Ninh Thuận Kỳ Tích Mới Ở Thủ Phủ Tôm Giống

Năm 2014, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản gặt hái được nhiều kết quả. Đáng kể nhất là sản lượng tôm giống tăng mạnh, đạt 25 tỷ con, vượt 24% kế hoạch, đưa tỉnh Ninh Thuận trở thành “thủ phủ” tôm giống chất lượng cao của cả nước.
Một năm thành công của ngành sản xuất tôm giống đã đóng góp đáng kể trong việc khắc phục tình trạng thiếu hụt con giống hiện nay. Niềm vui của các chủ trại giống, hàng ngàn hộ nuôi tôm trên toàn quốc vì thế thêm “đong đầy” trước thềm năm mới.
Điều gì làm cho một tỉnh nằm ở cực Nam Trung Bộ được mệnh danh là xứ sở “thừa nắng” trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước? Câu trả lời đơn giản là tỉnh ta đã khai thác được lợi thế vùng tiểu khí hậu đặc trưng nắng ấm quanh năm để sản xuất tôm giống mà nhiều nơi khác không sánh kịp.
Toàn tỉnh hiện có 430 cơ sở sản xuất tôm giống (trong đó tôm thẻ chân trắng 200 cơ sở) hoạt động hiệu quả với sản lượng và chất lượng tăng vọt theo từng năm là nhờ tỉnh sớm đề ra chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững. Ngược thời gian 15 năm trước, bờ biển Ninh Thuận bấy giờ còn rất hoang sơ với những bãi cát trải dài trong gió. Thế rồi khi mô hình nuôi tôm thẻ trong ao trải bạt trên cát từ Thái Lan du nhập vào nước ta kéo theo nhu cầu tôm giống tăng cao, nhiều doanh nghiệp khắp mọi miền tìm đến mở trại nuôi tôm giống. Có những dạo trại tôm giống mọc lên san sát, cả một vùng cát hoang hóa ven biển huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải được “đánh thức” từ đó.
Nhiều người nói, thiên nhiên ưu đãi cho Ninh Thuận phát triển nghề nuôi tôm giống quả là không sai, nhưng yếu tố quan trọng để đưa tỉnh ta trở thành trung tâm sản xuất của cả nước chính là con người. Điều này chứng minh ở chỗ, tỉnh đã sớm quy hoạch các khu sản xuất giống rất bài bản. Đầu tiên là Dự án đầu tư hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung An Hải, triển khai xây dựng năm 2005, quy mô 125 ha. Tiếp theo đó, Khu sản xuất giống ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải), diện tích 148 ha cũng được hình thành.
Từ chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản đúng đắn, có tính bền vững, tạo niềm tin cho hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước an tâm đến tỉnh ta đầu tư sản xuất tôm giống chất lượng cao, kiến tạo nên thương hiệu mạnh trên thị trường. Hiện nay, ở Khu sản xuất giống tập trung An Hải có 119 cơ sở đang hoạt động; trong đó, có những doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực thủy sản như Công ty TNHH Giống thủy sản Globest Việt Nam, Uni-President Việt Nam, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam…
Sự phát triển không ngừng của ngành tôm giống còn được thể hiện ở chỗ, gần đây các doanh nghiệp lớn hợp tác với nhau để khai thác tối đa thế mạnh của các bên cùng sản xuất giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hộ nuôi. Các trại sản xuất tôm giống vừa và nhỏ cũng đã liên kết lại đầu tư mới các thiết bị nuôi tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế.
Yếu tố được xem tạo bước “đột phá” trong ngành tôm giống đó là Công ty Moana Technologies có trụ sở chính đóng tại Hawaii (Mỹ) đã đến tỉnh ta đầu tư mở trại sản xuất tôm sú giống bố mẹ. Hiện tại, Moana lấy ấu trùng từ Mỹ về ươm thành tôm bố mẹ cung cấp cho các trại giống, nhưng tham vọng của ông Walter Coppens, Tổng Giám đốc Công ty là sẽ tập trung gia hóa thành công tôm sú bố mẹ trong tương lai gần.
Vẫn biết để gia hóa tôm giống bố mẹ (hiện nay chủ yếu nhập từ nước ngoài) là công việc cực kỳ khó, đòi hỏi phải có thời gian và quy tụ được những nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực di truyền chọn giống, nhưng chúng ta tin tưởng, bởi Moana là công ty cải tiến gen di truyền về tôm sú hàng đầu của thế giới.
Có thể nói, ngành sản xuất tôm giống đang thực sự vươn lên ở tầm cao mới. Tín hiệu khả quan đầu năm là có nhiều doanh nghiệp tiếp tục đến tỉnh ta đăng ký mở trại giống. Thông tin từ Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh, hiện nay quỹ đất ở 2 khu quy hoạch sản xuất giống thủy sản tập trung đã được phủ kín, nhưng tiềm năng mở rộng quy mô vẫn còn lớn. Năm mới, tin tưởng ngành sản xuất tôm giống đạt thêm kỳ tích mới!
Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Việt Hùng ở xã Trung Giang (Gio Linh, Quảng Trị) kể 5h sáng 6/4, anh cùng 3 ngư dân hành nghề lưới rê ba lớp khai thác mực nang và cá choái tại ngư trường đảo Cồn Cỏ, cách đất liền khoảng 12 hải lý, thì con cá này mắc lưới. Nó vẫy đập rất mạnh làm giàn lưới trị giá hơn 70 triệu đồng mới mua hồi đầu năm của nhóm bị rách gần hết

Sau thông tin cá điêu hồng ở chợ đầu mối thực phẩm Bình Điền, TP.HCM (do các thương lái tại tỉnh Đồng Tháp cung cấp) bị phát hiện có chứa chất cấm Trifluralin đã làm giá cá nguyên liệu tại bè và bày bán ở các chợ khu vực ĐBSCL sụt giảm thê thảm.

Trung tuần tháng 3/2012, tôi về dự một đám cưới ở Tánh Linh, trong thực đơn hôm ấy có món cá tầm cuốn giấy bạc nướng ăn rất ngon. Tiệc cưới hôm ấy có rất nhiều khách ở các tỉnh thành khác đến dự khi dùng món cá tầm đã rất ngạc nhiên. Khách ngạc nhiên cũng phải, bởi món cá tầm được xếp vào loại thực phẩm cao cấp, đắt tiền, chỉ một số nhà hàng cao cấp mới bán. Tuy nhiên, khi biết cá tầm được nuôi ở hồ Đa Mi (Bình Thuận) và là món đặc sản thì nhiều người đã “ồ” lên thích thú… Nhiều khách nước ngoài không khỏi ngỡ ngàng khi biết Bình Thuận có món đặc sản cá tầm Đa Mi.

Với quy trình trồng rau hữu cơ, mỗi ký rau mang tên Oganik có giá bán cao gấp gần chục lần rau thường. Không chỉ phục vụ cho nhà hàng, khách sạn 4, 5 sao và khách “Vip”, sản phẩm rau hữu cơ “siêu sạch” còn XK đi châu Âu…

Vào mùa đông, tôm thẻ chân trắng rất khó nuôi, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc. Chúng tôi xin giới thiệu tới bà con “Biện pháp kỹ thuật nuôi tôm chân trắng thương phẩm trong nhà bạt vụ đông xuân”.