Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nợ Đè Người Trồng Dưa

Nợ Đè Người Trồng Dưa
Ngày đăng: 11/04/2014

Trung tuần tháng 3, nông dân Phú Yên thu hoạch lứa dưa đợt đầu nhưng gặp nhiều khó khăn do giá giảm. Hiện nay người trồng dưa đang thu hoạch lứa 2 và cũng đối mặt với giá rẻ như cho không. Dưa rớt giá liên tục làm người trồng dưa lỗ vốn, lâm cảnh nợ nần.

Đứng cạnh đống dưa vừa bị thương lái bỏ ra, ông Nguyễn Văn Toàn ở xã Sơn Thành Tây (Tây Hòa) ngậm ngùi: “Ban ngày nắng nóng, dưa thu hoạch bị xốp trong ruột, thương lái chê nên tối qua tôi thức đêm hái dưa rồi thuê người gánh ra cạnh đường.

Thấy dưa chất đống to tôi mừng. Sáng gọi thương lái đến, họ dùng tay trỏ búng mạnh, trái nào kêu boong boong, trọng lượng 4kg trở lên thì mua, còn trái nào kêu bộp bộp thì họ cho là dưa xốp trong ruột chở đi xa bị hư nên không mua”. Đống dưa ông Toàn hái ước chừng trên 7 tấn nhưng thương lái bỏ lại 4 tấn, 3 tấn cân bán với giá 2.800 đồng/kg, rẻ hơn so với lứa dưa đợt đầu hơn 1.200 đồng/kg (dưa đợt đầu 4.000 đồng/kg).

Cạnh đó ông Nguyễn Văn Trang, quê ở Bình Định đến xã Sơn Thành Tây thuê đất trồng dưa cho biết: “Thương lái hỏi mua dưa đi Trung Quốc bán, họ phân ra 2 loại: loại 1, dưa “đúng tuổi” đạt 5 kg/trái trở lên mua với giá 3.000 đồng; loại 2: 4kg/trái, giá mua 2.500 đồng; còn lại bán dưa xô 1.000 đồng/kg. Dưa rẻ lại còn bị thương lái chê đủ điều”.

Cùng cảnh ngộ đó, ruộng dưa gần 8 sào của ông Nguyễn Văn Nhớ ở xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) còn “thảm” hơn. Do nắng hạn không đủ nước tưới nên dưa trái nhỏ, cả 8 sào dưa đều bán theo giá 800 đồng/kg. Ông Nhớ thở dài: “Lúc giữa vụ, dưa trồng bị thiếu nước nên tôi bỏ tiền mua thêm ống dây để đưa nước lên đồi tưới cho cây dưa, nhưng do nắng nóng kéo dài, nguồn nước lại khan hiếm nên tưới không xuể. Năm ngoái, tôi đầu tư 1ha dưa hơn 80 triệu đồng, nay tăng lên trên 100 triệu đồng. Vụ này đành chấp nhận thua lỗ gần 60 triệu đồng. Số tiền này tôi vay ngân hàng, mượn thêm họ hàng”.

Còn vợ chồng bà Trần Thị Sang ở Bình Định đến thuê 12 sào đất ở xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) trồng dưa. Ròng rã gần 3 tháng trời, vợ chồng bà dựng chòi “ăn ngủ” với dưa. Cuối vụ, thương lái lựa mua được ít, số còn lại ông đành bán đổ bán tháo lỗ gần 40 triệu đồng.

Dưa rớt giá không chỉ người trồng dưa điêu đứng mà người “kinh doanh dưa” cũng méo mặt. Ông Nguyễn Văn Ty ở xã Sơn Phước (Sơn Hòa) mua lại 1ha ruộng dưa của một người ở Bình Định với giá 60 triệu đồng; vừa qua bán chỉ thu được 50 triệu đồng. “2 vợ chồng người Bình Định đến đây thuê đất trồng dưa, khi dưa vừa ra trái to bằng cái tô thì người chồng bị tai nạn giao thông, người vợ kêu bán. Lúc đó giá dưa 8.000 đồng/kg, đến khi tôi thu hoạch, giá chỉ còn gần 3.000 đồng/kg. Tính ra tôi lỗ gần 10 triệu đồng”.

Vụ dưa hấu năm nay, toàn tỉnh trồng hơn 750ha tập trung ở các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân với năng suất bình quân 40 tấn/ha. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, người trồng dưa phải bán “rẻ như cho không”. Hậu quả là nhiều người trồng dưa rơi vào cảnh nợ nần. Để giải quyết “bài toán” này, các địa phương cần hướng dẫn cho bà con nông dân chuyển đổi cây trồng hợp lý, tránh tình trạng thua lỗ như hiện nay.


Có thể bạn quan tâm

Nhà vườn Mỹ Tú phấn khởi vì cam nghịch mùa bán được giá cao Nhà vườn Mỹ Tú phấn khởi vì cam nghịch mùa bán được giá cao

Bằng kinh nghiệm và biết áp dụng kỹ thuật mà nhiều nhà vườn ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã xử lý cam ra trái mùa nghịch, bán được giá ,tăng thu nhập cho gia đình.

16/06/2015
Thanh long giảm giá, khó tiêu thụ Thanh long giảm giá, khó tiêu thụ

Thanh long đang vào mùa chính vụ và giá liên tục giảm trong những ngày qua. Mặc dù người trồng chấp nhận bán giá thấp nhưng cũng không dễ tìm đầu ra. Bài toán nan giải về chuyện thanh long rớt giá vào mùa thu hoạch chính vụ lại được đặt ra cho ngành chức năng.

16/06/2015
Vĩnh Long đã đốn bỏ hơn 1.900ha nhãn bệnh chổi rồng Vĩnh Long đã đốn bỏ hơn 1.900ha nhãn bệnh chổi rồng

Theo số liệu của UBND tỉnh Vĩnh Long, đến nay người dân đã đốn bỏ 1.908ha nhãn nhiễm bệnh chổi rồng đã già cỗi, khó phục hồi để chuyển sang giống nhãn khác hoặc cây trồng khác.

16/06/2015
Mô hình tưới thanh long tiết kiệm nước mùa khô hạn Mô hình tưới thanh long tiết kiệm nước mùa khô hạn

Nắng nhiều, mưa ít, nhiệt độ quanh năm cao kết hợp với độ ẩm trong không khí thấp khiến Bình Thuận trở thành một trong những địa phương khô hạn nhất cả nước. Thế nhưng một nghịch lý đang tồn tại, lượng nước tưới tiêu trong nông nghiệp ngày một giảm sút nhưng chính người nông dân lại đang phung phí nguồn nước quý hiếm bởi cách canh tác cây trồng chưa khoa học.

16/06/2015
Khánh Vĩnh phát triển cây mít nghệ Khánh Vĩnh phát triển cây mít nghệ

Với ưu thế dễ trồng, chịu hạn, ít sâu bệnh, thị trường đang thuận lợi… cây mít nghệ được huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) định hướng phát triển là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương.

16/06/2015