Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nỗ lực cứu con tôm

Nỗ lực cứu con tôm
Ngày đăng: 17/11/2015

Tại nhiều nơi, tỷ lệ hộ nuôi thua lỗ tới 80%, một con số báo động.

Thua lỗ trên diện rộng

Chỉ tay về hướng cánh đồng tôm đìu hiu với hàng loạt chòi canh hoang vắng không người trông coi, ông Trần Văn Tài, 62 tuổi, ngụ xã Long Điền, huyện Đông Hải (Bạc Liêu), thở dài:

“Hết rồi chú ơi, con tôm bây giờ bê bết quá, càng nuôi càng lỗ khiến người dân nợ ngập đầu.

Mà ở xứ ven biển này, nếu không nuôi tôm biết làm gì để sống”.

Theo ông Tài, những năm 2000 khi người dân ở đây mới bắt đầu nuôi tôm, nhờ đất mới, nguồn nước tốt… nên liên tục trúng mùa.

Bản thân ông và nhiều hộ xung quanh không ngừng mở rộng diện tích nuôi, đồng thời dồn hết kỳ vọng vào con tôm.

Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái khi tôm nuôi bắt đầu bị bệnh và chết hàng loạt, dù trị đủ các loại thuốc vẫn không hết.

Những năm 2010, 2011, 2012… dịch bệnh nhiều hơn, có hộ thả đi thả lại 3 - 4 đợt nhưng tôm chết cứ chết, thiệt hại chất chồng.

“Do tôm nuôi chết nhiều quá nên 2 năm qua tôi chỉ nuôi vài ao cầm chừng, còn mấy ao khác tạm thời bỏ không cho cá tự nhiên sinh sống…”, ông Tài bộc bạch.

Thu hoạch tôm thẻ ở Sóc Trăng do dịch bệnh và giá thấp, người nuôi không có lời

Ông Huỳnh Văn Vũ, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), nhìn nhận: “Từ đầu năm 2015 đến nay, nếu 10 hộ nuôi tôm thì có tới 8 - 9 hộ thua lỗ, chỉ 1 - 2 hộ hòa vốn hoặc lãi chút đỉnh.

Gia đình tôi có vay ngân hàng 30 triệu đồng để nuôi tôm và nợ kéo dài tới hơn 10 năm chưa trả hết…”.

Tại Bến Tre, hàng loạt hộ nuôi tôm cũng đứng ngồi không yên vì dịch bệnh.

Ông Lê Văn Tú, xã Bình Thới, huyện Bình Đại, lắc đầu: “Vụ rồi tôi thả 3 ao tôm trên diện tích hơn 1ha.

Khi tôm được 1 tháng tuổi thì bị bệnh đường ruột chết la liệt, tổn thất nửa tỷ đồng.

Nhiều hộ lân cận cũng bị tương tự khiến ai nấy cũng buồn”.

Theo ông Phạm Văn Quắn, ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), ngoài dịch bệnh thì giá tôm cũng dao động ở mức thấp.

Tôm thẻ loại 100 con/kg giá có 80.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg giá chỉ 140.000 đồng/kg… khiến nông dân thiệt trăm bề.

Liên kết tìm lối ra

“Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn, ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu nhìn nhận, thời con tôm “lên đời” qua rồi, nay đi đâu cũng nghe con tôm “ăn sổ đỏ, ăn đất, nuốt tài sản” của dân… rất đau lòng.

Trong khi người nuôi lâm nợ thì ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng nỗ lực tìm nguyên nhân để có hướng khắc phục… Hàng loạt cuộc hội thảo, kể cả mời chuyên gia nước ngoài đến ĐBSCL tìm hiểu bệnh tôm và cách phòng trị, nhưng mọi việc chưa có lối ra.

Là người có kinh nghiệm, ông Võ Hồng Ngoãn hiến kế “cứu” con tôm: Phải mạnh dạn xóa tình trạng mạnh ai nấy làm, nuôi tràn lan không theo quy hoạch, thời vụ và cần liên kết lại thành các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã.

Trên cơ sở đó thống nhất lịch thả giống, chăm sóc, thu hoạch.

Trong thời gian nuôi, nếu ao tôm hộ nào bị nhiễm bệnh phải thông báo cho các hộ xung quanh biết để phòng tránh lây lan.

Thay đổi thói quen thả tôm sú mật độ dày để chuyển sang nuôi thưa nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thiểu dịch bệnh và tăng chất lượng con tôm.

