Niên Vụ Càphê 2013-2014 Đắk Lắk Thành Công

Thành công một phần do nhờ người dân đã chủ động tạm trữ, lựa chọn thời điểm thích hợp để bán ra.
Niên vụ cà phê 2013 – 2014, tỉnh Đắk Lắk đã thu được những thành công nhất định, khi cả năng suất, sản lượng cà phê đều tăng cao, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng nhẹ sau 4 năm liên tục sụt giảm. Diện tích cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã vượt mốc 203.500 ha, năng suất bình quân mỗi ha xấp xỉ 2,5 tấn, tổng sản lượng cà phê nhân xô trên 460.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với niên vụ trước.
Thời gian qua, ở Đắk Lắk, giữa doanh nghiệp và nông dân đã hình thành các liên minh sản xuất cà phê bền vững, nên diện tích cà phê có chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế đã đạt 30% và sản lượng chiếm tới 58%. Niên vụ vừa qua cũng đánh dấu sự hồi phục xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk sau 4 năm liên tục sụt giảm, với giá trị kim ngạch đạt 480 triệu USD.
Ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cà phê Thắng Lợi - đơn vị hàng đầu trong xuất khẩu cà phê ở tỉnh Đắk Lắk cho rằng, niên vụ cà phê thành công một phần là nhờ người dân đã chủ động tạm trữ, lựa chọn thời điểm thích hợp để bán, nên giá cà phê cơ bản giữ được ổn định.
“Niên vụ này cà phê được mùa cùng với việc nông dân đã giữ lại cà phê trong gia đình, chỉ bán lấy đủ số tiền cần đầu tư nên giá cà phê giữ được ổn định. Đến tháng 10, đầu tháng 11 này, giá cà phê tại Đắk Lắk đạt trên 40.000 đồng/kg là sự thành công rất lớn trong niên vụ cà phê 2013 – 2014”, ông Thái cho biết.
Dự báo niên vụ 2014 - 2015, diện tích cà phê của tỉnh Đắk Lắk không tăng thêm, trong khi tổng sản lượng sẽ giảm khoảng 10%, do ảnh hưởng hạn hán và nhiều vườn cây già cỗi năng suất kém. Chính quyền địa phương chỉ đạo ngành chức năng tăng cường các biện pháp giữ ổn định diện tích cà phê hiện có, đẩy mạnh thâm canh sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, thực hiện tái canh diện tích cà phê già cỗi.
Ông Y Dhăm Ênuôl, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Nếu giá cà phê nhân xô nhích lên 42.000-43.000/kg thì chắc chắn các tỉnh Tây Nguyên trong đó có Đắk Lắk - vùng không đủ tiêu chí tiêu chuẩn trồng cà phê thì dân vẫn sẵn sàng trồng cà phê, vì hiện nay là đất đai thuộc nông hộ.
Tuy nhiên phải làm sao đảm bảo được quy hoạch, nếu không thì sẽ lặp lại vòng luẩn quẩn cây này được giá thì dân ào ào trồng, khi mất giá lại chặt bỏ chuyển sang trồng cây khác.
Nguồn bài viết: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Nien-vu-caphe-2013-2014-Dak-Lak-thanh-cong-108-47975.html
Có thể bạn quan tâm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết quý 3, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,276 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Vì vậy, nghề nuôi bò sữa được xem là có đầu ra ổn định ngay tại thị trường trong nước và cần phải có một bước đột phá lớn để có thể cung ứng đủ lượng sữa ra thị trường. Nhưng hiện tại, một số nông hộ chăn nuôi bò sữa tại TP.Hồ Chí Minh đang gặp khó trăm bề.

Để khai thác hiệu quả diện tích đất sản xuất, nâng cao thu nhập, tái tạo môi trường sinh thái thích hợp cho cây cà phê, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã chọn giải pháp trồng xen các loại cây ăn quả, cây rừng vào vườn cà phê. Cách làm này thực sự đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho bà con nông dân.

Chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng tính cạnh tranh cho nông sản khi xuất bán ra thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn người dân và các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn thực hiện mua bán, thu hoạch bằng phương thức cũ, không theo quy trình nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị sản phẩm nông sản.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 117.357 ha, sản lượng ước đạt trên 230.000 tấn. Tuy nhiên, việc phát triển cà phê trên địa bàn tỉnh chưa mang tính bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng về đất đai, khí hậu để nâng cao năng suất, chất lượng.