Những Tỷ Phú Chân Đất

Đó là những nông dân thứ thiệt. Với sự táo bạo, ham tìm tòi, học hỏi cái mới, nắm bắt khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp để đem lại năng suất và hiệu quả. Và họ đã vươn lên từ trong nghèo khó.
Tỷ phú cá sấu
Ông Trương Thanh Mai (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) xuất thân từ gia đình làm ruộng, nghèo. Do vậy, từ nhỏ, cậu bé Mai đã luôn ôm mộng làm giàu từ nông nghiệp. Sau nhiều trăn trở với đủ nghề để mưu sinh từ chăn nuôi heo, xay cà phê, làm thùng suốt lúa… ông Mai cho ra đời nhà máy xay xát lúa. Song, cuối cùng, ông Mai lại thành công với nghề nuôi cá sấu.
Khởi nghiệp nghề nuôi cá sấu từ năm 1997, với 100 con cá sấu nuôi ban đầu, ông Mai lãi hơn 100 triệu đồng. Từ đó, ông Mai đã dần gầy dựng một trang trại cá sấu bề thế như hôm nay với tên gọi Phương Tín.
Hiện trang trại ông Mai có hơn 28.000 con cá sấu đủ kích cỡ với quy trình nuôi khép kín trên diện tích 3ha. Số lượng cá sấu ông Mai nuôi cao nhất Bạc Liêu và có thứ hạng trong khu vực ĐBSCL. Mỗi năm, hơn 10.000 con cá sấu giống mang thương hiệu Phương Tín (và nhập 50.000 con ở các nơi về) để cung cấp khắp các tỉnh ĐBSCL. Mặt hàng da cá sấu của ông Mai xuất bán sang các nước như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ý…
Theo ông Mai, lợi nhuận nuôi cá sấu cao gấp 3 lần nuôi tôm. Chỉ tính riêng việc bán 60.000 con cá sấu, mỗi năm doanh thu lên tới 30 tỷ đồng. Quy mô và số lượng nuôi cá sấu của ông Mai được khẳng định bằng giấy phép Cites. Hiện nay, Việt Nam chỉ có 9 trang trại cá sấu được Cites cấp phép, nghĩa là được xuất bán hàng da cá sấu trực tiếp cho các nước trên thế giới.
Trang trại Phương Tín có hơn 500 vệ tinh nuôi cá sấu và cung cấp cá sấu để ông Mai tiêu thụ. Hàng năm, ông Mai bao tiêu sản phẩm khoảng 30.000 con cá sấu cho các vệ tinh.
Ngoài ra, ông Mai còn là chủ một nhà máy gạo khép kín từ xay xát, chà, lau bóng, đóng gói gạo xuất khẩu… Bình quân nhà máy xuất bán 2.000 - 3.000 tấn gạo/năm. Ông Mai được tỉnh công nhận là nông dân sản xuất giỏi 5 năm liền, được dự hội nghị điển hình toàn quốc (ở thủ đô Hà Nội), và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Tỷ phú tôm
Ông Lâm Hồng Thái (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) thì áp dụng thành công mô hình đa cây, đa con khép kín trên diện tích 8ha. Ông luôn trăn trở làm sao xây dựng một trang trại VACR (vườn - ao - chuồng - ruộng) tổng hợp trên toàn bộ diện tích đất sản xuất.
Với 6,6ha đất nuôi tôm, nhưng do tôm sú bị dịch bệnh, rủi ro liên tục, ông mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng và mang lại hiệu quả - năng suất đạt 5 tấn/ha, trừ chi phí, ông còn lãi trên 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gia đình ông còn chăn nuôi gà, vịt, ngỗng, trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái để cải thiện kinh tế, lợi nhuận trên 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn mở cửa hàng cung cấp thức ăn thủy sản cho bà con nuôi tôm trong vùng, xây dựng nhà nuôi chim yến, lợi nhuận đạt trên 150 triệu đồng/năm. Như vậy, tổng lợi nhuận đạt bình quân 3 tỷ đồng/năm...
Ông Thái cho biết, một trong những bí quyết dẫn đến thành công là ông mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Bởi theo ông: “Làm nông nghiệp thời buổi này mà không có kỹ thuật thì độ rủi ro, thất bại rất lớn”. Vì vậy, ông Thái tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật do địa phương, các ngành chức năng tổ chức, qua các phương tiện thông tin đại chúng và rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu.
Ông Thái được tỉnh công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền.
Chung tay giúp người nghèo
Những tỷ phú nông dân trên đều có chung xuất phát điểm là nghèo khó. Song, họ đã cố gắng vượt lên, và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Và họ cũng có những tâm niệm trả “món nợ ân tình” cho quê hương từ những việc làm thiết thực như đóng góp quỹ An sinh xã hội, quỹ Vì người nghèo hàng trăm triệu đồng… Đồng thời, giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại chỗ và giúp đỡ các hộ nghèo.
Hàng năm, ông Trương Thanh Mai nhận đỡ đầu 4 hộ nghèo và hướng dẫn họ cách cách thức làm ăn. Các hộ nghèo được ông Mai nhận đỡ đầu đều thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Với quan niệm “an cư mới lạc nghiệp”, ông Mai cho các hộ nghèo mượn vốn cất nhà và tặng phương tiện làm ăn. Không chỉ thế, ông Mai còn bán cá sấu giống trả chậm cho các hộ khó khăn, sau khi bán cá thì trả vốn.
Còn ông Lâm Hồng Thái lại thường xuyên quan tâm, giúp đỡ những hộ nghèo, cận nghèo bằng nhiều hình thức như: tạo việc làm, hỗ trợ vốn, phương tiện phục vụ sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách làm ăn. Qua đó, đã giúp 25 hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Những tỷ phú nông dân như ông Mai, ông Thái luôn là những gương điển hình trong sản xuất, chăn nuôi. Họ cũng chính là những người góp phần làm giàu, đẹp cho quê hương, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Phú Yên là một trong 3 tỉnh được chọn triển khai thí điểm khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Ngành Nông nghiệp đang khởi động các chương trình để thực hiện mô hình này thành công, nhất là đầu tư đồng bộ từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ, đến xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá…

