Niên Vụ Càphê 2013-2014 Đắk Lắk Thành Công

Thành công một phần do nhờ người dân đã chủ động tạm trữ, lựa chọn thời điểm thích hợp để bán ra.
Niên vụ cà phê 2013 – 2014, tỉnh Đắk Lắk đã thu được những thành công nhất định, khi cả năng suất, sản lượng cà phê đều tăng cao, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng nhẹ sau 4 năm liên tục sụt giảm. Diện tích cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã vượt mốc 203.500 ha, năng suất bình quân mỗi ha xấp xỉ 2,5 tấn, tổng sản lượng cà phê nhân xô trên 460.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với niên vụ trước.
Thời gian qua, ở Đắk Lắk, giữa doanh nghiệp và nông dân đã hình thành các liên minh sản xuất cà phê bền vững, nên diện tích cà phê có chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế đã đạt 30% và sản lượng chiếm tới 58%. Niên vụ vừa qua cũng đánh dấu sự hồi phục xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk sau 4 năm liên tục sụt giảm, với giá trị kim ngạch đạt 480 triệu USD.
Ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cà phê Thắng Lợi - đơn vị hàng đầu trong xuất khẩu cà phê ở tỉnh Đắk Lắk cho rằng, niên vụ cà phê thành công một phần là nhờ người dân đã chủ động tạm trữ, lựa chọn thời điểm thích hợp để bán, nên giá cà phê cơ bản giữ được ổn định.
“Niên vụ này cà phê được mùa cùng với việc nông dân đã giữ lại cà phê trong gia đình, chỉ bán lấy đủ số tiền cần đầu tư nên giá cà phê giữ được ổn định. Đến tháng 10, đầu tháng 11 này, giá cà phê tại Đắk Lắk đạt trên 40.000 đồng/kg là sự thành công rất lớn trong niên vụ cà phê 2013 – 2014”, ông Thái cho biết.
Dự báo niên vụ 2014 - 2015, diện tích cà phê của tỉnh Đắk Lắk không tăng thêm, trong khi tổng sản lượng sẽ giảm khoảng 10%, do ảnh hưởng hạn hán và nhiều vườn cây già cỗi năng suất kém. Chính quyền địa phương chỉ đạo ngành chức năng tăng cường các biện pháp giữ ổn định diện tích cà phê hiện có, đẩy mạnh thâm canh sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, thực hiện tái canh diện tích cà phê già cỗi.
Ông Y Dhăm Ênuôl, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Nếu giá cà phê nhân xô nhích lên 42.000-43.000/kg thì chắc chắn các tỉnh Tây Nguyên trong đó có Đắk Lắk - vùng không đủ tiêu chí tiêu chuẩn trồng cà phê thì dân vẫn sẵn sàng trồng cà phê, vì hiện nay là đất đai thuộc nông hộ.
Tuy nhiên phải làm sao đảm bảo được quy hoạch, nếu không thì sẽ lặp lại vòng luẩn quẩn cây này được giá thì dân ào ào trồng, khi mất giá lại chặt bỏ chuyển sang trồng cây khác.
Nguồn bài viết: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Nien-vu-caphe-2013-2014-Dak-Lak-thanh-cong-108-47975.html
Có thể bạn quan tâm

“Do đem lại lợi ích đáng kể nên diện tích cây trồng biến đổi gen (GMC) tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, từ 148 triệu ha năm 2010 lên 160 triệu ha năm 2011”, TS Clive James, Chủ tịch Tổ chức Quốc tế về công nghệ sinh học nông nghiệp khẳng định.

Trước thực trạng rau xanh bị phun thuốc trừ sâu và sử dụng nhiều loại thuốc tăng trưởng độc hại, rau mầm đang là một món ăn mới được nhiều bà nội trợ ưa thích, bởi vừa an toàn, vừa giàu chất dinh dưỡng. Do vậy, trồng rau mầm đang là hướng đầu tư mới trong sản xuất rau sạch của một số bà con nông dân trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL chỉ ở mức 24.500 – 25.500 đồng/kg, giảm 1.500 – 2.000 đồng/kg so với đầu tháng 3/2012. Với giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu hiện nay khoảng 23.000 đồng/kg, nếu tính cả lãi suất ngân hàng do DN trả tiền mua cá chậm thì người nuôi cá sắp bước vào ngưỡng lỗ.

Mấy năm trước, người dân Bến Tre rất khốn khổ mỗi khi nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào đất liền. Nhưng nay họ đã tìm được giải pháp vừa sống chung, vừa làm giàu với tình trạng nước nhiễm mặn: nuôi sò huyết.

Đất ruộng bị san ủi, nông dân mất kế sinh nhai còn chủ đầu tư bỏ hoang năm này qua năm khác. Vậy mà những thửa ruộng còn lại tiếp tục bị đưa vào tầm ngắm. Người dân buộc phải đấu tranh.