quốc tế, thị trường kỳ hạn. Đây thực sự là “địa chỉ đỏ” dành cho những người sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê, hướng tới cách làm ăn chuyên nghiệp
Có thể bạn quan tâm

Trước khi gắn mình với nghề nông, chị Vũ Thị Phương (51 tuổi, ngụ quận 9, TP Hồ Chí Minh) là bà chủ của một nhà phân phối độc quyền các mặt hàng tiêu dùng lớn có tiếng tại TP Hồ Chí Minh, dưới chị là gần 40 nhân viên. Năm 2006, một người bạn “rủ rê” chị chung vốn trồng hoa tại Đà Lạt, sẵn yêu hoa từ nhỏ, chị Phương lập tức nhận lời.

Thị trường lúa gạo ĐBSCL đang nóng lên trước tin Việt Nam ký hợp đồng xuất 200.000 tấn gạo sang thị trường Philippines và tiếp theo là Indonesia.

Đồng bào dân tộc Mông ở các xã Na Ngoi, Huồi Tụ, Nậm Cắn, Tây Sơn… của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đang rất phấn khởi, bởi gừng tươi được giá, lại rất dễ tiêu thụ.

Phát huy lợi thế trong vùng hồ Thủy điện Sơn La và các công trình thủy điện trên địa bàn, những năm gần đây, huyện Mường La (Sơn La) chú trọng phát triển nghề nuôi cá lồng cho các xã vùng lòng hồ, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân...

Luật Hiện đại hóa An toàn Thực phẩm (FSMA) đã được Tổng thống Obama ký thành luật từ ngày 1/4/2011, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa đưa ra được các quy định cụ thể trong vòng 18 tháng sau khi đạo luật được thông qua.