Nhóm Thanh Niên Cùng Sở Thích Chăn Nuôi Bò Ở Đắk DRô

Thông qua sự “tiếp sức” của tổ chức Đoàn, một số thanh niên trên địa bàn xã Đắk Drô (Krông Nô) đã có điều kiện để phát triển chăn nuôi, hình thành nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Vê, ở thôn Jang Cách, từ lâu đã ấp ủ đầu tư chăn nuôi bò, nhưng mãi chưa thể thực hiện được vì không đủ vốn. Tuy nhiên, sau khi trình bày nguyện vọng tại các buổi sinh hoạt chi đoàn thôn, năm 2013, anh được Đoàn xã xét để được vay nguồn vốn từ Dự án chăn nuôi bò của huyện do tổ chức Đoàn quản lý. Với khoản vốn vay gần 13 triệu đồng, cộng thêm tiền của gia đình, anh đã mua một cặp bò mẹ về nuôi.
Sự “tiếp sức” đúng lúc của tổ chức Đoàn đã giúp anh Vê có được nguồn vốn cần thiết để thực hiện nguyện vọng bấy lâu. Hiện tại, không chỉ phát triển đàn bò của gia đình lên được 5 con mà anh còn hỗ trợ giống cho một thanh niên khác, có thêm điều kiện chăn nuôi, làm ăn. Tương tự, gia đình anh Y Thiếp, trú tại bon K62, cũng được hỗ trợ vốn để mua 1 con bò mẹ đã có chửa, nên chỉ sau một thời gian nuôi đã có thêm bò con.
Anh Y Thiếp tâm sự: “Nguồn vốn của tổ chức Đoàn đã giúp gia đình tôi có thêm điều kiện để khởi nghiệp từ việc chăn nuôi bò. Ngoài vay vốn, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho bò nên việc chăn nuôi gặp nhiều thuận lợi, bò sinh trưởng tốt, ít đau bệnh”.
Điều đáng nói, không chỉ làm ăn riêng rẽ, các bạn trẻ được Đoàn hỗ trợ vốn còn thành lập nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò. Hiện nhóm có 7 thành viên, khoảng gần 20 con bò và đã bắt đầu hỗ trợ con giống cho các bạn trẻ khác trên địa bàn để cùng nhau sinh hoạt, phát triển chăn nuôi. Một số thành viên trong nhóm đã bắt đầu trồng được 3 sào cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.
Anh Nguyễn Hữu Khai ở thôn Jang Cách cho biết: “Nuôi bò bây giờ không thể hoàn toàn dựa vào tự nhiên được mà cần phải có nguồn thức ăn quanh năm nên tôi đã đầu tư trồng 1 sào cỏ. Nuôi bò còn giúp gia đình có thêm nguồn phân chuồng cho vườn cà phê, giảm bớt chi phí đầu tư”. Được biết, hiện tại hầu hết các gia đình thanh niên trong nhóm cùng sở thích nuôi bò đã học hỏi và biết cách ủ phân chuồng, phân vi sinh để bón cho cây trồng, giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập.
Theo chị Phạm Thị Hồng Tươi, Bí thư Đoàn xã Đắk D'rô thì xuất phát từ tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như nguyện vọng của các bạn trẻ, Đoàn xã đã định hướng và phối hợp với Dự án chăn nuôi bò của huyện để giúp các gia đình thanh niên nghèo, dân tộc thiểu số có thêm nguồn vốn, điều kiện phát triển chăn nuôi bò.
Đặc biệt, việc thành lập nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò là nhằm tập hợp các bạn trẻ lại với nhau, học tập nhau cách làm ăn và hỗ trợ các thanh niên khác trong giai đoạn khởi nghiệp. Hàng tháng, nhóm sinh hoạt một lần, các thành viên cùng trao đổi những kinh nghiệm chăn nuôi, cách phòng bệnh cho đàn gia súc theo mùa, theo thời điểm. Thông qua sinh hoạt nhóm, các thành viên cũng ngày càng thắt chặt tình đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ về mọi mặt, từ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi cho đến xây dựng gia đình hạnh phúc.
Vì vậy, cùng với việc huy động các nguồn vốn để giúp đỡ thì Đoàn xã cũng đang tiếp tục khuyến khích, vận động các bạn trẻ hình thành thêm những nhóm cùng sở thích trong các lĩnh vực sản xuất. Đây cũng là cách để đa dạng hóa hình thức tập hợp thanh niên nông thôn để các bạn trẻ cùng quy tụ, sinh hoạt dưới sự quản lý, hướng dẫn của tổ chức Đoàn, phát huy sức trẻ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Vụ mía đường 2014 - 2015, thời tiết khô hạn kéo dài, giá đường xuống thấp, tiêu thụ chậm đã gây không ít khó khăn cho các nhà máy. Tuy nhiên, các nhà máy đường vẫn tập trung triển khai vụ ép mới, nâng cao năng suất để sẵn sàng cho một vụ ép mới hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Xuân Trương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hiện nay phong trào chăn nuôi ở xã đang phát triển mạnh về số hộ lẫn đàn vật nuôi, ngoài nuôi heo, gà... thì mô hình chăn nuôi dê đang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Giun (trùn) quế có chứa trên 8% axit, khi sử dụng làm thức ăn chăn nuôi giúp vật nuôi ăn khỏe, chóng lớn, ít bệnh tật, cho thịt thơm ngon hơn hẳn so với vật nuôi thông thường. Ngày càng có nhiều hãng sản xuất thức ăn công nghiệp quan tâm đưa bột trùn trộn vào thức ăn chăn nuôi để tạo sự khác biệt so với thức ăn thông thường, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Tận dụng lợi thế của một địa phương miền núi, với nhiều diện tích vườn cây ăn quả, đồi rừng, người dân xã Thành Kim (Thạch Thành - Thanh Hóa) đã phát triển nghề nuôi ong mật. Từ những hộ nuôi ban đầu cho hiệu quả kinh tế cao nên xã đã khuyến khích các hộ có điều kiện nhân rộng đàn ong.

Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai cho hay, trong 6 tháng của năm 2015, các doanh nghiệp trên địa bàn đã nhập khẩu gần 1,1 triệu tấn bắp. Để nhập khẩu lượng bắp trên, các doanh nghiệp phải chi ra gần 259 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước thì bắp nhập khẩu tăng gần 60% về lượng và 75% về giá.