Những Kiểu Mua Hàng Khác Người Của Lái Buôn Trung Quốc

Trước khi tỉnh Vĩnh Long cảnh báo người dân không bán lá khoai lang cho lái buôn Trung Quốc, hàng chục vụ việc mua hàng kiểu bất thường cũng đã diễn ra.
Mua đỉa với giá “khủng”
Từ các tỉnh vùng ven như Vĩnh Phúc, Phú Thọ…, hàng chục người dân kéo về cánh đồng ngoại thành Hà Nội để bắt đỉa. Theo những người chuyên săn đỉa, giá mỗi kg đỉa do thương lái thu mua lên tới 500.000 - 600.000 đồng, thậm chí có thời điểm lên tới cả triệu đồng/kg. Do đó, việc săn đỉa hàng ngày đem lại lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với làm ruộng, khiến nông dân các vùng miền ráo riết săn đỉa đem bán, bỏ cả làng để lên phố tìm bắt đỉa.
Một thời gian dài từ năm 2011 đến năm 2012, các lái buôn đổ xô mua đỉa khiến cho người dân săn lùng, thậm chí nuôi loài sinh vật này.
Tại các tỉnh miền Tây, từ năm 2011 đến khoảng cuối năm 2012, người dân cũng đổ xô bắt đỉa bán cho thương lái Trung Quốc. Có những gia đình thậm chí còn nuôi loài sinh vật này, vì thương lái thu mua với giá cao. Sau đó một thời gian, đầu nậu thu mua đã bỏ đi, để lại hàng tạ đỉa do người dân nuôi. Đến bán cho đầu nậu không được, một số người vứt cả bao tải chứa đỉa xuống ruộng khiến cho hệ sinh thái tại khu vực này bị ảnh hưởng.
Gom lá điều khô rồi... đốt
Ở Bình Phước, cây điều là cây thế mạnh. Nhưng cuối năm 2012, nhiều thương lái đến thu gom lá điều với giá 500-1.000 đồng/kg. Đây là mức giá hấp dẫn với người dân vì từ trước tới nay lá điều khô chỉ là thứ bỏ đi, không ai nhặt. Mục đích thu mua của thương lái Trung Quốc không được tiết lộ. Trong khi đó, người dân cứ đổ xô đi gom, phơi khô lá điều để bán. Theo kinh nghiệm của các nông dân, việc tận diệt lá điều, phun thuốc để lá rụng khô sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây điều vào năm sau.
Cũng tương tự như đỉa, chỉ một thời gian ngắn sau, lá điều khô không còn được thu gom do chính quyền các tỉnh đưa ra cảnh báo với người dân. Theo những cảnh báo này, lá điều khô rụng xuống có tác dụng chống xói mòn đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Sau khi chính quyền địa phương đưa thông tin trên, các đầu nậu thu gom lá điều khô cũng “biến mất”. Thậm chí theo nhiều nguồn tin, số lá điều khô trước đó thương lái đã thu gom bị đem đốt sạch, còn những người đã gom lá để bán cho lái buôn Trung Quốc dở khóc dở cười với số lá đã “găm”.
Mua ngọn, thân cây sắn
Hết thu gom ngọn, lá sắn non, thương lái lại lùng sục về các miền quê ở Phú Yên để đặt mua cây sắn, vào giữa năm 2013. Người dân tại các huyện Tây Hòa, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy An của tỉnh Phú Yên cho biết, giá bán mỗi bó cây sắn 20 cây là 6.000 đồng. Có những ngày, có người thu về 150.000 đồng đến 200.000 đồng, tương đương với trên dưới 30 bó cây sắn (khoảng 600 cây). Người dân đổ xô đi chặt sắn để bá khiến cho loài cây này bị phá không thương tiếc.
Bản thân những người nông dân chặt sắn để bán cũng không biết thương lái mua cây sắn để làm gì. Loài cây này được trồng lấy củ, sau khi thu hoạch, phần thân chỉ là phụ phẩm, gần như không có giá trị sử dụng. Một số luồng tin cho biết những thân cây sắn này sẽ được bán cho thương lái Trung Quốc và các lái buôn phía Nam.
Mua lá khoai lang khi chưa thu hoạch củ
Ngày 26.2, UBND tỉnh Vĩnh Long phát đi thông báo cảnh báo tình trạng thương lái, trong đó có người đến từ Trung Quốc đổ xô đi mua lá khoai lang non với giá 10.000-20.000 đồng/kg. Theo nhận xét của chính quyền tỉnh Vĩnh Long, hành động trên của các thương lái Trung Quốc là bất thường, nên người dân cần cảnh giác.
UBND tỉnh Vĩnh Long cảnh báo người dân trước hành vi thu mua lá khoai lang bất thường của lái buôn Trung Quốc. Việc bán lá khoai khi chưa thu hoạch củ có thể khiến cho năng suất củ giảm 50%.
Điều kiện các thương lái đặt ra khi thu mua là lá khoai tươi khi chưa thu hoạch củ, còn lá sau thu hoạch không mua. Những lái buôn này đặt cọc 20 triệu đồng cho hợp tác xã rau an toàn tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long) để mua 20 tấn lá khoai.
Cũng có thương lái đến mua bán trực tiếp tại các hộ gia đình, nhưng yêu cầu phải là lá khi chưa thu hoạch củ. Theo phân tích của chủ nhiệm hợp tác xã rau an toàn, cắt lá khoai non khi chưa lấy củ có thể khiến cho năng suất củ giảm 50%.
Theo phân tích của giới chuyên gia, những hành vi bất thường nói trên của thương lái Trung Quốc là động thái làm giá nông sản. Cách làm giá được thực hiện theo kiểu thu mua hàng giá cao, khi giá bị đẩy lên cao, người dân đổ xô làm đầu mối thu mua, gom hàng để bán thì đột ngột ngừng thu mua hoặc dìm giá.
Thậm chí, chính số hàng đã thu gom trước đó lại được lái buôn Trung Quốc bán cho các đầu nậu trong nước và tuyên truyền vẫn tiếp tục mua hàng giá cao. Vòng tuần hoàn này cùng với động thái làm giá của lái buôn nước ngoài đã khiến cho thị trường trong nước bị lũng đoạn. Người thiệt hại nhất, ngoài người dân, chính là các đầu nậu gom hàng chờ bán ăn chênh lệch.
Có thể bạn quan tâm

