Nỗ Lực Nâng Cao Thu Nhập Cho Người Dân

Một trong những tiêu chí được Đoàn thẩm định xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh đánh giá cao ở xã Hồng An (Hưng Hà) trong buổi thẩm định xét đạt chuẩn NTM tại địa phương cuối tháng 10 vừa qua là tiêu chí thu nhập.
Hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM là sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hồng An, không chỉ đổi thay ở diện mạo nông thôn, đời sống của người dân cũng chuyển biến tích cực. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 30 triệu đồng/người/năm.
Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong năm 2014, cấp ủy, chính quyền xã Hồng An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm sớm hoàn thành các tiêu chí.
Xác định tăng thu nhập cho người dân là điểm tựa thực hiện các tiêu chí khác trong xây dựng NTM, thông qua việc vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường tham gia các ngành nghề phi nông nghiệp, những năm qua, thu nhập bình quân đầu người ở Hồng An chuyển biến tích cực, năm 2010 là 11,5 triệu đồng/năm, đến nay đạt 30 triệu đồng/năm, bình quân tăng 27,8%/năm.
Ông Lê Nguyên Tân, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, trong đó nông nghiệp chú trọng phát triển theo hướng “1 cây, 1 con”.
Xã đã tập trung phát triển vùng cây ăn quả với các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao: nhãn muộn Hà Tây, chuối; trong chăn nuôi, ổn định và nhân rộng đàn bò lai sin. Đây được xác định là hướng đi mũi nhọn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế địa phương.
Đến nay, toàn xã có trên 30ha nhãn muộn Hà Tây trồng trên vùng chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao; 110ha vùng bãi trồng chuối, bình quân thu nhập từ trồng trọt đạt 250 triệu đồng/ha/năm. Ông Trần Tiến Hồng, thôn Bắc Sơn là một trong những người đi đầu trong việc mở rộng diện tích trồng chuối.
Nhận thấy chuối là cây dễ trồng, dễ bán, phù hợp với đồng đất bãi nên ông mày mò sang Hưng Yên học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Mỗi sào trồng khoảng 70 cây, sau 1 năm cho thu hoạch, với giá bán từ 100.000 - 300.000 đồng/buồng tùy theo thời điểm, ngoài ra hoa và lá cũng tận dụng để bán; trừ mọi chi phí 1ha chuối cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chị Trần Thị Vỹ, thôn Việt Thắng đã mạnh dạn đầu tư trồng chuối từ năm 2011, hiện gia đình chị trồng 4 mẫu chuối. Chị Vỹ cho biết: Trước đây, vùng đất bãi chủ yếu là trồng ngô, nhiều diện tích bỏ hoang.
Qua học hỏi kinh nghiệm của các hộ đi trước, được xã khuyến khích chuyển đổi, gia đình chị mạnh dạn đầu tư cải tạo 4 mẫu, đưa vào trồng gần 3.000 cây chuối. Nhờ thu hoạch đúng thời điểm (từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch) nên giá bán cao, bình quân đạt 250.000 đồng/buồng, trừ mọi chi phí, gia đình chị thu lãi trên 300 triệu đồng/năm.
Để mở rộng diện tích trồng chuối, xã Hồng An luôn tạo mọi điều kiện động viên, khuyến khích người dân như: xây dựng cơ chế chuyển đổi thông thoáng; quy hoạch đồng bãi; hệ thống giao thông, tưới, tiêu; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chuối, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ người dân mua phân bón trả chậm…
Nhờ đó, từ 2ha ban đầu đến nay toàn xã đã phát triển được 110ha trồng chuối các loại. Ngoài ra, xã cũng đã quy hoạch 52ha vùng sản xuất lúa hàng hóa, 10ha vùng sản xuất rau quả sạch, 10ha vùng trồng cỏ chăn nuôi bò sữa. Hồng An cũng là một trong những xã đi đầu trong phong trào trồng cây vụ đông với diện tích hàng năm đạt 90% so với tổng diện tích gieo trồng toàn xã.
Trong chăn nuôi, từ năm 2010 đến nay, đàn bò lai sin của xã phát triển từ 500 con lên tới 1.650 con, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, làm giàu nhờ nuôi bò như: hộ anh Nguyễn Văn Tâm, thôn Đồng Trang, anh Trần Quang Lũy, thôn Việt Thắng… Cùng với những chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, Hồng An phát triển tiểu thủ công nghiệp với phương châm đa dạng hóa các ngành nghề.
Toàn xã có 135 máy dệt, 1.250 máy may công nghiệp, các ngành nghề: cơ khí, hàn xì, vận tải phát triển mạnh. Tuy mang tính thời vụ nhưng nghề truyền thống sản xuất long nhãn ngày càng phát triển ở Hồng An, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Mỗi vụ nhãn (trong 1 tháng) sản xuất khoảng 200 tấn long nhãn, doanh thu đạt khoảng 4 tỷ đồng. Với các giải pháp tích cực trong thực hiện tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm đáng kể, từ 7,2% năm 2010 còn 2,64% năm 2014; số hộ thuần nông hiện còn 5%.
Theo ông Lê Nguyên Tân, Bí thư Đảng ủy xã, thành công trong xây dựng NTM chính là tạo được diện mạo mới cho nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; quan trọng hơn nữa, sự đổi thay ấy được người dân ghi nhận. Cùng với việc củng cố và giữ vững 19 tiêu chí NTM, Hồng An tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất, phát triển các ngành nghề sẵn có tại địa phương để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân.
Nguồn bài viết: http://baothaibinh.com.vn/60/33146/No_luc_nang_cao_thu_nhap_cho_nguoi_dan.htm
Có thể bạn quan tâm

