Nhiều diện tích tôm nuôi bị thiệt hại

Ông Phạm Văn Tường, người nuôi tôm có tiếng ở xóm 6, Kim Đông cho biết: “Gia đình tôi đầu tư gần 50 triệu đồng thả nuôi 40 vạn tôm sú và tôm thẻ trên 10 mẫu đầm. Đến thời điểm này, chỉ còn giữ được 2 mẫu, 8 mẫu còn lại tôm chết gần hết, đánh rốc vớt vát được hơn chục triệu đồng”.
Theo ông Tường, đây là lần đầu tiên việc nuôi tôm bị thất bại nặng nề như vậy. Mấy năm trước, thời tiết thuận lợi, tôm phát triển bình thường, diện tích ao đầm của gia đình thu được 1,5 - 2 tấn tôm, thu nhập 200 - 300 triệu đồng. Cũng trong tình cảnh như ông Tường, gia đình anh Nguyễn Phúc Giám ở xóm 5, Kim Đông cũng có 2 mẫu nuôi tôm bị chết. “2 ao đầm tôi thả 12 vạn giống.
Cách đây 1 tháng, 1 ao bắt đầu có hiện tượng tôm chết, tôi đã xử lý thuốc, tăng cường chăm sóc nhưng vẫn không giữ được. Ao còn lại, mấy ngày qua lại có hiện tượng tôm chết rải rác, sáng nay phải gọi thương lái vào bán vội, do tôm còn nhỏ (300 con/kg) nên giá thấp không bù nổi tiền giống, đó là chưa kể tiền thức ăn, điện, hóa chất rồi còn bao nhiêu công sức bỏ ra” anh Giám buồn bã cho biết.
Trao đổi với đồng chí Trần Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Kim Đông được biết: Do điều kiện thời tiết nắng nóng, tôm nuôi liên tục bị chết ở các ao, đầm; tổng số hộ nuôi tôm bị chết từ 30 - 70% trên địa bàn xã đã lên tới 143 hộ với diện tích gần 73 ha.
Từ cuối tháng 4 đến nay, không chỉ riêng người dân Kim Đông lo lắng vì tôm chết mà tất cả các xã bãi ngang ven biển Kim Sơn như Kim Trung, Kim Hải cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đồng chí Trần Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết: Năm nay, toàn xã đưa vào nuôi hơn 320 ha thủy sản, bao gồm vùng nội đồng 209 ha, khu nuôi công nghiệp 43,6 ha, ao thổ cư nhân dân 24,22 ha, khu vực khác là 42,76 ha. Tổng lượng tôm giống đã thả vào khoảng 36,88 triệu con, trong đó tôm giống chất lượng cao, tôm của công ty trên 4 triệu con.
Đầu vụ tôm nuôi phát triển bình thường nhưng khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 ở một số ao thả trà đầu tôm bị chết và hiện tượng này kéo dài đến nay. Hiện, tổng số hộ có tôm nuôi bị chết là 204 hộ với diện tích trên 90 ha, lượng giống thiệt hại ước tính khoảng 120 triệu con.
Tìm hiểu nguyên nhân tôm chết, đa phần các hộ nuôi trồng thủy sản ở đây cho rằng do nắng nóng, tôm sốc thời tiết nên chết chứ không phải do dịch bệnh. Anh Nguyễn Phúc Giám, xóm 5, Kim Đông phân tích: “Chưa có mấy năm mà nắng nóng kéo dài như năm nay, nhiệt độ ngoài trời nhiều hôm tôi đo lên tới 39 - 40oC.
Nắng nhiều khiến pH nước tăng cao (khoảng 9,3 - 9,5), trong khi đó ngưỡng pH phù hợp cho con tôm chỉ là 7,5 - 8,5. Đồng chí Trần Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Kim Trung lý giải: Đại đa số ao nuôi của nhân dân về thiết kế đáy ao, bờ ao, cống điều tiết nước đều chưa đảm bảo được việc quản lý nguồn nước và môi trường ao nuôi.
Khi nước ngoài kênh cấp đầy thì người nuôi không phải mở cống mà nước vẫn ngấm đầy ao nuôi và khi nước rút cũng tương tự. Do thời tiết nắng nóng, nguồn nước trong ao nuôi có độ mặn cao, một số ao nuôi cao, trình nước không đủ nên nước quá nóng làm tôm bị chết. Bên cạnh đó, phần lớn các ao nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến hiện tại thả với mật độ dày, không có máy móc, thiết bị kỹ thuật hỗ trợ trong quá trình nuôi thả, ao thiếu ô xy nên tôm cũng bị chết.
Đại diện Chi cục Thú y tỉnh cũng cho biết: Trước tình trạng tôm nuôi bị chết, Chi cục đã cử cán bộ kỹ thuật xuống hiện trường nắm bắt tình hình, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân. Kết quả đánh giá bước đầu cho thấy, tôm chết chủ yếu là do sốc thời tiết, các mẫu bệnh phẩm đa phần đều cho kết quả âm tính với dịch bệnh.
Hiện, Chi cục đang tăng cường hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi tôm nước lợ, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm. Đối với những ao hồ có tôm chết, không tháo nước ra ngoài làm lây lan đến diện tích ao hồ xung quanh; tiến hành rải vôi, vệ sinh ao đầm.
Khi thấy tôm có dấu hiệu bất thường và tiếp tục chết, người nuôi cần thông báo, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng; đồng thời phải vớt ngay tôm chết ra khỏi ao và tiến hành tiêu hủy; nếu tôm đủ lớn khẩn trương thu hoạch non nhằm giảm thiệt hại.
Có thể bạn quan tâm

Tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố như: Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ… hiện vịt ta loại đẹp (vịt lông trắng) được nhiều hộ chăn nuôi vịt bán cho thương lái chỉ còn ở mức 34.000 - 35.000 đồng/kg, vịt ta loại thông thường (vịt lông đen, lông xám…) có giá 30.000 - 33.000 đồng/kg. Giá vịt ta giảm chủ yếu do lượng vịt tới lứa xuất bán trong dân đang tăng mạnh.

Hầu hết các loại thức ăn chăn nuôi đều phải nhập khẩu, khiến cho giá đầu vào của Việt Nam luôn cao hơn 10 - 20% so với các nước khác. Để giảm chi phí đầu vào, các trang trại chăn nuôi lớn đang áp dụng biện pháp tự phối trộn thức ăn, song trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn…

Nhắc đến người thành công với mô hình nuôi ong ở vùng ven biển Kim Sơn (Ninh Bình), không ai quên nhắc đến cái tên Bùi Duy Hiển, xóm 5, xã Kim Tân. “Bén duyên” với nghề nuôi ong gần 10 năm nay, hiện giờ trong vườn nhà ông lúc nào cũng có trên 100 đàn ong khỏe mạnh, sản lượng mật hàng năm xấp xỉ 1,5 tấn với thu nhập gần 140 triệu đồng/năm.

Đó là anh Nguyễn Xuân Long, ở thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Anh cho biết: Trước năm 2001 anh làm nghề sản xuất bay, bàn chà bán cho cánh thợ nề. Thấy đất vườn nhà rộng nên anh mua 200 gà ta giống về nuôi chơi, không ngờ “làm giỡn, ăn thiệt”, sau gần 3 tháng xuất chuồng lãi 4 triệu đồng.

Từ cuối tháng 9 đến nay, nông dân các xã trên địa bàn huyện Thanh Oai như Thanh Mai, Bích Hòa, Cao Dương, Hồng Dương... hối hả bước vào vụ gặt. Theo các hộ nông dân, thời tiết nắng ráo như hiện nay rất thuận lợi cho việc thu hoạch và bảo quản thóc. Vụ mùa năm 2014, toàn huyện Thanh Oai gieo cấy 6.666 ha, trong đó, diện tích cấy các giống lúa lai có năng suất và chất lượng cao như: Bắc thơm số 7, BC15, lúa lai Thái Xuyên 111... chiếm khá lớn.