Ông Huỳnh Thanh Hồng (ngụ xã Khánh An) có thửa đất rộng khoảng 5.000m2, phía trước trồng kiểng, phía sau đào ao nuôi cá, trong đó có hơn 100 con cá hô đất. Chỉ tay xuống ao đầy bông súng, anh Hồng cho biết, ban đầu chỉ thả vài ba con cá sặc, cá rô phi và cá chép.

Ông Hòa kể trước đây từng nhiều năm trồng mía nhưng chẳng khi nào thành công, có thời điểm ông vùi vào nợ nần do thua lỗ. Trong một lần tình cờ, ông Hòa bất ngờ khi biết giá của mỗi ký thịt ba ba cao gấp 5 lần so với thịt heo. Sau lần đó ông trằn trọc và quyết định thử nuôi ba ba thịt. Khi đó là năm 2000.

Vùng duyên hải miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển thủy sản. Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ xác định vùng này sẽ trở thành trung tâm nghề cá lớn của cả nước, gắn với các ngư trường trọng điểm. Điều này đặt ra yêu cầu cần có những định hướng và giải pháp xúc tiến thu hút đầu tư đúng đắn để tận dụng các lợi thế vốn có của từng địa phương trên cơ sở cân bằng lợi ích tổng thể của vùng nhằm nâng cao giá trị ngành thủy sản.

Sau chuyến biển hơn 1 tháng 15 ngày, các thuyền đã kịp cập bờ, mang theo hàng trăm con cá ngừ đại dương, mỗi con có trọng lượng hơn nửa tạ để ăn Tết muộn. Cảng cá Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa), Phường 6, Đông Tác (TP Tuy Hòa, Phú Yên)… ngư dân vui sướng khi hầu hết các thuyền được mùa, được giá. Hiện tại, cá ngừ được thu mua 130.000-145.000 đồng/kg, so với cách đây 2 tháng tăng 15.000 đồng/kg.