Nhổ Bắp Cải Tặng... Bếp Ăn Từ Thiện

Thương lái hạn chế mua, giá bắp cải tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long) hiện chỉ còn từ 1.200- 1.500 đ/kg, khiến hàng trăm người trồng ở đây lâm vào cảnh thua lỗ. Nhiều người bỏ phế ngoài ruộng hoặc thu hoạch tặng cho bếp ăn từ thiện ở các bệnh viện.
Ghi nhận tại xã Thành Lợi, hàng trăm công bắp cải nằm sát nhau đã đến ngày thu hoạch nhưng bị bỏ phế, lăn lóc ngoài đồng. Nhiều ruộng bắp cải quá lứa thu hoạch nhiều ngày nên thối nhũn và bốc mùi khó chịu.
Ông Phạm Văn Năm (ấp Thành Nhân) cho biết, sau hơn 3 tháng chăm sóc, hơn 2 công bắp cải đã huốt ngày thu hoạch nhưng chưa bán được bắp nào, vì giá rẻ bèo. Thương lái đến mua với giá 1.200 đ/kg. “Sợ tiền bán không đủ trả công, hổm rày tôi chặt một mớ đem cho mấy bếp ăn từ thiện ở bệnh viện để tranh thủ làm đất trồng thứ khác”.
Gần đó, ông Nguyễn Văn Sơn cũng ngậm ngùi nhìn hơn 2 công bắp cải bắt đầu hôi thối mà chưa bán được. Thương lái ngã giá mua chỉ 1.000 đ/kg, trong khi trước tết còn ở mức 5.000đ.
Theo ông Sơn, trung bình mỗi công bắp cải thu hoạch khoảng 2 tấn, nếu khoảng 2.000 đ/kg thì có thể phá huề nhưng với giá hiện nay mỗi công người trồng lỗ vài triệu đồng.
“Chưa có năm nào giá cả bèo như lúc này. Vợ tui thấy tiếc nên hổm rày chặt lớp cho bếp ăn từ thiện, lớp bày ra ven lộ bán xổ nhưng cũng ế ẩm, vì bắp cải hiện ở đâu cũng có”- ông Sơn ngậm ngùi.
Đáng buồn nhất, theo nhiều nông dân, những vụ trước dù giá cả có sụt giảm nhưng ngoài ở địa phương thì các thương lái các tỉnh lân cận cũng đến đặt hàng, thu mua số lượng lớn. Riêng năm nay, đội ngũ này vắng bóng. Bắp cải phần lớn chỉ sử dụng ăn tươi, ít được chế biến nên khi rớt giá không ít nông dân chỉ biết… nhổ bỏ.
Theo ông Lê Văn Trung- Chủ nhiệm Hợp tác xã Rau an toàn Thành Lợi, hiện xã Thành Lợi còn khoảng 50 công bắp cải chưa thu hoạch. Không ít nông dân không chờ được giá đành bán tháo để làm đất trồng loại khác.
Tại xã Tân Bình- nơi có hàng chục hecta bắp cải đang bị bỏ rơi. Ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND xã cho biết: “Giá giảm mạnh từ sau tết đến nay, dù diện tích trồng không tăng, hơn 10ha. Nguyên nhân có thể do nhiều tỉnh khác cũng ồ ạt trồng và thu hoạch cùng lúc nên xảy ra cảnh dội chợ”.
Cùng nhận định, theo anh Hoàng- thương lái mua bắp cải tại đây, mỗi ngày thu hoạch hàng chục tấn, trong khi phần lớn bắp cải chỉ tiêu thụ ở các chợ nhỏ lân cận.
Năm nay phần lớn nông dân hạn chế xuống dịp tết mà “đón” thời điểm sau tết, xuống giống đồng loạt nên dội chợ. Không chỉ vậy, tại Bình Tân, qua tìm hiểu, nhược điểm của nghề trồng rau màu ở đây tồn tại nhiều năm qua là mạnh ai nấy làm, khi bán và giá cả phụ thuộc sức tiêu thụ của phiên chợ.
Còn theo nhiều nông dân cho rằng, họ vẫn còn gặp khó khăn do thiếu thông tin thị trường và kênh tiêu thụ ổn định, trong khi để rau màu có thể vào những thị trường lớn như siêu thị, nhà hàng thì không đủ vốn đầu tư.
Nhiều rau màu còn nửa giá
Nhiều nông dân trồng dưa hấu đón giá sau tết khóc ròng khi thương lái mua tại ruộng chỉ còn 2.000 đ/kg. Củ cải trắng, củ cải đỏ hiện chỉ còn nửa giá so trước tết, chỉ 3.000- 5.000 đ/kg; khổ qua, cà chua, dưa leo chỉ còn 2.000- 3.000 đ/kg.
Nhiều nông dân cho biết, tình trạng rớt giá kéo dài từ sau tết đến nay. Nhiều ruộng tới kỳ thu hoạch nhưng không ít nông dân đành “neo” lại vì sợ… lỗ tiền công. Trong khi, nhiều tiểu thương tại chợ dự đoán, giá các loại rau củ có thể sẽ tiếp tục giảm do đang vào mùa.
Có thể bạn quan tâm

Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2013, ngư dân tỉnh Bạc Liêu đã khai thác gần 20.000 tấn thủy sản các loại, trong đó tôm đạt gần 2.800 tấn, còn lại là các loại thủy sản khác như cá và mực. Hiện tại, dù giá thủy sản không tăng so với năm trước, nhưng hầu hết ngư dân đều có lãi sau mỗi chuyến biển vì đạt sản lượng. Cụ thể, đối với tàu lưới lãi từ 1 - 3 triệu đồng/ngày, nghề lưới cá chim lãi từ 12 - 17 triệu đồng/chuyến/5 - 6 ngày; nghề lưới tôm thẻ lãi 6 - 10 triệu đồng/chuyến; nghề lưới cá chét lãi từ 10 - 15 triệu đồng/chuyến/ 3 - 4 ngày… Riêng tàu đánh bắt xa bờ, lãi từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng/chuyến đi biển từ 1 - 3 tháng.

Nghề nuôi ong lấy mật ở xã Thạnh Tây đã có từ khá lâu, tuy nhiên trước đây phần lớn là do Vườn quốc gia Gò Gò - Xa Mát tổ chức nuôi. Đến khoảng đầu năm 2013, khi VQG mở lớp đào tạo kỹ thuật và cung cấp con giống cho người dân ở xã Thạnh Tây thì nghề nuôi ong lấy mật mới được nông dân tiếp cận và phát triển. Tuy đây là một mô hình còn khá mới mẻ nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT Co.) cho biết, công ty đã ký hợp đồng đại lý độc quyền và tiêu thụ nhiều mặt hàng thủy sản với thương hiệu APT tại Hàn Quốc. Ngoài ra, công ty hiện đang sản xuất thêm nhiều mặt hàng thủy sản tinh chế như chả giò, chạo tôm, há cảo… và thủy hải sản khô như cá chỉ vàng, cá điêu hồng... để chào hàng vào thị trường EU, Nhật, Hàn Quốc… Đây là nhóm mặt hàng giá trị gia tăng đem lại hiệu quả cao.

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi cá tra của thành phố là 667 ha bằng 96% so với cùng kỳ năm 2012. Sản lượng thu hoạch 12.095 tấn, bằng 66% so với cùng kỳ, năng suất bình quân 212 tấn/ha. Trong tháng 1 và 2, giá cá tra nguyên liệu từ 19.500 – 20.000 đồng/kg, các hộ nuôi lỗ từ 3.500 – 4.000 đồng/kg. Sang đầu tháng 3, giá cá tra nguyên liệu đã tăng lên 22.500 – 23.000 đồng/kg, các hộ nuôi hòa vốn. Về tình hình sản xuất giống cá tra, sau thời gian phát triển nóng từ năm 2012, đến nay, diện tích ương cá tra giống chỉ bằng 56 % so với cùng kỳ năm 2012 tương đương 595 ha, với sản lượng ước đạt 128 triệu con. Nguyên nhân khiến diện tích ương nuôi cá tra giống giảm là do cung vượt cầu trong năm 2012 khiến tình hình tiêu thụ khó khăn. Hiện tại, giá cá tra giống loại 2 phân (2 cm) đã tăng nhẹ lên 25.000 đồng/kg nhưng nguồn thả nuôi còn thấp.

An Giang là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó cây màu phát triển rất mạnh và còn nhiều tiềm năng. Để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đó, đặc biệt là tạo ra sản phẩm sạch chất lượng, năng suất cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh đang triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số địa phương, trong đó huyện An Phú được chọn thí điểm 2 mô hình ở xã Phú Hữu và Khánh An.