Trong đời sống hàng ngày chúng ta thường gặp những hoạt động dự báo bão, dự báo động đất, sóng thần… ngày nay các nước trên thế giới còn dự báo cả khả năng bùng phát dịch bệnh ở từng vùng. Đối với ngành Thú y nước ta, “Dự báo dịch bệnh” vẫn là khái niệm mới.

Chiều 27-5, ông Liêu Phương, thương lái thu mua lúa gạo vùng Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang cho biết: “Giá lúa bình quân giảm 300 - 400 đồng/kg. Hiện lúa IR50404 vụ đông - xuân chỉ còn 5.000 - 5.100 đồng/kg (lúa khô), lúa IR50404 mới (vụ xuân - hè) 4.700 - 4.800 đồng/kg. Lúa hạt dài dẻo 5.400 - 5.500 đồng/kg, lúa dài thường giá 5.200 - 5.300 đồng/kg…”.

Mô hình trồng ca cao dưới tán cây điều và sầu riêng không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho người nông dân ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) mà còn là giải pháp để giữ ổn định diện tích điều và sầu riêng.

Mấy ngày gần đây, nhiều thương lái Trung Quốc đã vào vùng trồng khóm (dứa) của tỉnh Tiền Giang để thu mua khóm với giá cao. Chính vì vậy, nhiều cơ sở thu mua khóm trong nước gặp khó khăn trong việc tìm nguồn khóm nguyên liệu để thực hiện hợp đồng đã ký kết.

Chóng vánh lấy đất nông nghiệp, chóng vánh san nền, rồi cũng chóng vánh bỏ hoang. Câu chuyện thu hút đầu tư, phát triển các KCN của nhiều địa phương được gọi với cái tên chua chát là “tâm lý bầy đàn”.