Niềm vui của người trồng quế

Dân phấn khởi
Những ngày này, khắp núi rừng vùng cao Trà Bồng, Tây Trà đâu đâu cũng phảng phất hương thơm của quế. Năm nay, giá quế vỏ tăng cao hơn mọi năm khiến người trồng loại cây này rất phấn khởi. Song, điều làm người dân ở “thủ phủ” quế vui mừng hơn cả là một nhà máy chế biến tinh dầu từ cành, lá quế quy mô và hiện đại đang được chủ đầu tư gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng. Hiện tại, mỗi ngày nhà máy thu mua hàng chục tấn cành, lá quế của người dân đem tới bán, thứ mà trước đây chỉ bán được một phần rất nhỏ, còn lại phải bỏ ở rẫy hoặc đốt đi.
Cầm xấp tiền vừa bán lá quế cho nhà máy trên tay, anh Hồ Văn Lâm, ở thôn 2 xã Trà Thuỷ (Trà Bồng) hồ hởi cho biết, nhà có gần 1ha đất trồng quế với hơn 10.000 gốc. Năm nay, ngoài việc giá quế vỏ tăng gấp đôi, anh còn có thêm một khoản tiền từ việc bán cành, lá quế. “Mấy năm trước thu xong cành, lá gia đình thường bỏ lại trên rẫy. Năm nay nghe có nhà máy thu mua nên tui gom lại được hơn hai tấn, bán giá 2.800 đồng/kg, thu được gần 7 triệu đồng.
Trong khu dân cư giờ ai cũng đi gom cành, lá quế để bán cho nhà máy”, anh Lâm kể. Còn hai mẹ con chị Hồ Thị Nhát, ở thôn Trà Linh, xã Trà Lãnh (Tây Trà), dù trời đã đứng bóng nhưng vẫn lom khom thu gom lá quế trên rẫy. Lau vội mồ hôi trên trán, chị Nhát tươi cười, khoe: “Nghe mấy người trong xóm nói gom lá quế bán lấy tiền, mẹ con tôi liền đi theo và cũng có thu nhập khá”. Theo một số người chuyên thu gom lá quế, những năm trước thu mua lá quế chỉ để cung cấp cho các cơ sở làm nhang hay chuyển đi Bắc Trà My (Quảng Nam), nhưng số lượng rất ít và giá cả lại không cao như năm nay.
Chính quyền vui lây
Trên khu đất rộng 35.800m2 tại tổ dân phố 3, thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), một Nhà máy sản xuất tinh dầu từ cành, lá quế bề thế với dây chuyền công nghệ hiện đại của Công ty Cổ phần tinh dầu quế Quảng Ngãi đã được xây dựng hoàn chỉnh. Nhà máy có tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ đồng, công suất thiết kế 33 tấn cành, lá quế mỗi ngày, tương đương với 12.000 tấn mỗi năm. Dự kiến, mỗi năm nhà máy sẽ cho ra 80 tấn tinh dầu quế. Tất cả sản phẩm đã được ký hợp đồng xuất đi các thị trường Trung Quốc, ẢRập…
Chỉ tay về phía đống lá quế đã mua của dân, ông Nguyễn Khắc Tịnh – Giám đốc nhà máy cho biết, hiện tại trên địa bàn hai huyện Trà Bồng và Tây Trà có khoảng hơn 3.600ha quế. Mỗi vụ thu hoạch, một khối lượng cành, lá quế khổng lồ bị bỏ lại trên rẫy vì không có nơi tiêu thụ hay chỉ tiêu thụ được rất ít, việc này vừa gây lãng phí vừa ảnh hưởng tới chất đất. Xuất phát từ thực tế đó, công ty chúng tôi đã nghiên cứu và đầu tư xây dựng nhà máy này, với mục đích vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào để chế biến tinh dầu, vừa giúp bà con có thêm một khoảng thu nhập đáng kể từ cây quế.
Ông Nguyễn Xuân Bắc – Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, phấn khởi cho biết thêm: Việc hình thành Nhà máy chế biến tinh dầu từ cành, lá quế quy mô trên địa bàn sẽ góp phần nâng cao giá trị cho cây quế, giúp người dân có thêm một khoản thu nhập để ổn định cuộc sống, nên địa phương rất vui và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà máy hoạt động.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 1-4, tại đầm Nha Phu, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Khánh Hòa tổ chức thả giống thủy sản ra biển nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Trong những năm gần đây, các mô hình nuôi trồng thủy sản ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh) ngày càng phát triển với nhiều loại vật nuôi mới mang hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến loài ba ba gai. Không chỉ nuôi thành công ba ba gai theo hướng thương phẩm, một số mô hình đã bước đầu sản xuất được ba ba gai giống, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân.

Hiện giá cá ngừ đại dương xuống thấp ở mức kỷ lục, trong khi đó giá xăng dầu, đá cây và các loại nhu yếu phẩm khác tăng cao, khiến nhiều chuyến biển của ngư dân không có lãi; bạn thuyền lần lượt bỏ nghề, tàu phải nằm bờ.

Ông Đoàn Công Tránh, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), khoe: “Năm nay sò cũng được, tôm cũng có lý”. Mô hình nuôi sò huyết kết hợp nuôi tôm đang mang về giá trị kinh tế cho người dân huyện Đầm Dơi.

Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP.Hội An - Quảng Nam) cho biết, những ngày qua, nhiều phương tiện khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh đã xâm nhập và khai thác trái phép tôm hùm tại vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An). Theo đó, trong ngày 2/4, đơn vị đã kịp thời ngăn chặn việc khai thác, mua bán và vận chuyển trái phép 50 kg tôm hùm tại xã đảo. Khối lượng lớn tôm hùm này đã được 16 phương tiện hành nghề khai thác hải sản ven bờ của huyện Núi Thành khai thác trái phép và bán lại cho người dân địa phương.