Nhiều Rủi Ro, Nông Dân Bỏ Nuôi Tôm Hùm?

Từng được xem là thế mạnh kinh tế đối với vùng ven biển Nam Trung bộ, vậy mà giờ đây, nhiều người lại không còn mặn mà với nghề nuôi tôm hùm.
Niềm vui thường thấy của người dân tỉnh Khánh Hòa trong những dịp thu hoạch tôm hùm hầu như không còn mà thay vào đó là âu lo. Số tiền bán tôm chẳng thể nào giúp họ trang trải chi phí chứ chưa nói lời lãi.
Một phép tính rất đơn giản, năm nay, giá tôm hùm giống ở mức cao 400.000 đồng/con. Để có được một con tôm hùm xuất bán, phải mất đến 15 - 18 tháng nuôi, chi phí thức ăn không hề nhỏ. Trong khi đó, thời điểm hiện tại, giá tôm hùm chỉ từ 1,2 - 1,4 triệu đồng.
Nhiều nông dân cho rằng, giá thấp là một chuyện, còn một chuyện khác đẩy người nuôi tôm vào chỗ lao đao là do năm nay, tỷ lệ hao lụt trong quá trình nuôi lên đến 50%. Thả nuôi 10 con giống, đến lúc thu hoạch chỉ còn 5 con, vừa mất tiền giống, vừa mất chi phí thức ăn
Ông Phan Tiến Dũng, Xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tôm mắc nhiều bệnh như bệnh sữa, đen mang, trước đây nuôi không tốn còn bây giờ, cứ nửa tháng, đánh thuốc mất 2 triệu đồng”.
Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa là vùng nuôi tôm hùm có tiếng của cả khu vực miền Trung. Năm nay, cứ 10 lồng bè nuôi tôm hùm thì 7 - 8 lồng bè gặp sự cố tôm bị chết. Nhiều loại bệnh cùng xuất hiện trên tôm hùm, khiến cho người nuôi tôm phải tiêu tốn vào đây khoản tiền không hề nhỏ để trị bệnh tôm.
Tất cả những điều này đã khiến cho đa phần các hộ nuôi tôm hùm đều không có lãi. Đây cũng là thực tế chung ở nhiều vùng nuôi tôm hùm.Vậy là một hiện tượng xảy ra những người lâu nay đầu tư nuôi tôm hùm, nay rút lại vốn. Những người còn cầm cự với nghề nuôi tôm không còn tiền để mà tái đầu tư.
Cả nước có trên 49.000 lồng nuôi tôm hùm, trong đó Phú Yên có 29.000 lồng, Khánh Hòa 19.000 lồng. Tuy nhiên con số này đang có sự biến động khi trong năm nay, nhiều lồng nuôi tôm hùm bỏ trống hoặc chuyển sang các đối tượng thủy sản khác, mặc dù các nhà chuyên môn đã đưa ra khuyến cáo.
Tiến sĩ Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III khuyến cáo: “Bà con nên chú ý những vấn đề như là thức ăn. Thức ăn cho tôm hùm là thức ăn tươi, nên phải làm sao cho thức ăn tốt hơn, tránh nhiễm khuẩn. Khuẩn ở đây hiểu là phải làm sao cho thức ăn hết ôi thiu”.
Sản lượng tôm hùm nuôi hàng năm của cả nước đạt trên 2.000 tấn. Với giá thị trường từ 1 - 1,5 tỷ đồng/tấn, tôm hùm nuôi mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, sẽ khó giữ ổn định cho ngành kinh tế biển được xem là mũi nhọn nếu như chưa giải quyết được bài toán quy hoạch vùng nuôi gắn với thị trường cũng như cơ chế kiểm soát môi trường nước từng vùng nuôi. Vấn đề này từng đặt ra từ lâu, song đến nay vẫn là bài toán khó ở các địa phương ven biển.
Có thể bạn quan tâm

Việc sử dụng lờ dây (ngư cụ chủ yếu đánh bắt cá nhỏ) trên đầm Thủy Triều, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, do chưa có biện pháp chế tài hiệu quả để răn đe, nên chính quyền địa phương khó giải quyết dứt điểm vấn nạn này.

Hơn 3 tháng trở lại đây, mô hình kết bè nuôi ốc cháy (một đối tượng nhuyễn thể 2 mảnh vỏ) phát triển khá mạnh ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Hiện toàn tỉnh Cà Mau có 876 cơ sở sản xuất giống và 223 cơ sở kinh doanh giống thuỷ sản phục vụ nhu cầu giống cho người nuôi, trong đó có 4 hợp tác xã (HTX) và 25 doanh nghiệp. Hằng năm, các cơ sở này đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, còn lại phải nhập tỉnh khoảng 60%. Theo đó, có trên 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống nhập vào Cà Mau.

Ông Võ Minh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) cho biết, triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP, đối với lĩnh vực cá tra, NHNN đã phê duyệt cho 02 doanh nghiệp là Công ty TNHH Hùng Cá và Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An thực hiện 02 dự án liên kết sản xuất và xuất khẩu cá tra được tham gia chương trình. Việc thí điểm cho vay theo mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và xuất khẩu cá tra đã mang lại những kết quả ban đầu đáng khích lệ.

Nhằm mục tiêu cải thiện công tác quản lý nghề cá ven bờ theo hướng bền vững tại các tỉnh duyên hải được lựa chọn của Việt Nam, tăng cường năng lực thể chế cho ngành thủy sản trong việc quản lý bền vững các nguồn lợi, thúc đẩy các biện pháp thực hành tốt trong NTTS bền vững; và thực hiện các quy trình thực hành tốt vì sự bền vững của ngành khai thác thủy sản ven bờ. Mô hình trình diễn đa dạng hóa của Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD), nhằm đa dạng các đối tượng nuôi trồng thủy sản để người nuôi có thể chọn lựa sản xuất phù hợp với điều kiện của vùng và đạt hiệu quả kinh tế cao.