Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhiều diện tích chè bị cháy hạn

Nhiều diện tích chè bị cháy hạn
Ngày đăng: 06/06/2015

Leo qua mấy ngọn đồi giữa cái nắng nung người, chúng tôi đến đồi chè mới trồng của gia đình chị Vi Thị Lan (bản Lạp, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương). Những hàng chè trồng xen giữa sắn đã héo quắt. Chị Lan chán nản: “Nhà có 3 sào chè đã cho thu hoạch, hơn 10 ngày nay do nắng hạn lá đã chuyển màu vàng. Diện tích này thì cây to, rễ chắc rồi, nếu thời gian tới có mưa xuống vẫn có thể hồi phục được. Chỉ lo 6 sào chè mới trồng cuối năm ngoái coi như mất...”.

Xã Ngọc Lâm có 14 bản thì cả 14 bản đều trồng chè, và đây đang là cây trồng chủ lực. Từ nửa tháng nay, nhiều diện tích chè bắt đầu chuyển màu vàng khô và rụng lá. Ông Lô Văn Cả, cán bộ nông nghiệp xã cho biết: Trên diện tích 15 ha chè kinh doanh của xã đang bị khô xác. Riêng hơn 70 ha chè mới trồng năm ngoái, ở những vùng đất thấp, gần khe suối chè vẫn còn xanh, nhưng những diện tích nằm trên đồi cao bắt đầu cháy sém đỏ, nhiều diện tích coi như đã mất hẳn, không còn khả năng phục hồi.

Tại xã Thanh An (Thanh Chương), bà Trần Thị Kim Ngân - Trưởng ban Nông nghiệp xã, cho biết: “Chè đã bắt đầu héo từ 1 tuần nay, toàn xã đã có trên 200 ha/tổng số 450 ha chè dần chuyển lá vàng. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo, khuyến cáo bà con nỗ lực thực hiện các biện pháp cứu chè, nhưng do chè hầu hết nằm trên đồi cao, nguồn nước khó khăn”.

Tháng 10/2013, gia đình ông Trần Đình Hồng (xóm 2, xã Thanh Mỹ, Thanh Chương) trồng 1 ha chè. Đợt hạn năm 2014 đã làm toàn bộ diện tích chè trồng mới đó chết hẳn. Đến đợt nắng nóng này, lo ngại điều đó sẽ lặp lại nên từ nửa tháng nay, cứu chè được coi là “nhiệm vụ trọng tâm” ở gia đình ông. Hàng ngày, ông tận dụng mọi nguồn nước bơm vào thùng rồi chở bằng ô tô ra tưới cho chè, nhiều hôm đến tận 2 giờ sáng hôm sau bố con ông mới ra về. Nhờ đó, đến nay 1 ha chè của gia đình ông vẫn còn xanh tốt. Tuy nhiên, những diện tích được tưới như thế không nhiều do nguồn nước khó khăn, diện tích cần tưới rộng.

Bà Nguyễn Thị Xuân, Trưởng ban Nông nghiệp xã Thanh Mỹ cho hay: “Toàn xã có hơn 40 ha chè công nghiệp và hơn 100 ha chè thương phẩm. Cao điểm chè héo bắt đầu từ 10 ngày nay. Ở những vườn chè nằm trên đồi cao hơn, màu vàng cháy sém đang ngày càng lan rộng. Đáng lo nhất là chè mới trồng năm ngoái, hiện khoảng 30% diện tích đã bị chết, số còn lại đang héo lá, xã vận động bà con tìm kiếm, tận dụng mọi nguồn nước tưới cho chè nhưng vẫn rất khó khăn”.

Thanh Chương hiện có 4.400 ha chè, phân bổ ở 14 xã, chủ yếu nằm ở vùng đồi núi, độ dốc cao và nhiều vùng xa khu dân cư, xa nguồn nước hồ đập, sông suối nên cây chè hầu như chỉ trông chờ vào nước trời. Mấy năm gần đây, hạn hán diễn biến ngày càng phức tạp và khốc liệt đã gây những thiệt hại không nhỏ cho toàn bộ diện tích chè của Thanh Chương.

Theo ông Lê Đình Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện thì dự kiến 3.900 ha chè kinh doanh sẽ bị sụt giảm năng suất, riêng 500 ha trồng mới trong năm 2014 hiện đã có một số diện tích bị cháy hầu như không còn khả năng hồi phục. Điều đáng ngại nữa là diện tích chè trồng mới của Thanh Chương hầu hết tập trung ở các xã vùng tái định cư như Thanh Sơn và Ngọc Lâm. Chè chết, không những làm người dân thiệt hại về công của đầu tư mà còn làm chậm mất một năm thu hoạch, tác động không nhỏ tới tâm lý bà con trong phát triển kinh tế vùng quê mới. Nên chăng, tỉnh cần xem xét để có hỗ trợ kịp thời cho người dân.

