Nho Lạ Ngập Thị Trường

Nho Trung Quốc nhập về các chợ đầu mối nhưng khi bán lẻ lại được quảng cáo là nho Ninh Thuận hay nho Mỹ... khiến người tiêu dùng khó nhận biết
Thị trường TP HCM và một số tỉnh lân cận đang xuất hiện một loại nho “lạ” có màu tím nhạt, quả to, vỏ mỏng và không hạt được rao bán khắp nơi dưới mác "nho Ninh Thuận" với giá chỉ từ 20.000-30.000 đồng/kg.
Bán khắp nơi
Ghi nhận tại các chợ ở TP HCM như Gò Vấp (quận Gò Vấp), Bình Triệu (quận Thủ Đức), Thị Nghè (quận Bình Thạnh)..., nho “lạ” được bỏ lên kệ bày bán xen lẫn với các loại trái cây khác. Ghé vào một quầy bán trái cây tại chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh) hỏi mua nho, chúng tôi thắc mắc sao giống hàng Trung Quốc thì chủ quầy gắt gỏng: “Ở đây không bán trái cây Trung Quốc, nho này là hàng Ninh Thuận chính hiệu”.
Bên ngoài chợ, nho “lạ” được bán rất nhiều trên xe đẩy, xe đạp khắp các tuyến đường như xa lộ Hà Nội (quận 9), Quốc lộ 13, Quốc lộ 1 (quận Thủ Đức), Nguyễn Văn Cừ (quận 5), Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh), Nguyễn Văn Linh (quận 7)… Trên các xe đều treo bảng giới thiệu là nho Ninh Thuận. Nho được bày bán có màu tím nhạt, trái to như nho Mỹ, ít hạt, mỗi chùm nặng từ 500-700 g và nho xanh, trái nhỏ không hạt, ăn có vị chua.
Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ nhân thương hiệu nho Ba Mọi nổi tiếng ở Ninh Thuận, cho biết hiện tại không phải mùa thu hoạch chính của nho Ninh Thuận nên sản lượng không nhiều. Tỉnh Ninh Thuận chưa trồng được loại nho xanh không hạt nên nếu trên thị trường, người bán quảng cáo nho xanh không hạt là nho Ninh Thuận chắc chắn không phải.
“Trong tổng số 1.200 ha nho ở Ninh Thuận chỉ có 100 ha trồng nho xanh nên sản lượng cung cấp cho thị trường rất hạn chế. Về nho đỏ, trước đây Ninh Thuận có trồng loại nho đỏ trái to (giống nho Trung Quốc) nhưng không hiệu quả” - ông Nguyễn Văn Mọi khẳng định.
Chủ yếu là nho Trung Quốc
Anh Nguyễn Tấn Bình, một người có kinh nghiệm trồng nho lâu năm ở Ninh Thuận, khẳng định loại nho bán trên các tuyến đường hoặc chợ ở TP HCM không phải nho Ninh Thuận mà là nho Trung Quốc. Người bán lấy hàng ở các chợ đầu mối rồi ghi nho Ninh Thuận giá rẻ để dễ bán.
“Nho Ninh Thuận có nhiều loại, trong đó 2 loại ăn tươi là nho đỏ và nho xanh được bán phổ biến nhất, giá bán lẻ ngoài thị trường khoảng 50.000 đồng/kg nho đỏ và 60.000 đồng/kg nho xanh. Khi bỏ vào tủ lạnh thì ruột vẫn chặt, không bị nhão. Trong khi đó, nho đỏ Trung Quốc trái to, vỏ mỏng, để trong tủ lạnh lấy ra ruột trở nên bở và nhão” - chị Nguyễn Thị Nga, tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP HCM), cho biết.
Có mặt tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vào tối 8-10, tại khu bán trái cây có hàng chục xe tải thùng lạnh đang đổ về, bên trong chứa trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có các loại nho xanh, nho đỏ. “Đợt này nho Trung Quốc có hàng nhiều, giá rẻ nên nhiều người lấy về bán, mỗi vựa một đêm bán chừng 10-15 tấn” - theo một chủ vựa trái cây tên là Hồng.
Theo quan sát của chúng tôi, những thùng nho được đưa ra khỏi xe đều in chữ Trung Quốc. Đến rạng sáng, khi các tiểu thương mua nho sỉ để đưa về các chợ lẻ thì những người bán rong cũng xuất hiện lấy hàng. Các chủ vựa đổ ra từng thùng nhỏ để người mua lựa hàng, sau đó gắn mác nho Ninh Thuận, Phan Rang vào nên người tiêu dùng khó biết xuất xứ thật.
Có thể bạn quan tâm

Nhiều đề tài, dự án trồng nấm bước đầu có hiệu quả như “Xây dựng mô hình SX nấm dược liệu, nấm thực phẩm cao cấp” của Cty nấm Thuận Thái, “Xây dựng nhân rộng mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu” của Trường CĐ Công nghệ & kinh tế Bảo Lộc, “Xây dựng mô hình trồng một số loại nấm ăn có giá trị dinh dưỡng cao” của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm NLN Lâm Đồng...

Theo đánh giá của huyện, trong 6 tháng qua, tình hình nuôi tôm biển cực kỳ khó khăn, tôm chết hàng loạt dẫn đến nhiều thiệt hại lớn cho người nuôi. Năm nay, tiến độ thả giống nuôi tôm biển rất chậm, toàn huyện chỉ thả khoảng 13.000 ha so kế hoạch 16.000 ha, đạt 85% kế hoạch năm, so cùng kỳ giảm 14% (2.231 ha).

Phòng chống dịch bệnh thủy sản đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách trong bối cảnh nước ta tiếp tục đẩy mạnh XK và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, hệ thống quản lý giám sát dịch bệnh, thú y thủy sản ở các địa phương lại chưa thống nhất và xuyên suốt, thiếu đội ngũ cán bộ, thiếu nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế chính sách về thú y thủy sản... Hàng năm, dịch bệnh vẫn xảy ra ở nhiều địa phương và người nuôi thủy sản vẫn phải âm thầm chịu đựng tổn thất!

Tận dụng tối đa diện tích đất cho phép sử dụng/tổng diện tích đất rừng được nhà nước giao khoán để nuôi trồng thủy sản (TS), người dân huyện An Minh (Kiên Giang) đã liên tiếp giành được thắng lợi trong từng mùa vụ.

Mô hình trồng nhãn xen cây màu cho thu nhập trên 50 triệu đồng/vụ của anh Hoàng Ngọc Chung ở thôn Bản Nhuần I - xã Quảng Chu (Chợ Mới, Bắc Kạn) đang được xem là cách làm mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao và cần được nhân rộng.