Nhơn Hải (Bình Định) Nuôi Ghẹ Xanh Trên Biển

Mới đây, tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định), Hội Cựu chiến binh (CCB) xã đã triển khai một mô hình nuôi trồng hải sản mới, đó là nuôi ghẹ xanh thương phẩm trên biển. Mô hình nhằm mục đích tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hội viên CCB ở địa phương.
Ghẹ xanh (còn gọi là ghẹ hoa) có vỏ màu xanh và các chấm trắng trên lưng, ngoài khai thác tự nhiên, ngư dân nhiều nơi trong nước còn nuôi ghẹ xanh thương phẩm trong ao, hồ, thả lồng nuôi trên biển; ngoài ra ngư dân còn nuôi ghẹ lột cho thu nhập cao. Mùa vụ thả nuôi ghẹ xanh từ tháng 3 đến tháng 8 Âm lịch hằng năm.
Thức ăn của ghẹ xanh là các loại cá, mực… Nguồn ghẹ xanh tự nhiên lâu nay được ngư dân đánh bắt và bán cho thương lái với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg. Một kg ghẹ ban đầu có thể tăng trọng lượng từ 1,3 - 1,5 kg sau khi đưa vào nuôi thành phẩm ghẹ lột, có giá cao gấp 3 - 4 lần.
Trong khuôn khổ dự án nuôi trồng thủy hải sản thực hiện theo đề án xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Hải giai đoạn 2011 - 2020, tổ hợp tác nuôi ghẹ xanh thương phẩm trên biển, do Hội CCB xã Nhơn Hải chủ trì, đã tiến hành thả nuôi trên 2.500 con ghẹ xanh giống trên diện tích mặt nước vùng nuôi hơn 300 m2 (nuôi bằng hình thức thả đăng) tại đảo Hòn Khô - Nhơn Hải.
Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ 75 triệu đồng, tổ hợp tác gồm 7 thành viên đầu tư vốn 10 triệu đồng/người, thời gian thực hiện mô hình là 3 năm. Đây là mô hình nuôi ghẹ xanh thương phẩm đầu tiên ở địa phương, bên cạnh nhiều mô hình nuôi hải sản khác như nuôi tôm hùm thương phẩm, nuôi tôm hùm giống, ốc hương thương phẩm, cá bóp…
Hiện giá ghẹ giống từ 28.000 - 35.000 đồng/kg (khoảng 40 - 50 con/kg), thời gian nuôi 3 tháng là có thể xuất bán. Thị trường tiêu thụ ghẹ xanh đang khá rộng rãi. Hiện giá ghẹ xanh thương phẩm trên thị thường bình quân từ 180 - 250 ngàn đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Chín - Chủ tịch Hội CCB xã Nhơn Hải, tổ trưởng tổ hợp tác nuôi ghẹ xanh trên biển - cho biết: Dự án nuôi ghẹ xanh trên biển được triển khai nhằm tạo điều kiện để hội viên CCB phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới ở xã Nhơn Hải.
Mô hình sẽ được nhân rộng trong hội viên CCB và ngư dân trong xã trong thời gian đến để phát triển kinh tế gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết, thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cải tạo đất nền sau khai thác và bùn đỏ của Nhà máy Khai thác luyện bauxit- alumin kết hợp với một số chế phẩm hữu cơ thành nền đất trồng tại Tân Rai-Lâm Đồng”, nhóm các nhà khoa học của các Sở Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Lâm Đồng, Trường Đại học Đà Lạt, Công ty Bauxit Lâm Đồng cùng các chuyên gia trong tỉnh đã trồng thử nghiệm thành công bước đầu cây thanh long và cây dứa cayenne trên 300 mét vuông đất bùn đỏ được trung hòa bằng các vật liệu hữu cơ có tính axit.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ tập trung chỉ đạo chăm sóc lúa, rau màu vụ Hè Thu, vụ Mùa 2015 trong tình hình hạn hán.

Do ảnh hưởng bởi nắng nóng gay gắt kéo dài trong thời gian qua, nhiều diện tích chè ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) bị cháy búp gây thiệt hại lớn cho người trồng chè. Không những thế, đến thời điểm này, một số diện tích cây đã chết khô không thể cứu vãn, phải nhổ bỏ.

Trong khi hàng ngàn hecta trà tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chết héo vì nắng hạn thì ngành trà Lâm Đồng lao đao vì sản phẩm không xuất bán được

Ở tỉnh Bình Định, sắn là cây màu chủ lực, đồng thời cũng nằm trong nhóm 6 cây trồng “tỷ đô” của cả nước.