Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Niềm Vui Từ Biển…

Niềm Vui Từ Biển…
Ngày đăng: 12/02/2015

Dấu ấn trong khai thác hải sản năm 2014 của Quảng Nam là sản lượng khai thác và đội tàu đánh bắt tại các vùng biển xa đều tăng nhanh. Nhiều ngư dân ra khơi với niềm vui và hy vọng sẽ có thêm những khoang thuyền đầy tôm cá…

Được mùa được giá

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, sản lượng khai thác hải sản của tỉnh trong năm 2014 đạt xấp xỉ 73 nghìn tấn, tăng 8.500 tấn so với năm 2013. Giá trị sản xuất ước đạt khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Đây là thành quả rất đáng ghi nhận bởi năm vừa qua, việc khai thác hải sản gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình hình căng thẳng ở biển Đông.

“Có chuyến biển gia đình tôi thu được đến 40 tấn mực khô khi sản xuất tại ngư trường Hoàng Sa với 40 lao động trong vòng 90 ngày đêm. Sự đồng đều về sản lượng thu được của các chuyến biển trong năm 2014 đã đem lại cho gia đình tôi nguồn thu vượt trội so với mọi năm, khoảng 11 tỷ đồng.

Trung bình mỗi “bạn” được chia khoảng 150 triệu đồng sau 1 năm bám biển. Ăn tết xong chúng tôi sẽ tiếp tục bám biển Hoàng Sa, Trường Sa” - ông Lương Văn Cam (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành), chủ tàu câu mực khơi QNa-90039 nói. Nhiều ngư dân nói, năm vừa qua nghề mực khơi thu được hiệu quả kinh tế cao do giá mực khô ổn định, trong khi đó giá nhiên liệu giảm mạnh. Trong năm 2014, sản lượng khai thác của nghề câu mực khơi đạt gần 18 nghìn tấn.

Câu mực khơi được mùa lại được giá, còn lưới vây thì liên tiếp có những chuyến biển bội thu đã đem niềm vui đến cho nhiều vùng quê biển. Theo thống kê, sản lượng khai thác của nghề lưới vây đạt 11 nghìn tấn. Như vậy, tổng sản lượng khai thác hải sản của chỉ riêng 2 nghề này đã chiếm hơn 1/3 sản lượng khai thác hải sản chung của toàn tỉnh.

Theo ông Đỗ Nhựt (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành, chủ một phương tiện làm nghề lưới vây ánh sáng), tính trung bình, mỗi chuyến biển trong khoảng 15 ngày với hơn 10 lao động, gia đình ông thu được 20 tấn hải sản từ ngư trường Hoàng Sa, chủ yếu gồm cá ngừ và cá nục. Mỗi năm ít nhất là 12 chuyến biển, tổng doanh thu có thể đạt hàng tỷ đồng.

Sẽ có thêm 57 tàu lớn

Đến thời điểm này, Quảng Nam có 327 tàu khai thác hải sản có công suất từ 90CV trở lên, trong đó 13 chiếc có công suất từ 900CV trở lên. Gần đây, nhiều cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đã khuyến khích ngư dân đóng thêm tàu công suất lớn, mở rộng ngư trường. Ông Đỗ Nhựt chia sẻ: “Dành dụm, chắt chiu ròng rã hơn 20 năm trời vậy mà gia đình vẫn không đủ vốn để tậu tàu lớn hơn bởi sản xuất ven bờ không thể dư dôi được nhiều.

May mà nhờ “bà đỡ” là Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam tiếp sức vốn vay không lãi suất nên gia đình chúng tôi đã đóng mới và hạ thủy được chiếc tàu QNa-91134. Nghề lưới vây sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa đã đem lại cho chúng tôi nguồn thu nhập lớn”. Trong năm 2014, ngư dân Quảng Nam đã đóng mới được thêm 24 tàu công suất lớn.

