Nhiều Mặt Hàng Giảm Theo Giá Xăng

Nhiều mặt hàng thiết yếu tại TP. Hồ Chí Minh đã được điều chỉnh giảm giá khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm, riêng giá một số dịch vụ như: vận tải, du lịch… vẫn giữ nguyên.
Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc truyền thông Big C Việt Nam - cho biết, từ đầu năm tới nay, giá xăng giảm nhiều lần nhưng trên thực tế mỗi lần chỉ giảm ở mức vài trăm đồng nên các nhà cung cấp không điều chỉnh giá tương ứng. Tuy nhiên, lần giảm giá ngày 7/11 nhiều hơn nên siêu thị sẽ có công văn đề nghị nhà cung cấp xem xét lại mức giá hàng hóa hợp lý.
Về phía nhà sản xuất, ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty Vissan - cho hay, các sản phẩm thịt heo bán ra của Vissan hiện nay đang giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg (tùy loại). Lý do giảm được ông Mười thông tin rằng một phần do giá heo hơi trên thị trường giảm, cộng theo đó là giá xăng dầu cũng giảm liên tục trong suốt thời gian qua.
Đối với các mặt hàng thực phẩm khác, tại thị trường TP.Hồ Chí Minh cũng đã có sự điều chỉnh giá từ 1.000 - 5.000 đồng. Cụ thể, giá thịt vịt giảm 5.000 đồng/kg (từ 70.000 đồng xuống còn 65.000 đồng/kg), giá trứng gà, vịt giảm 1.000 đồng/chục (trứng gà còn 23.000 đồng/chục, trứng vịt 32.000 đồng/chục), giá thịt heo cũng giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg tùy loại…
Theo Sở Tài Chính TP.Hồ Chí Minh, các mặt hàng giảm giá trên chủ yếu nằm trong chương trình hàng bình ổn và được tính toán trên cơ sở giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng giảm trong thời gian qua.
Mặt khác, việc giảm giá này là do doanh nghiệp (DN) góp phần kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh sức mua chung trên thị trường thấp, nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Lần giảm giá xăng ngày 7/11 khá nhiều (950 đồng/lít), nên nhiều DN và siêu thị đã và sẽ xem xét lại mức giá hàng hóa hợp lý, góp phần kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh sức mua chung trên thị trường thấp, nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng sẵn sàng giảm giá sản phẩm tương ứng với mức giảm của giá xăng dầu. Ông Nguyễn Quốc Chính - Phó giám đốc điều hành Công ty Vận tải Bắc Nam - chia sẻ, dù lần này xăng dầu giảm mạnh hơn nhưng vận tải hiện đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nên cần phải tính toán lại mới đưa ra mức phí hợp lý được.
Theo ông Chính, ngành vận tải hàng hóa đang bị “siết trọng tải” nghiêm ngặt nên thời gian qua cước tăng chủ yếu là do nguyên nhân này và giá xăng dầu chỉ là một trong những nguyên nhân cấu thành nên giá vận tải.
Cùng quan điểm, ông Cao Tùng - Phó giám đốc Trung tâm Lữ hành (Công ty Du lịch Bến Thành) - cho biết, giá tour du lịch thời gian tới vẫn giữ nguyên.
Theo ông Hồ Đức Lĩnh - Giám đốc Công ty Thương mại Hồ Gia (quận 6) - giá hàng hóa trên thị trường lâu nay mỗi khi đã lên thì không xuống, hoặc xuống rất ít, nghịch lý này đã trở thành “bệnh khó chữa” của thị trường bán lẻ hiện nay. Các mặt hàng thiết yếu giá bán cao ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến người dân trong khi nhà sản xuất, nhà nước không được hưởng lợi.
Hàng hóa giá cao khiến sức mua giảm hẳn. “Để hàng hóa có mức giá phù hợp, nhà nước cần tăng cường khâu kiểm soát giá để xem nguyên nhân tại đâu? Ai là người thụ hưởng lớn trong chuỗi cung ứng hàng hóa ra thị trường” - ông Lĩnh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm

Ông Huỳnh Văn Ánh, Phòng NN- PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, vụ xuân hè năm nay nông dân trên địa bàn huyện gieo trồng khoảng 250ha đậu xanh, tập trung nhiều nhất ở những khu vực bãi bồi ven sông thuộc các xã Duy Châu, Duy Trinh, Duy Thu, Duy Tân, thị trấn Nam Phước. Năng suất đậu xanh đạt 18-20 tạ/ha, tăng 1-3 tạ/ha so với vụ sản xuất năm ngoái.

Những năm qua, nông dân huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã phát triển nghề trồng kiệu, vừa giải quyết việc làm vừa mang lại nguồn lợi kinh tế trên vùng đất nhiễm phèn.

Nhà nước vay tiền làm hệ thống công trình thủy lợi, người phải trả là dân. Cứ theo nhận định trên của GS Võ Tòng Xuân, thì hóa ra lâu nay, ngoài việc ép giá nông dân để mua rẻ gạo, các DN xuất khẩu gạo của ta còn mang cả số tiền mà nhà nước phải đi vay để đầu tư cho hạt gạo, đi biếu không nước ngoài, trong khi họ đã giàu nứt đố đổ vách.

Dân gian có câu, “đánh rắn, phải đánh dập đầu”. Thế nhưng cách xử lí vi phạm đối với hành vi sử dụng chất cấm trong SX, kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TĂCN) ở ta hiện nay còn khá lúng túng.

Bà Chế, một thương lái nấm tại xã Hố Nai cũng lắc đầu ngao ngán: “Tôi thu mua hàng chục tấn nấm mà lượng bán ra rất chậm, gọi điện hỏi bạn hàng thì họ nói tạm thời ngưng mua vì phía Bắc “ăn” hàng chậm”. Hiện bà Chế đang tồn gần 80 tấn nấm, nếu không tiêu thụ nhanh, thiệt hại có thể lên đến cả tỷ đồng.