Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Những Tín Hiệu Vui Từ HTX Nông Nghiệp Mỹ Thành (Tiền Giang)

Những Tín Hiệu Vui Từ HTX Nông Nghiệp Mỹ Thành (Tiền Giang)
Ngày đăng: 10/06/2014

Xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) là nơi có mô hình trồng lúa chất lượng cao an toàn đầu tiên trong cả nước đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vào năm 2008. Để đạt được kết quả này, nông dân trong xã đã kiên trì thực hiện qua nhiều năm với nhiều nội dung: IPM, “Cánh đồng sạch và xanh”, Chương trình “3 giảm 3 tăng”, dự án “Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn” tiến tới mô hình lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Thành ra đời cũng nhằm thực hiện mô hình lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và đã thu hút 170 xã viên của 2 xã Mỹ Thành Bắc và xã Mỹ Thành Nam, với diện tích đất được đưa vào làm ăn tập thể trên 140 ha.

Xã viên của HTX đã tham gia trồng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên tổng diện tích 95,6 ha. Chỉ tính trong 2 năm 2011 và 2012, HTX đã bán cho Công ty ADC 822 tấn lúa GlobalGAP với giá cao hơn thị trường 20%. Xã viên hết sức phấn khởi trước thành quả của mô hình sản xuất mới và con đường làm ăn hợp tác này.

Tuy nhiên, con đường hợp tác hóa và sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có lúc xã viên của HTX phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể là từ vụ hè thu sớm năm 2012, xã viên HTX đã không còn trồng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Một trong những nguyên nhân là do đầu ra của hạt lúa GlobalGAP bế tắc. Bởi Công ty ADC - doanh nghiệp từng gắn bó và đỡ đầu cho HTX trong suốt quá trình trồng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP thời gian qua đã không còn tiếp tục bao tiêu sản phẩm nữa.

Việc tiêu thụ lúa không thuận lợi, thiếu đơn vị bao tiêu “đầu ra”; việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP bị đình trệ, thiếu kinh phí để tái chứng nhận cho lúa gạo GlobalGAP Mỹ Thành. Trước tình hình trên, các cấp, các ngành đã chung tay hỗ trợ HTX khôi phục và khẳng định hiệu quả sản xuất lúa theo mô hình GlobalGAP, làm hạt nhân trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Những nỗ lực trên đã mang lại kết quả đáng mừng. Theo ông Nguyễn Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nam, trong vụ đông xuân 2013 - 2014, HTX Nông nghiệp Mỹ Thành bắt đầu hợp tác với Công ty TNHH Tân Thành (TP. Cần Thơ) để bao tiêu lúa của xã viên và tái chứng nhận lúa GlobalGAP.

Ông Tạ Văn Quận, Quyền Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Mỹ Thành cho biết, theo thỏa thuận hợp tác, Công ty TNHH Tân Thành sẽ bao tiêu 31,7 ha đất trồng lúa của 30 xã viên HTX. Xã viên tổ chức sản xuất 2 vụ lúa/năm bằng giống chất lượng cao OM 7347, có giá trị xuất khẩu.

Đến kỳ thu hoạch, Công ty TNHH Tân Thành sẽ bao tiêu toàn bộ lúa thu hoạch với giá sàn 5.900 đồng/kg. Trong trường hợp giá lúa thời điểm thu hoạch tăng mạnh, công ty vẫn mua theo giá thị trường. Còn nếu lúa tụt giảm dưới giá sàn, công ty vẫn đảm bảo mua theo giá sàn đã cam kết.

Hiệu quả bước đầu của việc hợp tác giữa Công ty TNHH Tân Thành và HTX Nông nghiệp Mỹ Thành đã mang lại lợi nhuận cho các xã viên. Nông dân Lê Văn Thủ, xã viên của HTX không giấu được niềm vui mừng: “Sau hơn 1 năm, xã viên của HTX đã phải “tự bơi” trong khâu sản xuất và tiêu thụ lúa, thì nay đã được bao tiêu đầu ra, cũng thấy an tâm hơn.

Ngay khi xã viên HTX thu hoạch vụ lúa đông xuân 2013 - 2014, Công ty TNHH Tân Thành đã thu mua theo đúng giá đã cam kết là 5.900 đồng/kg. Với giá thu mua này, mỗi công lúa chất lượng cao OM 7347, xã viên có lời từ 4 - 4,2 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện công ty bao tiêu đầu ra với diện tích lúa của HTX Nông nghiệp Mỹ Thành còn ít, rất mong doanh nghiệp sẽ mở thêm diện tích thu mua”.

Thời gian thực hiện hợp đồng là 5 năm, bắt đầu từ vụ đông xuân năm 2013 - 2014. Công ty TNHH Tân Thành cũng đã hỗ trợ 100% kinh phí cho HTX Nông nghiệp Mỹ Thành tái chứng nhận lúa gạo GlobalGAP Mỹ Thành ngay sau vụ đông xuân 2013 - 2014. Đây là những tín hiệu đáng mừng trong việc duy trì hoạt động HTX Nông nghiệp Mỹ Thành và hơn thế nữa là cứu lấy thương hiệu lúa gạo GlobalGAP Mỹ Thành - một vốn quý trong nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao của tỉnh Tiền Giang.


Có thể bạn quan tâm

Nâng Cao Giá Trị Kinh Tế Cho Cây Tỏi Lý Sơn Nâng Cao Giá Trị Kinh Tế Cho Cây Tỏi Lý Sơn

Trước tình trạng thương hiệu của cây tỏi Lý Sơn đang bị một số đối tượng lợi dụng để trục lợi, mới đây UBND huyện Lý Sơn đã thông qua đề án phát triển cây tỏi và tiến hành mở gian hàng tỏi tại chợ trung tâm huyện.

01/03/2014
Đại Hòa Phát Triển Chăn Nuôi Bò Thịt Đại Hòa Phát Triển Chăn Nuôi Bò Thịt

Những năm gần đây, chăn nuôi bò thịt được xác định là một trong những chương trình sản xuất trọng điểm của xã Đại Hòa (Đại Lộc). Phong trào chăn nuôi bò thịt phát triển mạnh ở hầu hết các thôn trên địa bàn xã, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

01/03/2014
Luân Canh Tôm Càng Xanh Thương Phẩm Trong Ao Nuôi Tôm Sú Luân Canh Tôm Càng Xanh Thương Phẩm Trong Ao Nuôi Tôm Sú

Theo Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang (Trà Vinh), hiện nay nông dân các huyện trong tỉnh đã thu hoạch hơn 2.000 ha nuôi tôm càng xanh trong ao nuôi tôm sú.

03/03/2014
Sản Lượng Cá Tra Thương Phẩm Thu Hoạch Trong Tháng 2 Ước Đạt Trên 27.800 Tấn Sản Lượng Cá Tra Thương Phẩm Thu Hoạch Trong Tháng 2 Ước Đạt Trên 27.800 Tấn

Sau Tết Nguyên đán, các nhà máy chế biến hoạt động bình thường trở lại, nên tình hình thu mua cá tra nguyên liệu của các nhà máy và tiến độ thu hoạch tăng lên. Hiện tại, các nhà máy thu mua cá với giá vào khoảng 22.000 - 23.500 đồng/kg đối với cá thịt trắng loại 0,7 - 0,8kg/con.

03/03/2014
Sản Lượng Thuỷ Sản Tháng 2 Tăng 4% Sản Lượng Thuỷ Sản Tháng 2 Tăng 4%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 2 ước tính đạt 369.700 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

03/03/2014