Tại Anh Sơn, diện tích chè chết cháy đang ngày một lan rộng. Những đồi chè xanh tốt giờ đây đã chuyển sang màu vàng, diện tích thiệt hại ước chừng 2.000 ha. Giám đốc Xí nghiệp chè Hùng Sơn cho biết: Diện tích chè của xí nghiệp hiện có hơn 100 ha bị chết, mặc dù có một số hồ chứa nước nhưng hầu hết các diện tích chè đồi bị cháy. Diện tích chè bị chết hẳn gồm có: Phúc Sơn 40 ha, Long Sơn 15 ha, Hùng Sơn 35 ha, Cẩm Sơn 30 ha, Khai Sơn 30 ha, Hội Sơn 7 ha, Hoa Sơn 14 ha, Thành Sơn 55 ha... Lãnh đạo huyện Anh Sơn đã đi kiểm tra diện tích chè bị chết, động viên người trồng chè dùng mọi biện pháp tưới chè vào buổi sáng và buổi chiều muộn. Hướng dẫn bà con dùng bơm điện lấy nước từ giếng và ao, đầu tư hệ thống vòi dẫn dài để tưới cho chè. Nhiều hộ có chè mới trồng đang tập trung tưới cho chè bằng vòi nhựa nối dài.

Hiện tại, Anh Sơn và Thanh Chương đang tập trung chỉ đạo các xã vận động bà con không hái chè bằng máy để giảm thoát hơi nước. Tập trung vào 3 biện pháp chính là ở những diện tích có nguồn nước thuận lợi thì tận dụng máy bơm tưới hoặc gánh nước tưới cho chè, dùng cành cây cắm bên cạnh để che nắng cho chè trồng mới và phủ phân xanh, rơm rạ dưới gốc chè. Tuy nhiên, nếu khoảng 10 ngày tới vẫn không có mưa thì diện tích chè bị thiệt hại chắc còn tăng...

Theo số liệu của Công ty Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, đến ngày 3/6, diện tích chè của công ty đã bị chết 730 ha, trong đó Con Cuông 30 ha, Bãi Phủ 100 ha, Xí nghiệp chè Anh Sơn 50 ha, Xí nghiệp chè Hùng Sơn 100 ha, Xí nghiệp chè Hạnh Lâm 400 ha, Xí nghiệp chè Ngọc Lâm 50 ha. Tổng hợp của các huyện cho thấy diện tích chè đã bị cháy sém gần 2.000 ha, trong đó diện tích bị chết gần 1.000 ha...


Có thể bạn quan tâm

Sâu Đục Trái Gây Hư Hại Mít Trồng Sâu Đục Trái Gây Hư Hại Mít Trồng

Vừa qua, tại thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận) có khoảng 3 sào mít, trong đó có 15% cây mít đang mùa thu hoạch bị sâu đục trái gây hư hại.

31/05/2013
Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Hiệu Quả Trong Vụ Hè-Thu Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Hiệu Quả Trong Vụ Hè-Thu

Trong sản xuất vụ hè-thu năm nay, với tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh trên 23.000 ha, nhờ thời tiết diễn biến có chiều hướng tương đối thuận lợi, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai thực hiện các mô hình, dự án sản xuất mới và chuyển tiếp từ năm trước.

30/07/2013
Hiệu Quả Dự Án Cây Rau Vụ Đông Ở Sơn Dương Hiệu Quả Dự Án Cây Rau Vụ Đông Ở Sơn Dương

Theo phòng NN và PTNT huyện Sơn Dương, từ nguồn kinh phí của Nhà nước, năm 2011, huyện triển khai thực hiện Dự án phát triển cây rau vụ đông tại 7 xã với tổng diện tích trên 76,5 ha, gồm: Xã Trung Yên, Minh Thanh, Tân Trào, Vĩnh Lợi, Sơn Nam, Chi Thiết và thị trấn Sơn Dương.

27/07/2013
Nông Dân Tâm Sự Trồng Lúa Vụ 3 Nông Dân Tâm Sự Trồng Lúa Vụ 3

Ngày 30/5 sắp sạ lúa trong đất 3 vụ, khi được tôi hỏi có thích làm 3 vụ hay không thì anh Ba Lố một nông dân làm ruộng cạnh tôi trả lời rằng: "Ở không chẳng biết làm gì, người ta làm mình phải làm theo, chẳng lẽ bỏ ruộng không làm, chứ giá lúa thấp như vầy, giá vật tư lại cao như vậy, thì hổng có ham làm 3 vụ một chút nào cả, giá lúa vầy hoài chắc gia đình tôi phải lên Bình Dương kiếm sống, chớ làm ruộng sống không nổi".

01/06/2013
Nông Dân Dương Hồng Phát Sản Xuất Giỏi Nông Dân Dương Hồng Phát Sản Xuất Giỏi

Anh Dương Hồng Phát, 38 tuổi ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) phát triển kinh tế gia đình theo mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi và dịch vụ máy nông nghiệp bảo đảm thu nhập ổn định

31/07/2013