Nhiều Hộ Gia Đình Chính Sách Được Vay Vốn Ưu Đãi Phát Triển Kinh Tế

Những năm qua, thông qua nguồn vốn của các chương trình, nhiều thương, bệnh binh, chính sách trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định.
Điển hình như năm 2008, ông Trần Văn Minh, bệnh binh hạng 3/4, ở thôn Đắk Thanh, xã Đắk Sô (Krông Nô) được Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng.
Với số vốn này, gia đình ông đầu tư vào xây dựng chuồng trại và mua 3 con bê về nuôi. Hàng năm, tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào từ các phế phẩm nông nghiệp, đàn bê gia đình luôn phát triển khỏe mạnh và sinh sản tốt.
Đến năm 2011, sau khi trả được món nợ cũ 30 triệu đồng, gia đình ông lại được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình nước sạch vệ sinh môi trường và giải quyết việc làm. Được vay vốn, ông lại tiếp tục đầu tư mở rộng đàn bò. Đến nay, trong chuồng nuôi, gia đình ông luôn duy trì được 12 con bò. Trung bình, mỗi năm ông bán 2 lứa, mang lại thu nhập hơn 70 triệu đồng.
Ông Minh chia sẻ: “Có được như ngày hôm nay, một phần nhờ vào nguồn vốn của Ngân hàng CSXH. Bởi bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn, các bộ tín dụng, chính quyền địa phương còn thường xuyên thăm hỏi, động viên, hướng dẫn gia đình tiếp tục đầu tư mô hình đang mang lại hiệu quả”.
Tương tự, năm 2009, ông Trần Xuân Cải, thương binh hạng 2/7, ở thôn 7, xã Nam Bình (Đắk Song) được địa phương bình xét, tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước từ Ngân hàng CSXH thông qua chương trình giải quyết việc làm.
Bằng số vốn ban đầu, gia đình ông đã đầu tư thâm canh cà phê trên diện tích 5 sào. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, hàng năm, sau khi thu hoạch cà phê, ông lại lấy lợi nhuận mở rộng thêm diện tích và chăn nuôi để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Đến nay, với hơn 1 ha cà phê, cộng với nuôi gà, heo, mỗi năm, ông thu được lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.
Theo Ngân hàng CSXH tỉnh thì để giúp những hộ gia đình chính sách tiếp cận nguồn vốn, đầu tư vào sản xuất, thời gian qua, đơn vị đã làm tốt công tác phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cũng như các tổ chức đoàn thể trên địa bàn rà soát, thống kê danh sách những gia đình thuộc diện ưu đãi để làm cơ sở giải ngân nguồn vốn.
Công tác xét duyệt hồ sơ, thủ tục, bình xét đúng đối tượng, mức vay đã được đơn vị thực hiện hiệu quả. Hiện nay, toàn tỉnh có hàng trăm hộ thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách được tiếp cận vốn thông qua 10 chương trình cho vay, với mức dư nợ lên đến hàng chục tỷ đồng.
Chỉ tính riêng qua hai chương trình cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, toàn tỉnh có hơn 800 thương, bệnh binh, cũng như con em gia đình chính sách được tiếp cận, với nguồn vốn hơn 16 tỷ đồng.
Điều đáng mừng, sau khi tiếp cận được nguồn vốn, các hộ gia đình đều phát huy hiệu quả, trả lãi, nợ gốc đúng kỳ hạn. Nhiều mô hình, cách làm ăn mới đã được các thương, bệnh binh đưa vào sản xuất, qua đó, từng bước đưa cuộc sống vượt qua khó khăn và ngày càng khấm khá hơn.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện chỉ đạo của thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp với Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ xác định một số giống khoai mì mới, khuyến cáo đưa các giống khoai mì năng suất cao, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện hạn hán vào trồng đại trà ở Tây Nguyên, gồm: KM 140, KM 98-5, KM 98-7, KM 419, SM 939-26.
Sáng 8-5, gia đình anh Vũ Đại Vương (ngụ tại ấp 3, xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đã đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Mỹ tiến hành điều tra, truy tìm hung thủ đã chặt phá toàn bộ khu vườn điều của gia đình mình.

Nối tiếp thành công của năm 2014, ngành hồ tiêu 4 tháng đầu năm tiếp tục lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu dù sản lượng sụt giảm Tuy nhiên, ngay giữa thời cực thịnh, nhiều vấn đề cấp bách của cây hồ tiêu đã được đặt ra để ngày vui không chớm tàn và hạt tiêu Việt Nam không lâm vào cảnh được mùa rớt giá như hàng loạt loại nông sản khác.

Nhà vườn trồng cam sành ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang cho biết: Giá cam sành tăng mạnh và đang đứng mức giá khá kỷ lục so với tháng trước.

Theo thông tin từ Bộ NN - PTNT và từ hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, niên vụ vải thiều năm 2015, tổng sản lượng ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi.