Những Hai Vuông Thành Công Trong Sản Xuất Lúa

Năm nay thời tiết diễn biến bất thường, không thuận lợi cho việc gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm. Thế nhưng, bằng kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất, ông Nguyễn Thanh Bình, ấp Tân Hoà và ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, lại tiếp tục xuống giống thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Với diện tích 1 ha, nhờ tích luỹ kinh nghiệm nhiều năm, ông Nguyễn Thanh Bình luôn thành công với việc gieo cấy lúa trên đất nuôi tôm bằng giống Một bụi đỏ. Ông chia sẻ, để gieo cấy thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm, trước tiên phải chủ động rửa mặn ngay từ đầu vụ.
Khi mùa mưa bắt đầu là phải xổ nước trong vuông tôm ra cho cạn, sau đó hứng nước mưa và tiếp tục xổ ra nhiều lần. Ðến khi độ mặn trong vuông nuôi tôm giảm xuống còn 2-3%o thì ngưng xổ, hứng nước mưa trữ lại. Làm như thế, vừa bảo đảm tôm nuôi trong vuông không bị ảnh hưởng, vừa ổn định cho việc gieo cấy lúa.
Khâu gieo mạ trên bờ liếp cũng hết sức cẩn thận và lấy tháng âm lịch làm chuẩn. Thông thường, thời vụ gieo mạ thường bắt đầu vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 âm lịch, để khi mạ đến tuổi nhổ ra cấy vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch. Với kinh nghiệm như thế, nhiều năm liền ông Bình luôn sản xuất thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Cùng với ông Bình, ông Mai Văn Quốc cũng có nhiều năm kinh nghiệm làm vụ lúa trên đất nuôi tôm hiệu quả, dù thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy, ruộng của ông được Viện lúa ÐBSCL, Trường ÐH Cần Thơ và Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Cà Mau chọn kết hợp làm điểm thực nghiệm để tìm ra những giống lúa có khả năng chịu mặn cao, phục vụ cho việc sản xuất lúa tôm của bà con.
Riêng vụ lúa - tôm năm nay, với diện tích 1 ha ông đã gieo cấy gần 100 giống lúa các loại bằng nhiều hình thức khác nhau, để giúp cho các nhà khoa học nghiên cứu. Hiện diện tích lúa - tôm của ông sinh trưởng và phát triển rất tốt, trong giai đoạn đẻ nhánh hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Ông Mai Văn Quốc bộc bạch, những năm gần đây thời tiết diễn biến bất thường, để gieo cấy thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm, ngoài những kinh nghiệm, người nông dân phải áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ví dụ, sau khi gieo sạ gặp thời tiết nắng hạn cục bộ, mà nguồn nước dưới sông, rạch có độ mặn dưới 5%o thì cũng phải cho nước vào ruộng để hạn chế độ mặn trong vuông tôm tăng nhanh làm ảnh hưởng đến cây lúa.
Ðồng thời kết hợp dùng phân bón lá phun đều trên bề mặt lá lúa, nhằm giúp cho cây lúa kéo dài thời gian để chờ mưa. Khi thời tiết có mưa trở lại, phải tiếp tục rửa mặn, kết hợp với bón phân cho cây lúa phát triển nhanh, đẻ nhánh tốt để không bị ảnh hưởng năng suất.
Với những kết quả đạt được cho thấy, ông Nuyễn Thanh Bình và ông Mai Văn Quốc không chỉ cần cù trong lao động mà còn biết tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng vào sản xuất. Ðây sẽ là địa chỉ tin cậy để bà con nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, gieo cấy thành công 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Có thể bạn quan tâm

Các hộ tham gia đánh giá, mô hình giải quyết được việc ô nhiễm môi trường và mùi hôi thối do chất thải trong chăn nuôi gây ra, giúp đàn vật nuôi khỏe mạnh, tăng trọng nhanh, giảm đáng kể số lượng điều trị thuốc thú y, hạn chế được rủi ro do dịch bệnh lây lan, tạo ra sản phẩm an toàn, tăng lợi nhuận cho người nuôi khoảng 20% so với cách nuôi truyền thống.

Qua khảo sát, đoàn đánh giá cao chất lượng trái nhãn cũng như điều kiện canh tác của các vườn nhãn Idor thuộc HTX nhãn Châu Thành, sẽ quay lại tìm hiểu và làm việc cụ thể với HTX vào đầu năm 2015. Đoàn khảo sát cho biết, để nhập khẩu được vào thị trường Anh Quốc thì đòi hỏi tất cả sản phẩm trái cây đều phải có chứng nhận GLOBALGAP.

Hiện xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) còn 53 hộ nghèo (chiếm 17,3%). Theo các cán bộ xã, nguyên nhân là do giao thông đi lại khó khăn; nhiều hộ chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo; sản xuất còn lạc hậu, nhỏ, lẻ, phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên; áp dụng KHKT vào sản xuất còn hạn chế…

Thời gian qua, với việc thu hút một số gia đình cùng thực hiện các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung theo phương thức thu hồi tái đầu tư đang là hướng đi mới ở xã Phương Thiện (TPHG). Từ những hiệu quả bước đầu đã góp phần thay đổi từ nhận thức đến cách làm của người nông dân nơi đây.

Theo phản ánh của người dân trồng mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, những ngày gần đây, thương lái mua mía cho rằng các nhà máy đường sẽ tiếp tục giảm giá thu mua mía thêm 30 đồng/kg và áp dụng trong vài ngày tới. Thông tin này làm cho nhiều nông dân chưa bán mía vô cùng lo lắng, bởi giá mía hiện nay đã thấp (dao động từ 680-720 đồng/kg), nếu nhà máy đường tiếp tục hạ giá thì nông dân càng lỗ nặng hơn.