Có trường hợp, như ngư dân Huỳnh Văn Tạo (thôn Sâm Linh Tây, Tam Quang, Núi Thành) đã đóng thêm tàu mới khi đã sở hữu một đội tàu 3 chiếc gồm Qna-91144, QNa-90398 và QNa-90244 có tổng công suất 1.650CV. “Đội tàu lớn thì sẽ tương trợ nhau, giúp đỡ các tàu khác cùng ngư trường được dễ dàng hơn, cả trong điều kiện thời tiết bất lợi lẫn khi tàu nước ngoài tấn công.

Ngư dân chúng tôi rất mong muốn có thêm nhiều tàu lớn để sản xuất đạt hiệu quả và có điều kiện bám biển, bám ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - ông Tạo nói.

Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt 24 hộ và nhóm hộ ngư dân được vay vốn để đóng mới tàu công suất lớn theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản tàu cá.

Như vậy, cộng với 33 tàu cá được đã được phê duyệt đóng mới trong đợt 1, thời gian đến, Quảng Nam sẽ có thêm 57 tàu cá có công suất lớn được đóng mới để bám biển tại các vùng biển xa. “Các chi nhánh ngân hàng thương mại nằm trong danh sách sẽ giải ngân cho ngư dân Quảng Nam đóng tàu theo nghị định của Chính phủ đều là thành viên trong hội đồng thẩm định, phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá.

Dù cho đến thời điểm này, vẫn chưa có ngư dân nào được tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ thì trong thời gian đến, ách tắc này sẽ được giải quyết” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói. Cách làm của Quảng Nam là sẽ giải ngân nguồn vốn ngay sau khi ngư dân hoàn thành thiết kế và thẩm định giá trị của con tàu. Vậy nên, có thể kỳ vọng, đội tàu sản xuất tại các vùng biển xa của ngư dân Quảng Nam sẽ ngày một hùng hậu thêm.


Có thể bạn quan tâm

Hướng đi mới cho con tôm Hướng đi mới cho con tôm

Có thể nói, nhiều địa phương ven biển ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, con tôm rất được kỳ vọng để giúp người dân đổi đời, giúp địa phương phát triển kinh tế. UBND xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thừa nhận, hồi trước đời sống người dân vùng này rất cơ cực, cứ mãi thiếu trước hụt sau, bởi sản xuất nông nghiệp không hiệu quả.

22/05/2015
Hỗ Trợ Hoa Màu Bị Thiệt Hại Do Nắng Hạn Hỗ Trợ Hoa Màu Bị Thiệt Hại Do Nắng Hạn

Ba xã miền núi, vùng cao: Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ huyện Hàm Thuận Bắc có 721 ha bắp lai bị khô héo, thiệt hại trên 1,2 tỷ đồng. Trong khi đó, ở các xã Hòa Thắng, Phan Lâm, Phan Sơn huyện Bắc Bình 687 ha đậu phụng, bắp lai, cây lâm nghiệp của hơn 400 hộ xuống giống 2 tháng gặp phải khô hạn, héo úa, không lên nổi; thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng.

17/11/2014
Săn cá thu nước ngọt Săn cá thu nước ngọt

Chiều! Mực nước sông Hậu vừa rún ròng, cũng là lúc “ngư phủ” dong xuồng bủa lưới bắt cá. Đang ở cuối mùa đánh bắt cá bông lau nên bà con chuyển sang giăng lưới cá thu. Cứ thế, cuộc sống mưu sinh trên sông nước xoay vòng theo năm tháng.

22/05/2015
Cảnh báo 3 giống mắc ca ghép không đảm bảo chất lượng Cảnh báo 3 giống mắc ca ghép không đảm bảo chất lượng

Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường đang có 3 loại giống cây mắc ca ghép không đảm bảo chất lượng.

22/05/2015
Sôi sùng sục thị trường giống mắc ca Sôi sùng sục thị trường giống mắc ca

Để phát triển vùng nguyên liệu mắc ca với diện tích 22.000 ha trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Lâm Đồng sẽ cần khoảng 3,9 triệu cây giống, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 234 tỷ đồng.

22/05/2015