Kinh tế khó khăn, giá cả nông sản bấp bênh, sâu bệnh phá hoại, khí hậu thất thường... đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nông dân. Để thích nghi với tình hình thực tế, nhiều gia đình đã áp dụng khoa học - kỹ thuật, xen canh tăng vụ để thêm thu nhập. Trồng rau má xen dưới vườn điều của gia đình chị Đinh Thị Lý, tại ấp 5, xã Đồng Tiến (Đồng Phú - Bình Phước) là một điển hình.

Trồng nấm bào ngư có ưu điểm là không sử dụng thuốc, phân bón, nông dân có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để trồng. Mô hình ít vốn đầu tư, không cần nhiều diện tích, có thể tận dụng chuồng heo, chuồng gà để che mưa, tùy vào diện tích mỗi gia đình. Khoảng 20 ngày sau khi treo phôi là có thể thu hoạch đợt đầu và thời gian thu hoạch kéo dài 3 tháng.

Vùng Bảy Núi (An Giang) với đặc điểm địa hình bán sơn địa, khá thích hợp với các mô hình đa canh và xen canh. Hơn nữa, vườn đồi, vườn rừng núi Cấm đa số trồng nhiều loài cây, như: Xoài, mít, vú sữa, sầu riêng…là những loại cây có thể tận dụng cho dây tiêu đeo bám.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh trồng khoảng trên 8.700 ha mía, trong đó, khoảng 6.000 ha mía tím, các địa phương trồng nhiều nhất là Cao Phong 2.492 ha, Kim Bôi 1.074 ha, Tân Lạc 1.515 ha, Yên Thủy 1.491 ha. Cây mía tím cho hiệu quả kinh tế cao, được coi là cây giảm nghèo của người nông dân trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, mô hình vẫn áp dụng những kỹ thuật canh tác tiên tiến mà nông dân đã ứng dụng trước đó như: xuống giống lúa đồng loạt để “né” rầy, chương trình IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” kết hợp trồng các loại hoa màu sắc sặc sỡ trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch ăn các loại côn trùng có hại như: rầy nâu, sâu cuốn lá, nhện gié…