Nhiều nước Đông Nam Á thiếu gạo

Giám đốc Hội đồng Cơ quan Lương thực quốc gia (NFA) - ông Renan B. Dalisay cho biết bão Koppu tràn vào vùng Đông Bắc Philippines cuối tuần qua đã làm thiệt hại 400.000 tấn thóc, tương đương 5% sản lượng thóc gạo của đất nước trong mùa thu hoạch cao điểm hiện nay.
Do đó, NFA đã yêu cầu các nhà chức trách thuộc Văn phòng tổng thống và Bộ Ngân sách mua thóc của khoảng 80.000 nông dân ở miền Bắc Philippines bị ảnh hưởng của bão.
Xuất khẩu gạo tại cảng Hải Phòng.
Trong năm 2015, Chính phủ Philippines đã phê duyệt nhập khẩu 1,8 triệu tấn gạo, chủ yếu là từ Việt Nam và Thái Lan - hai nhà cung cấp gạo hàng đầu thế giới.
Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) cho biết, sản lượng lúa của nước này năm nay dự kiến đạt 18,86 triệu tấn, thấp hơn mức kỷ lục 18,97 triệu tấn của năm ngoái và mức mục tiêu 20,08 triệu tấn của Chính phủ.
Thời tiết khô hạn kéo dài tại Philippines đã ảnh hưởng tiêu cực đến vụ thu hoạch lúa 6 tháng đầu năm 2015.
Theo ước tính, thiệt hại nặng nề về sản lượng lương thực như gạo, ngũ cốc, hoa màu do cơn bão Koppu gây ra khoảng 137 triệu USD.
Chính phủ nước này cũng vừa cho phép nhập khẩu thêm 250.000 tấn gạo trong năm nay, nếu tình trạng hạn hán do hiện tượng thời tiết El Nino tiếp tục ảnh hưởng lớn đến sản lượng gạo trong nước.
Trong khi đó, theo TTXVN, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 21.10 đã công bố chấp thuận nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan để đảm bảo lượng gạo cung cấp cho thị trường trong nước và duy trì giá gạo ổn định.
Đây là lần đầu tiên ông xác nhận Indonesia sẽ nhập khẩu gạo từ nước ngoài.
Trước đó, Tổng thống Widodo đã nhiều lần khẳng định rằng dù sản lượng gạo của Indonesia năm nay thấp hơn dự tính nhưng vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu và quốc đảo này sẽ tự cung tự cấp gạo sớm hơn kế hoạch là năm 2017.
Với dân số 250 triệu người và gạo là lương thực chính thì gạo là mặt hàng thiết yếu đối với đất nước có dân số lớn thứ tư trên thế giới này.
Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, mùa khô năm nay kéo dài cộng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến 200.000ha lúa bị thiếu nước, trong đó có 30.000ha mất mùa hoàn toàn.
Điều này khiến cho sản lượng lúa của nước này trong năm nay không thể đạt mức 75,5 triệu tấn như ước tính trước đó của Cục Thống kê quốc gia Indonesia.
Indonesia đã đàm phán với các nhà sản xuất lúa gạo lớn trong khu vực về khả năng nhập khẩu dự phòng, theo đó Việt Nam đã đồng ý cung cấp 1 triệu tấn gạo trong khi Thái Lan chưa đưa ra con số cụ thể.
Tuy nhiên, Indonesia chưa xác định lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam vì còn cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có diễn biến thời tiết sẽ có thể làm thay đổi những dự đoán trước đó về mức độ mất mùa.
Giám đốc Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia Djarot Kusumayakti cho biết, lượng gạo dự trữ tính đến tháng 12.2015 dự kiến chỉ khoảng 62.000 tấn, trong khi cần phải dự trữ từ 1,5-2 triệu tấn mới có thể đáp ứng nhu cầu trước khi vào vụ thu hoạch mới đầu năm 2016.
Có thể bạn quan tâm

Mới đây đến xã Hoàng Tân (TX Quảng Yên - Quảng Ninh), chúng tôi được nghe giới thiệu về mô hình nuôi “Hà treo dây” của người dân xã. Đây là mô hình phát triển kinh tế mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện được nông dân trên địa bàn nhân rộng.

Là mô hình nuôi nhốt kiểu mới, song chuồng trình tường (còn gọi là chuồng đất nện) đang mang lại hiệu quả, được đồng bào vùng cao Lào Cai xem như “bảo bối” để bảo vệ đàn gia súc của họ trước mỗi mùa rét.

Sau khi giá tôm nguyên liệu các loại chững lại hồi đầu tháng 11, nay tiếp tục tăng giá. Theo đó, tôm sú loại 20 - 30 con/kg hiện có giá 285.000 - 310.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg so tuần trước. Giá tôm thẻ loại 40 - 50 con/kg hiện dao động trong khoảng 195.000 - 215.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 100 con/kg hiện cũng không dưới mức 145.000 đồng/kg, bình quân tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg trong vòng một tuần.

Rất nhiều người dân đã lựa chọn phải nguồn giống cà phê trôi nổi không được đảm bảo chất lượng, gây khó khăn cho việc tái canh cà phê

Theo người dân, biểu hiện ban đầu của bệnh là lợn bỏ ăn, ho, tiêu chảy, vàng da và cuối cùng dẫn đến chết. Tốc độ lây lan của bệnh nhanh đến mức chóng mặt đã gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân.