Nhọc Nhằn Làm Nông Sản Sạch

Họ đã từng háo hức làm bằng được nông sản sạch theo các quy trình GlobalGAP (chuẩn toàn cầu), VietGAP (chuẩn Việt Nam) để xin cấp giấy chứng nhận. Sau 1 năm chứng nhận hết hạn, tính toán lại số tiền bỏ ra làm GAP cao hơn nhiều so với tiền lời, nông dân lặng lẽ rút lui.
Tại Đồng Nai mới có duy nhất câu lạc bộ ổi ở xã Bảo Quang (TX. Long Khánh), nông dân tự bỏ tiền túi ra làm VietGAP. Còn lại, các hợp tác xã khác có được chứng nhận GlobalGAP, VietGAP đều do ngân sách hỗ trợ kỹ thuật và 100% kinh phí xét nghiệm mẫu và cấp giấy chứng nhận. Sau 1 năm, chứng nhận hết hạn hầu hết chỉ trông đợi vào ngân sách tiếp tục hỗ trợ để tái chứng nhận.
* Khó duy trì
Trong cái nắng gay gắt của ngày đầu tháng 11, chúng tôi tìm đến nhà ông Đào Tiến Chương ở ấp 4, phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa). Ông từng được nhiều người biết đến với chức danh phó chủ nhiệm hợp tác xã (HTX)rau sạch đầu tiên của tỉnh. Ông Chương tiếc nuối: “Giấy chứng nhận VietGAP của HTX đã hết hạn vào cuối năm 2012. Các xã viên trong HTX thấy xin tái chứng nhận mất thêm một khoản tiền lớn mà rau chỉ bán như giá rau chợ, nên mọi người đều từ chối tái chứng nhận. Và HTX xã vì thế đầu năm 2013 đành giải thể”.
Riêng ông Chương vẫn tâm huyết với việc làm rau VietGAP nhưng lực bất tòng tâm. Vì theo tính toán của ông, có chứng nhận rau VietGAP, siêu thị Co.opMart Biên Hòa sẽ đặt mua rau, nhưng cộng lại tiền lời cả năm từ bán rau cho siêu thị chỉ được chừng 15 triệu đồng, bằng nửa số tiền bỏ ra xin tái chứng nhận. Ông Chương còn chia sẻ thêm: “Chỉ cần ký được hợp đồng tiêu thụ rau sạch với vài đơn vị, dù lợi nhuận không cao tôi cũng cố gắng duy trì chứng nhận VietGAP. Bởi mình đã sản xuất được theo quy trình GAP bây giờ bỏ tiếc quá”.
Ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), nói: “Chứng nhận VietGAP, GlobalGAP của HTX bưởi đã hết hạn. Nếu Nhà nước không hỗ trợ tiếp thì các xã viên không đủ khả năng xin tái chứng nhận”. Thực tế, nông dân chưa mặn mà với việc tái chứng nhận GAP là vì có hay không chứng nhận, đa số hàng của họ cũng bán như hàng trôi nổi.
* Thất bại vì quy trình ngược
Theo nhận định của một số nhà khoa học, nhu cầu của xã hội ngày càng đòi hỏi các sản phẩm phải sạch. Tuy nhiên, không phải vì lý do đó là cứ phải bỏ tiền ra làm để có bằng được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Sau đó, không tìm được thị trường nông dân lại bỏ quay về lối sản xuất cũ. Cách làm này gây lãng phí ngân sách và công sức của nông dân, trong khi hiệu quả lại thấp. Cụ thể, để làm được một mô hình VietGAP phải tốn gần 400 triệu đồng, còn GlobalGAP thì tốn gần gấp đôi. Sau 1 năm hết hạn, xin cấp lại chứng nhận mất từ 30-80 triệu đồng/chứng nhận.
Tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch Hiệp hội làm vườn Việt Nam, nhận định: “Chúng ta đang làm theo quy trình ngược, đó là giúp nông dân đạt GlobalGAP, VietGAP rồi mới đi tìm thị trường, khi không tìm được thị trường lại bỏ, gây lãng phí rất lớn. Vì thế nên vận động nông dân sản xuất theo quy trình an toàn để có nông sản sạch. Khi tìm được thị trường chắc chắn mới tăng thêm một số khâu và bỏ kinh phí ra làm GlobalGAP”.
Theo tiến sĩ Võ Mai, hiện nay nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP có thể xuất vào Mỹ. Vì thế, Nhà nước ban hành nhãn VietGAP và có quy định xử phạt nặng khi phát hiện nông sản không an toàn. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, kết nối để sản phẩm sạch tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Thực tế, làm VietGAP, GlobalGAP với nông dân không khó, nút thắt vẫn là thị trường tiêu thụ. Đơn cử như Câu lạc bộ ổi Bảo Quang (TX.Long Khánh) ký được hợp đồng lâu dài với Siêu thị BigC với giá thấp nhất vẫn có lời khoảng 2 ngàn đồng/kg, nông dân tự hợp lại bỏ tiền túi ra làm VietGAP.
Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết:
“Tỉnh đã hỗ trợ được 6 HTX đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Hiện có 3 HTX chứng nhận đã hết hạn và nếu tỉnh không tiếp tục hỗ trợ thì các HTX này khó tự bỏ tiền xin tái chứng nhận. Vì có chứng nhận hay không, sản phẩm cũng bán cho thương lái như sản phẩm không an toàn và giá cả tương đương”. Do đó, chi cục đang đề xuất tỉnh kiến nghị Trung ương kéo dài thời hạn của chứng nhận GAP để giảm chi phí cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Với đàn heo khoảng 1,5 triệu con, đàn gà gần 14 triệu con, Đồng Nai được xem là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước. Từ năm 2008, tỉnh đã quy hoạch các vùng khuyến khích chăn nuôi tập trung để quản lý tốt vấn đề môi trường và kiểm soát về dịch bệnh.

Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tôm hùm giống, Trường Đại học Nha Trang đang triển khai đề tài: “Đánh giá tác động của nghề khai thác tôm hùm giống đến cảnh quan môi trường và nguồn lợi vịnh Nha Trang”.

Nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp và các đơn vị trong tỉnh có nhu cầu xây dựng chứng nhận quốc tế, ngày 1/6, Sở NN&PTNT Cà Mau phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan tổ chức khoá tập huấn xây dựng và thực hiện chứng nhận quốc tế nghề nuôi tôm tại Cà Mau cho các doanh nghiệp và các cán bộ đến từ các chi cục thuộc Sở NN&PTNT.

Trong tháng 5/2015, ngư dân huyện Thuận Nam vươn khơi đánh bắt xa bờ, ước sản lượng khai thác trong tháng đạt 1.220 tấn, tăng 2,4 lần so với tháng trước; nâng tổng sản lượng khai thác hải sản từ đầu năm đến nay lên 8.560 tấn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, một số loại hải sản xuất hiện dày... nên ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khai thác được hơn 43.100 tấn thủy sản, bằng 49% kế hoạch năm, trong đó khai thác cá ngừ đại đương mắt to, vây vàng được 1.702 tấn.