Nhiều Mô Hình Kinh Tế Ở Ngọc Linh Phát Huy Hiệu Quả

Trong nhiều năm qua, mô hình phát triển kinh tế gia đình được nhân dân xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) nhân rộng. Với kế hoạch xây dựng và phát triển nền kinh tế xã nhà, đây được xem là một trong những chiến lược phát triển kinh tế lâu dài nhằm nỗ lực xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
Đến nay, đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Xét về kinh tế thì Ngọc Linh là một xã sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp, cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tạ, xã vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao; trong số 1.061 hộ dân thì có tới 238 hộ nghèo và 206 cận nghèo, chiếm gần 50% số hộ của toàn xã.
Mặt khác, với đặc thù là xã có nhiều dân tộc cùng sinh sống (14 dân tộc), một số vùng dân cư sống không tập trung, đường đi lại còn gặp nhiều khó khăn nên việc huy động, khuyến khích người dân phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế...
Đứng trước nhiều khó khăn của người dân, nhiều năm qua, lãnh đạo huyện phối hợp với chính quyền xã Ngọc Linh chủ động tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế gia đình nhằm phát huy tối đa nguồn nội lực để vươn lên thoát nghèo.
Thông qua nguồn vốn hỗ trợ của các cấp chính quyền như hỗ trợ người dân vay vốn sản xuất, tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi... những hộ nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế theo chương trình “Vay vốn nuôi trâu sinh sản”.
Trong đó, mỗi hộ nghèo được vay 22 triệu đồng trị giá tương đương với một con trâu giống, Nhà nước hỗ trợ 3 năm không lãi suất. Ngoài ra, thực hiện đúng chủ trương theo Chương trình 135 cấp giống dê sinh sản cho hộ nghèo thuộc 5 thôn trong vùng kinh tế đặc biệt khó khăn là Nà Qua, Khuổi Khà, Nặm Đăm, Lăng Mu, Ngọc Quang.
Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn vốn sản xuất, nhân dân còn được hướng dẫn các quy trình kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi. Xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện như Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông... tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn và nâng cao kỹ thuật trong sản xuất cho người dân.
Nhiều năm qua, xã luôn có chủ trương khuyến khích người dân phát huy nội lực, phát triển kinh tế theo thế mạnh của địa phương. Từ lợi thế về địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng nên rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế theo hướng nông - lâm nghiệp kết hợp.
Qua sự hỗ trợ, đến nay xã đã có nhiều gia đình thoát nghèo nhờ thực hiện mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Điển hình như gia đình anh Phạm Trung Thành ở đội 5 thoát nghèo vươn lên làm giàu với mô hình tổng hợp sản xuất chè - kinh doanh - chăn nuôi trâu - phát triển vườn rừng đã mang lại thu nhập 450 triệu đồng/năm.
Hộ Lê Văn Lợi ở thôn Ngọc Hà, thu nhập 350 triệu đồng/năm với việc phát triển trồng chè – mía đường – chăn nuôi lợn. Hiện tại, toàn xã đã có gần 30 mô hình kinh tế có thu nhập từ 100 triệu đồng đến gần 500 triệu đồng/năm, thu nhập của các mô hình này tăng lên theo từng năm.
Theo thống kê của xãm, tổng thu nhập do các mô hình này mang lại năm nay sẽ lên tới trên 5 tỷ đồng. Gần đây nhất, xã đã thực hiện Đề án trồng cây chanh leo của huyện, bước đầu cho thấy đặc điểm của loại cây này phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây.
Trong trồng trọt, năm nay xã cũng bắt đầu đem các loại giống ngô lai năng suất cao phổ biến cho người dân như PAC 339, PAC 999, PAC 293, ngô nếp 172. Trong thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng phát triển mô hình, nhân rộng diện tích cây trồng có năng suất cao theo chủ trương và đề án của huyện, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân nâng cao đời sống vươn lên thoát nghèo.
Với những kết quả từ thực tiễn mà các mô hình kinh tế đã mang lại cho thấy sự phát triển và hướng đi đúng cho ngành nông nghiệp của xã. Nhưng để phát triển rộng rãi và hiệu quả hơn nữa góp phần XĐGN cho người dân ở những vùng khó khăn thì cần nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của các cấp chính quyền.
Có thể bạn quan tâm

Nông dân trồng ớt ở ấp Vĩnh Khánh, xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu, An Giang) đang vào mùa thu hoạch. Anh Nguyễn Văn Sang – ngụ ấp Vĩnh Khánh cho biết: Năm rồi anh trồng thí nghiệm 2 công ớt, sau khi trừ chi phí và công chăm sóc anh thu lãi hơn 30 triệu đồng.

Nguy cơ tái phát cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng từ nay đến cuối năm là khá cao, việc tăng cường ý thức phòng chống dịch cho người chăn nuôi, hộ sản xuất kinh doanh ấp nở trúng gia cầm là yếu tố quan trọng

Thời điểm này là lúc bà con nông dân phải xuống đồng để làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa đông xuân. Nhưng, nhiều cánh đồng vẫn còn lênh láng nước, chưa được đấu úng nên nhiều nguy cơ vụ đông xuân sẽ gieo cấy chậm trể.

Nấm rơm là loại nấm dễ trồng, có giá trị dinh dưỡng và dược liệu cao nên ngày càng được nhiều nông dân tham gia sản xuất. Việc trồng nấm rơm trái vụ ngay trên đồng ruộng giúp tiết kiệm chi phí nhà xưởng, tận dụng nguồn nguyên liệu rơm rạ sẵn có, đồng thời có thể đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất theo ý muốn của nông dân.

Từ nhiều năm nay người dân xã A Vao, huyện Đakarông (Quảng Trị) đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả trên một diện tích đất sản xuất. Trong đó, mô hình phát triển, trồng và khai thác cây bời lời đỏ được triển khai ban đầu đã cho hiệu quả tích cực, góp phần không nhỏ trong việc giảm nghèo bền vững.