Nhu Cầu Kiệu Giống Tăng Cao

Đến hẹn lại lên, cứ vào khoảng đầu tháng 7 Âm lịch, tại chợ trung tâm huyện Phù Mỹ lại nhộn nhịp mùa kiệu giống. Mới chừng 5 - 6 giờ sáng, đã có hàng trăm người từ các địa phương đổ về chợ tham gia mua bán kiệu giống.
Để củ kiệu giống đạt chất lượng, khả năng nảy mầm cao, đòi hỏi người trồng phải đầu tư thâm canh, từ loại đất trồng phù hợp đến kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc.
Thời gian trồng kiệu giống kéo dài gần 4 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 6 Âm lịch thì cho thu hoạch. Năm nay nhuần 2 tháng 9 nên mùa kiệu giống cũng được bắt đầu muộn hơn.
So với năm ngoái, năm nay giá kiệu giống được cho là “mềm” hơn, và không xảy ra tình trạng “nhảy” giá như mọi năm. Vào những ngày đầu mùa, giá kiệu dao động từ 35.000 đến 38.000 đồng/kg đối với giống kiệu loại củ to, đều; loại củ nhỏ hơn, giá từ 28.000 đến 35.000 đồng/kg.
Gần đây, giá kiệu giống có giảm hơn chút đỉnh, từ 22.000 đến 35.000/kg, vì củ nhỏ hơn và dính nhiều bùn đất do những cơn mưa trong mấy ngày qua.
Năm nay do nắng hạn kéo dài, cây kiệu không được cung cấp đủ nước tưới nên củ kiệu giống nhỏ hơn và sản lượng thấp hơn, giá kiệu giống không cao hơn so với mọi năm.
Tuy vậy, người trồng kiệu giống vẫn vui, vì nói như chị Trần Thị Trưng, nông dân ở thôn Tân An, xã Mỹ Quang - vùng đất có truyền thống trồng kiệu giống: “Một sào kiệu giống vụ này đạt năng suất từ 3 tạ trở lên, giá bình quân khoảng 30.000 đồng/kg, thu nhập gần 10 triệu đồng, không thấp hơn bao nhiêu so với năm ngoái; còn so với trồng lúa thì cao hơn gấp nhiều lần”.
Ở chợ kiệu giống, không chỉ có những người mua giống về trồng, còn có những tiểu thương ở thị trấn Phù Mỹ mua gom kiệu giống đưa đi tiêu thụ ở ngoài huyện, ngoài tỉnh.
Ông Lê Văn Trung, ở thôn Đại Sơn, xã Mỹ Hiệp, cho biết năm nào ông cũng trồng kiệu giống để giảm chi phí trồng kiệu tết, nhưng năm nay hạn hán kéo dài, năng suất kiệu thấp, không đủ giống để trồng, nên phải mua thêm. “Kiệu giống ở chợ Phù Mỹ này là nhất rồi, ở đâu họ cũng tìm tới đây mua, củ vừa chắc, đều, độ nảy mầm cao; đặc biệt là củ kiệu rất ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng” - ông Trung nói.
Còn ông Hồ Ngọc Anh - ở thôn Phước Thung, xã Mỹ Phong, mua 70 kg giống để trồng gần 2 sào kiệu tết - chia sẻ về kinh nghiệm mua kiệu giống: “Ở chợ này bán đủ loại kiệu giống, có loại được trồng trên đất cát pha, có loại thì trồng trên đất ruộng, có loại được chuyển từ trong Nam ra, củ to có, nhỏ có...
Mua về trồng kiệu tết thì phải chọn những loại giống củ kiệu nào mình quen trồng, đặc biệt phải mua loại củ vừa vừa thôi, nhưng chắc củ, tròn đều thì độ nảy mầm mới cao, cho năng suất và chất lượng củ tốt”.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy nhu cầu kiệu giống không ngừng tăng lên. Lý giải vấn đề này, ông Ngô Đình Ba, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: Năm nay nhu cầu kiệu giống tăng cao vì nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang các loại cây trồng cạn cho hiệu quả hơn, trong đó có cây kiệu.
Bên cạnh đó, kiệu tết năm ngoái được mùa, được giá, nông dân rất phấn khởi nên tiếp tục đầu tư trồng kiệu. Đặc biệt, lần đầu tiên kiệu Phù Mỹ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp chứng nhận thương hiệu, khẳng định được uy tín và chất lượng, nên bà con nông dân rất kỳ vọng vào một mùa bội thu kiệu tết.
Có thể bạn quan tâm

Ấp Phú Trung, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự hiện có trên 70 hộ nuôi bò với gần 500 con bò các loại. Những năm gần đây, người dân đã biết chú trọng nâng cao chất lượng đàn bò, đưa giống bò lai vào nuôi thay thế đàn bò truyền thống và bước đầu đem lại hiệu quả cao.

Đầu tháng 10-2013, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bình Đại (Bến Tre) phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Bình Đại tổ chức thí điểm mô hình nuôi lươn trên cạn cho hộ nghèo tại xã Phú Thuận.

Những ngày này đi vào vùng trồng ớt thuộc xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) mới có thể thấy hết không khí nhộn nhịp của người trồng ớt nơi đây. Nhiều rẫy ớt nằm san sát nhau cùng rộ lên một màu đỏ thắm của ớt chín với cảnh rộn rã nói cười của người thu hoạch ớt...

Hơn 10 năm nay, nhiều hộ nông dân tại xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đắk Nông đã thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Minh Hoàng (thôn Vinh Đức) với mô hình nuôi nai đạt hiệu quả cao.

Vào vụ cá nam năm nay, nhất là thời gian gần đây ở Bình Thuận, mỗi chuyến biển ra khơi ngư dân trở về với những khoang cá cơm đầy ắp. Ở các bến cảng tấp nập tàu thuyền tập kết, tiếng cười, tiếng nói ngư phủ cũng rộn rã hơn sau những ngày “hái bạc”…