Nhiều Cơ Hội Tăng Xuất Khẩu Nông, Thủy Sản Sang Nga

Trong bối cảnh Liên bang Nga (LB Nga) đã đề ra một loạt lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm “nhiễm độc” để đáp trả đòn trừng phạt kinh tế của các nước châu Âu, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện hàng loạt các biện pháp hỗ trợ giúp các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội tăng xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường Nga.
Tại hầu hết các cuộc họp, hội đàm cấp cao song phương thời gian gần đây bao gồm kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam- Liên bang Nga hay các vòng đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA), việc trao đổi các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu hàng nông, thủy sản sang Nga luôn là một trong những nội dung chính được phía Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh và quan tâm.
Một trong những biện pháp mang tính đột phá được đề cập tới là tập trung đẩy nhanh tiến độ đàm phán tiến tới ký kết VCUFTA vào năm 2015 nhằm tiếp tục mở cửa thị trường với nhóm hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Với tư cách chủ trì đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Hải quan, Bộ Công Thương tập trung đàm phán về việc mở cửa các mặt hàng nhạy cảm như nông, thủy sản vào Nga để đưa ra thỏa thuận phù hợp nhất bởi việc đàm phán mở cửa thị trường sẽ trên cơ sở cân bằng lợi ích tổng thể giữa hai bên.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải khi xuất khẩu các mặt hàng này sang LB Nga, trong chuyến thăm tới Việt Nam gần đây, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế A.E.Likhachev cho biết Nga đang làm việc hết sức tích cực với Việt Nam để bảo đảm rằng các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất khi xuất khẩu sang Nga.
"Chúng tôi đã có buổi làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam trao đổi những biện pháp hỗ trợ từ phía nhà nước giúp Việt Nam có thể dễ dàng xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường Nga. Kết quả là mới đây, Cục Kiểm dịch động thực vật LB Nga (VPSS) đã dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản vào thị trường Nga và Liên minh Hải quan với 7 DN chế biến thủy sản của Việt Nam"- Thứ trưởng A.E.Likhachev nói.
Ông Victor Ermakov- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho biết thêm, Nga đang có kế hoạch hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp xúc, tìm kiếm đối tác để xúc tiến đưa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga, do đó Việt Nam cần tận dụng cơ hội này.
Để khai thác tốt thị trường Nga, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam nên chủ động tiếp cận các nhà mua hàng Nga để chào bán sản phẩm thủy sản của mình cũng như cần chú trọng đến các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về chất lượng cũng như kiểm định do Nga ban hành.
Nguồn bài viết: http://baocongthuong.com.vn/xuat-nhap-khau/72557/nhieu-co-hoi-tang-xuat-khau-nong-thuy-san-sang-nga.htm#.VHApEY0cTDc
Có thể bạn quan tâm

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, cả nước hiện có 560.000ha trồng sắn các loại, tổng sản lượng đạt gần 9,4 triệu tấn sắn tươi, với hơn 100 nhà máy chế biến tinh bột sắn đạt tiêu chuẩn, đứng thứ hai thế giới về XK sắn và sản phẩm từ sắn, chỉ sau Thái Lan. Tuy nhiên, thị trường XK sắn đang có nhiều biến động giảm.

Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết, từ nay đến cuối năm 2016 Sở làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản tập trung tại 3 xã: Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị và Thạnh Phước (huyện Bình Đại) để phục vụ cho khoảng 1.500 ha đất nuôi trồng thủy sản.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, đến hết mùa vụ năm 2014, sản lượng vải thiều tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương ước đạt gần 200 nghìn tấn quả tươi. Cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, Trung Quốc là thị trường NK vải thiều truyền thống lớn nhất của Việt Nam.

Trong 8 tháng đầu năm nay, do Thái Lan và một số nguồn cung khác vẫn chưa phục hồi bởi dịch bệnh EMS, cộng với việc các doanh nghiệp bị đơn không bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) theo kết quả cuối của POR7, XK tôm Việt Nam sang Mỹ trở nên rất thuận lợi.

Nguồn phát sinh nước thải từ hoạt động SX, chăn nuôi của trang trại chủ yếu là do quá trình dọn dẹp vệ sinh chuồng trại và bài tiết của động vật nuôi gồm phân, nước tiểu, nước vệ sinh chuồng trại, mỗi ngày có khoảng 100 m3 nước thải, trong những ngày có nhiệt độ cao nhất, sử dụng nước nhiều nhất.