Trước mắt, không nên mở rộng diện tích nuôi công nghiệp, mà tăng cường mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm rừng, tôm lúa, tôm cua xen canh… để tái tạo lại môi trường.

Ông Ngoãn lưu ý, 2 vấn đề quan trọng quyết định thành bại của nghề nuôi tôm là con giống và môi trường; nếu con giống tốt nhưng môi trường ô nhiễm thì nuôi sẽ không hiệu quả, ngược lại môi trường đảm bảo mà con giống bị nhiễm bệnh thì người nuôi cũng thua.

“Chúng tôi đang đề xuất liên kết giữa nông dân với các trại tôm giống, doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp xuất khẩu và ngân hàng trong mô hình nuôi, chế biến, xuất khẩu tôm.

Trước mắt đã có một số trại giống đồng ý liên kết theo cách: Trại giống hỗ trợ trong 2 tháng đầu đối với tôm sú giống và 1 tháng tôm thẻ giống; trong thời hạn này nếu xảy ra dịch bệnh, trại giống không thu tiền nhằm chia sẻ rủi ro với người nuôi.

Cách làm này cần mở rộng với doanh nghiệp xuất khẩu, nhà cung cấp thức ăn… nhằm nâng cao cộng đồng trách nhiệm cùng nông dân trong việc phát triển bền vững con tôm”, ông Ngoãn đề xuất.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,5 tỷ USD thì mặt hàng tôm đóng góp hơn 3 tỷ USD.

Năm 2014, mặt hàng tôm tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục khi đóng góp tới 4,1 tỷ USD trong giá trị xuất khẩu chung 7,9 tỷ USD của ngành thủy sản.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 đến nay xuất khẩu tôm gặp khó khăn, hầu hết các thị trường chính đều giảm nhập khẩu; lo ngại nhất là hàng loạt lô hàng tôm bị nhiều nước cảnh báo, trả về do nhiễm kháng sinh.

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2015 chỉ đạt khoảng 3,2 tỷ USD.

Hiện ngành tôm đang nỗ lực “làm mới” để vượt khó và kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong năm 2016.


Có thể bạn quan tâm

Nhiều Mô Hình Làm Ăn Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Nhiều Mô Hình Làm Ăn Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Đồng Tháp nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên đã dần thoát khỏi đói nghèo, trở nên khá giả, có hộ thu nhập gần 800 triệu đồng/năm.

18/06/2013
Mô Hình V.A.C Thu Nhập Hơn 500 Triệu Đồng/năm Mô Hình V.A.C Thu Nhập Hơn 500 Triệu Đồng/năm

Anh Nguyễn Tường An, ấp Xuân Cầu, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An có 2 ha đất áp dụng mô hình V.A.C mỗi năm thu nhập hơn 500 triệu đồng.

18/06/2013
Dịch Lở Mồm Long Móng Gia Tăng Và Diễn Biến Phức Tạp Dịch Lở Mồm Long Móng Gia Tăng Và Diễn Biến Phức Tạp

Theo báo cáo của ngành chức năng, dịch lở mồm long móng tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk) được phát hiện vào ngày 24-6, mặc dù huyện đã tích cực chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các cơ sở tích cực phòng chống, tuy nhiên đến nay dịch bệnh không thuyên giảm mà tiếp tục gia tăng nhanh.

26/08/2013
Cơ Giới Hóa Sản Xuất Lúa Gạo Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Cơ Giới Hóa Sản Xuất Lúa Gạo Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Các nghiên cứu cho thấy, thất thoát sau thu hoạch lúa mỗi năm ở ĐBSCL khoảng 635 triệu USD. Ngoài ra, do khâu phơi sấy và tồn trữ lúa gạo chưa đáp ứng quy trình đã làm giảm giá trị hạt gạo Việt Nam.

26/08/2013
Rô Mô - Mùa Sầu Riêng Chín Rô Mô - Mùa Sầu Riêng Chín

Chúng tôi muốn tham quan các vườn cây trái đẹp, nhưng thôn trưởng Võ Văn Lộc lắc đầu, vì hơn 70 hộ tạm trú làm vườn đều đã đóng cửa nhà đi chơi, ăn tết Đoan ngọ. Trong thôn chỉ còn một số nhà, trong đó có ông mà ông thì cũng đang rộn ràng với tết…

19/06/2013