Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhu Cầu Kiệu Giống Tăng Cao

Nhu Cầu Kiệu Giống Tăng Cao
Ngày đăng: 08/08/2014

Đến hẹn lại lên, cứ vào khoảng đầu tháng 7 Âm lịch, tại chợ trung tâm huyện Phù Mỹ lại nhộn nhịp mùa kiệu giống. Mới chừng 5 - 6 giờ sáng, đã có hàng trăm người từ các địa phương đổ về chợ tham gia mua bán kiệu giống.

Để củ kiệu giống đạt chất lượng, khả năng nảy mầm cao, đòi hỏi người trồng phải đầu tư thâm canh, từ loại đất trồng phù hợp đến kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc.

Thời gian trồng kiệu giống kéo dài gần 4 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 6 Âm lịch thì cho thu hoạch. Năm nay nhuần  2 tháng 9 nên mùa kiệu giống cũng được bắt đầu muộn hơn.

So với năm ngoái, năm nay giá kiệu giống được cho là “mềm” hơn, và không xảy ra tình trạng “nhảy” giá như mọi năm. Vào những ngày đầu mùa, giá kiệu dao động từ 35.000 đến 38.000 đồng/kg đối với giống kiệu loại củ to, đều; loại củ nhỏ hơn, giá từ 28.000 đến 35.000 đồng/kg.

Gần đây, giá kiệu giống có giảm hơn chút đỉnh, từ 22.000 đến 35.000/kg, vì củ nhỏ hơn và dính nhiều bùn đất do những cơn mưa trong mấy ngày qua.

Năm nay do nắng hạn kéo dài, cây kiệu không được cung cấp đủ nước tưới nên củ kiệu giống nhỏ hơn và sản lượng thấp hơn, giá kiệu giống không cao hơn so với mọi năm.

Tuy vậy, người trồng kiệu giống vẫn vui, vì nói như chị Trần Thị Trưng, nông dân ở thôn Tân An, xã Mỹ Quang - vùng đất có truyền thống trồng kiệu giống: “Một sào kiệu giống vụ này đạt năng suất từ 3 tạ trở lên, giá bình quân khoảng 30.000 đồng/kg, thu nhập gần 10 triệu đồng, không thấp hơn bao nhiêu so với năm ngoái; còn so với trồng lúa thì cao hơn gấp nhiều lần”.

Ở chợ kiệu giống, không chỉ có những người mua giống về trồng, còn có những tiểu thương ở thị trấn Phù Mỹ mua gom kiệu giống đưa đi tiêu thụ ở ngoài huyện, ngoài tỉnh.

Ông Lê Văn Trung, ở thôn Đại Sơn, xã Mỹ Hiệp, cho biết năm nào ông cũng trồng kiệu giống để giảm chi phí trồng kiệu tết, nhưng năm nay hạn hán kéo dài, năng suất kiệu thấp, không đủ giống để trồng, nên phải mua thêm. “Kiệu giống ở chợ Phù Mỹ này là nhất rồi, ở đâu họ cũng tìm tới đây mua, củ vừa chắc, đều, độ nảy mầm cao; đặc biệt là củ kiệu rất ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng” - ông Trung nói. 

Còn ông Hồ Ngọc Anh - ở thôn Phước Thung, xã Mỹ Phong, mua 70 kg giống để trồng gần 2 sào kiệu tết - chia sẻ về kinh nghiệm mua kiệu giống: “Ở chợ này bán đủ loại kiệu giống, có loại được trồng trên đất cát pha, có loại thì trồng trên đất ruộng, có loại được chuyển từ trong Nam ra, củ to có, nhỏ có...

Mua về trồng kiệu tết thì phải chọn những loại giống củ kiệu nào mình quen trồng, đặc biệt phải mua loại củ vừa vừa thôi, nhưng chắc củ, tròn đều thì độ nảy mầm mới cao, cho năng suất và chất lượng củ tốt”.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy nhu cầu kiệu giống không ngừng tăng lên. Lý giải vấn đề này, ông Ngô Đình Ba, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: Năm nay nhu cầu kiệu giống tăng cao vì nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang các loại cây trồng cạn cho hiệu quả hơn, trong đó có cây kiệu.

Bên cạnh đó, kiệu tết năm ngoái được mùa, được giá, nông dân rất phấn khởi nên tiếp tục đầu tư trồng kiệu. Đặc biệt, lần đầu tiên kiệu Phù Mỹ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp chứng nhận thương hiệu, khẳng định được uy tín và chất lượng, nên bà con nông dân rất kỳ vọng vào một mùa bội thu kiệu tết.


Có thể bạn quan tâm

Thanh Hóa: Mục Tiêu Trồng Đậu Tương Vụ Đông 2013 Không Đạt Kế Hoạch Thanh Hóa: Mục Tiêu Trồng Đậu Tương Vụ Đông 2013 Không Đạt Kế Hoạch

Không mất nhiều công gieo vãi, chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, có tác dụng làm đất tơi xốp, bên cạnh đó còn tận dụng được diện tích đất 2 lúa, nên cây đậu tương đã và đang trở thành cây trồng được tỉnh Thanh Hóa lựa chọn để trồng trong vụ đông trên chân đất 2 lúa trong nhiều năm qua.

22/10/2013
Nghề Nghề "Độc" Dựng Cơ Nghiệp

Nghề của ông Nguyễn Cao Cường, thôn Tăng Sơn, xã Hoà Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) "độc" nhất trong vùng kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng - nuôi rắn hổ mang phì (rắn hổ phì). Với nhiều người, chỉ cần nghe đến rắn đã rợn tóc gáy, vậy mà nghề "độc" này lại giúp gia đình ông gây dựng được cơ nghiệp.

20/06/2013
Cựu Chiến Binh Làm Giàu Trên Vùng Đất Khó Cựu Chiến Binh Làm Giàu Trên Vùng Đất Khó

Chiến tranh đã lùi xa 38 năm, những người lính tham gia kháng chiến một thời, nay trở về đời thường với những vết thương không thể xóa nhòa. Cuộc sống hôm nay với bao khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn hăng say, quyết tâm làm giàu bằng ý chí và nghị lực ngay trên quê hương mình.

20/06/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Ghép Cá Rô Phi Đơn Tính Đực Khu Vực Miền Núi Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Ghép Cá Rô Phi Đơn Tính Đực Khu Vực Miền Núi

Năm 2013 Trung tâm Khuyến nông Lai Châu triển khai mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực khu vực miền núi nằm trong dự án phát triển nuôi cá rô phi đơn tính đực quy trình GAP tại thị trấn Tân Uyên và xã Thân Thuộc huyện Tân Uyên, quy mô 01 ha với 13 hộ nông dân tham gia.

23/10/2013
Khẩn Trương Phòng Chống Dịch Bệnh Ở Tôm Khẩn Trương Phòng Chống Dịch Bệnh Ở Tôm

Đã hơn một tháng nay, nhiều hộ nuôi tôm ở các xã Trung Hải (Gio Linh) và Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) điêu đứng vì tôm đột nhiên nhiễm bệnh, chết hàng loạt khi vụ nuôi vừa mới bắt đầu. Sau vụ nuôi 2012 có hiệu quả thì năm nay dịch bệnh ở tôm lại bùng phát gây thiệt hại đáng kể cho người dân.

04/06/2013