Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ninh Bình Triển Vọng Từ Đề Tài Nuôi Cá Nác Hoa Thương Phẩm

Ninh Bình Triển Vọng Từ Đề Tài Nuôi Cá Nác Hoa Thương Phẩm
Ngày đăng: 30/08/2014

Cá nác hoa là loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Cá nác hoa trước đây phân bố tự nhiên rất nhiều ở vùng bãi triều ven biển và vùng cửa sông, cửa lạch các tỉnh ven biển miền Bắc. Tuy nhiên hiện nay, do việc quây đầm, nuôi ngao, sử dụng thuốc diệt tạp bừa bãi nên loài hải sản này phân bố tự nhiên không còn đáng kể và có nguy cơ cạn kiệt.

Trước thực trạng này, vừa qua Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình đã hỗ trợ Chi cục Thủy sản, (Sở Nông nghiệp & PTNT) triển khai đề tài: “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi cá Nác hoa thương phẩm tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn”. Qua gần 1 năm triển khai đề tài, bước đầu cho thấy những thành công.

Theo anh Phạm Huy Trung, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản Ninh Bình, Chủ nhiệm đề tài thì: Cá nác hoa là loài cá nước lợ, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, bờ rìa rừng ngập mặn trong suốt khu vực châu á, châu Phi và một phần nhỏ của Australia. ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, cá nác được coi như một món ẩm thực ưa chuộng nên giá thành rất cao.

Năm 2004, tại khu vực vùng ven bờ Đông Nam, Trung Quốc đã tiến hành nuôi cá Nác hoa thương phẩm trên diện tích 1.300ha, năng suất bình quân đạt 7,5 - 9,7 tấn/ha.

Đây là đối tượng nuôi ít bệnh tật, yêu cầu về điều kiện trang thiết bị, ao đầm tương đối đơn giản, vốn không quá lớn. Nếu việc sản xuất giống thành công thì có thể là đối tượng xoá đói, giảm nghèo quan trọng cho người nông dân.

Theo khảo sát, trước đây, cá nác hoa xuất hiện rất nhiều ở vùng bãi bồi, rừng vẹt vùng biển Kim Sơn. Có thể nói, điều kiện tự nhiên tại vùng biển Kim Sơn phù hợp cho cá nác hoa sinh trưởng và phát triển, nhưng hiện nay do việc quây đầm, nuôi ngao, sử dụng thuốc diệt tạp bừa bãi nên việc phân bố tự nhiên không còn đáng kể. Ninh Bình chưa có cơ sở nào nuôi cá nác hoa thương phẩm.

Vì vậy, việc nuôi thử nghiệm cá nác hoa là vô cùng cần thiết. Hơn nữa, việc nghiên cứu nuôi thành công loại hải sản này sẽ có tác dụng rất lớn trong việc cải tạo, bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Đề tài khoa học này được triển khai thực hiện trong thời gian 24 tháng, từ tháng 1-2014 đến tháng 12-2015 với quy mô 67,5 vạn con trên diện tích 1,5 ha. Sau hơn 8 tháng thả nuôi đã cho kết quả khả quan, mở ra triển vọng mới trong việc nhân rộng mô hình. Toàn bộ 67,5 vạn cá nác hoa giống được thu mua từ khai thác tự nhiên với kích cỡ bình quân từ 7-8 g/con nay đã đạt trọng lượng bình quân trên 15 g/con; tỷ lệ sống đạt 70%.

Ông Bùi Quang Biên, chủ hộ tham gia thực hiện mô hình cho biết: Đây là đối tượng nuôi ít bệnh tật, yêu cầu về điều kiện trang thiết bị, ao đầm tương đối đơn giản, vốn không quá lớn. Thức ăn chính của cá nác là tảo đáy và mùn bã hữu cơ.

Hiện tại, cá đang sinh trưởng phát triển tốt, trong quá trình kiểm tra, chưa phát hiện dịch bệnh. Dự kiến năng suất đến khi thu hoạch vào khoảng 3 tấn/ha. Với giá bán hiện tại là 200 nghìn đồng/kg, thì 1,5 ha nuôi cá nác sẽ cho thu lãi gần 100 triệu đồng.

Đến nay, có thể khẳng định đề tài nuôi cá nác hoa thương phẩm đã đạt được một số mục tiêu nhất định như, khẳng định khả năng sinh trưởng, phát triển của cá nác hoa tại vùng biển Kim Sơn và bước đầu xây dựng được quy trình kỹ thuật nuôi cá nác hoa thương phẩm. Từ thành công bước đầu của đề tài đã mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi thủy sản tại Kim Sơn.

Tuy nhiên, hiện nay, chưa có một loại thức ăn nào dành riêng cho cá nác và trên địa bàn tỉnh cũng chưa có cơ sở nào ương và nuôi cá nác hoa giống, nên cũng là khó khăn cơ bản cho việc nhân rộng mô hình.

Cũng từ khó khăn này mà những người thực hiện đề tài lại tiếp tục nảy sinh ý tưởng về một dự án sản xuất giống cá nác hoa và thức ăn dành riêng cho cá nác hoa nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, từ đó phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.


Có thể bạn quan tâm

Xây 3 Căn Nhà Đẹp Nhờ Trồng Rau Sạch Xây 3 Căn Nhà Đẹp Nhờ Trồng Rau Sạch

Ông Lê Xuân Chắc (ngụ ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) được nhiều người biết đến bởi ông được xem là người đi đầu trong việc trồng rau sạch tại địa phương.

12/06/2013
Không Tránh Được Bệnh Thành Tích Không Tránh Được Bệnh Thành Tích

Thực tế, đa số các địa phương vẫn chạy theo thành tích. Đây là vấn đề tồn tại chính trong xây dựng NTM hiện nay và cần phải điều chỉnh lại trong thời gian tới.

12/06/2013
Cần Thêm Hỗ Trợ Cho Nông, Thủy Sản Cần Thêm Hỗ Trợ Cho Nông, Thủy Sản

Đầu vào tiếp tục tăng, đầu ra co lại, khiến thuỷ sản, lúa gạo gặp khó khăn trong thời gian qua. Dự báo tình hình vẫn chưa được cải thiện trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới giảm và các nước nhập khẩu chủ lực hàng hóa của Việt Nam điều chỉnh chính sách.

12/06/2013
Một Nông Dân Chế Tạo Thành Công Máy Ấp Trứng Gà Một Nông Dân Chế Tạo Thành Công Máy Ấp Trứng Gà

Do giá bán các máy ấp trứng trên thị trường quá cao, ông Nguyễn Tấn Lộc (ấp Láng Dài, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ - Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tự thiết kế thành công chiếc máy ấp trứng gà, mỗi tuần cho ra lò hơn 300 con gà giống cung cấp cho thị trường.

12/06/2013
Người Tiên Phong Chăn Nuôi Gà Công Nghiệp Người Tiên Phong Chăn Nuôi Gà Công Nghiệp

Năm 1981, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, anh Đào Văn Bằng ở thôn Đồng Vang, xã Kim Long - Tam Dương luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình.

12/06/2013