Nhiều Cơ Hội Phát Triển Giống Nông Nghiệp

Trong khi TP.HCM có nhiều điều kiện để phát triển sản xuất giống nông nghiệp thì vẫn có 70% số hạt giống các loại phải nhập khẩu hoặc ND tự sản xuất, 90% giống gà cũng được cung cấp bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…
Nhu cầu lớn
Với tổng diện tích đất nông nghiệp xấp xỉ 120.000ha, TP.HCM có hơn 1 triệu nông dân sống bằng hoạt động nông nghiệp. Ngoài ra, do tiếp giáp với vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của phía Nam như các tỉnh Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL, TP.HCM cũng là nơi cung ứng giống nông nghiệp chủ yếu cho bà con nông dân do có những điều kiện thuận lợi về tiến bộ khoa học, vốn đầu tư…
Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, chỉ riêng nhu cầu hạt giống rau cho sản xuất, kinh doanh của cả nước mỗi năm vào khoảng gần 5.000 tấn, trong đó có hơn 4.000 tấn là nhập khẩu. Không chỉ vậy, số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã nhập khẩu gần 700 con heo giống ông bà và giống bố mẹ. Kim ngạch nhập khẩu heo giống đạt 271.000 USD, bình quân giá mỗi con heo giống nhập khẩu khoảng 757 USD/con.
Ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho biết, hơn 90% giống gà tại các vùng chăn nuôi trọng điểm hiện nay như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An… do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp. Riêng TP.HCM, tổng đàn heo hiện khoảng 356.500 con, tăng khoảng 5,5% so với cùng kỳ 2012. Thế nhưng, hiện tại, mỗi năm TP.HCM chỉ sản xuất được khoảng 900.000 con heo giống và khoảng 1 triệu liều tinh giống, đáp ứng được một phần nhu cầu của nông dân thành phố cũng như các tỉnh lân cận.
Nhiều cơ hội phát triển
Tại Hội chợ Triển lãm Giống nông nghiệp TP.HCM lần 1 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Phước Trung – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, thành phố hiện có khoảng 400 doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh giống cây con và thủy sản các loại.
TP.HCM đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng giống mới, giống xác nhận lên mức 80 – 90% trong thời gian tới, qua đó, nâng cao năng suất cây trồng thêm 10 – 15%.
Hàng năm, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sản xuất hơn 8.000 tấn giống các loại. Tuy nhiên, theo ông Trung, năng lực của các doanh nghiệp hiện tại mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, 70% lượng hạt giống các loại còn lại là từ các nguồn nhập khẩu hoặc nông dân tự sản xuất.
Ngoài ra, với sự phát triển vượt bậc của một số sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao như hoa lan, cá cảnh, bò sữa, nhu cầu nguồn giống chất lượng cho sản xuất cũng rất lớn và đang là thế mạnh của TP.HCM. TS Nguyễn Văn Sáng – Viện Nghiên cứu thủy sản II cũng cho rằng, việc sản xuất được nguồn giống tốt, đảm bảo chất lượng sẽ là chìa khóa giúp sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
“TP.HCM đã chủ trương phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao và phấn đấu trở thành trung tâm cung ứng giống nông nghiệp chất lượng cho cả nước. thành phố cũng đã đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học với các trang thiết bị hiện đại, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật để phát triển hoạt động sản xuất giống nông nghiệp”- ông Trung cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm

Trong năm 2014, dự án Lifsap đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi tại địa phương lắp đặt được 130 công trình hầm biogas, 1 cơ sở giết mổ tập trung tại xã Bàu Hàm 2 và 1 lò giết mổ vệ tinh tại tỉnh lộ 25 đều đã đi vào hoạt động. Huyện cũng đã phát triển được hơn 100 hộ chăn nuôi heo theo chuẩn ViệtGAP, tăng gấp đôi so với năm 2013.

Krông Pa là huyện có khí hậu nắng nóng quanh năm nhưng lại sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê. Hiện nay, đàn dê ở Krông Pa được coi là lớn nhất tỉnh Gia Lai, trên chín ngàn con. Bởi vậy, nơi đây nhiều người biết đến như là “xứ sở ngàn dê”. Và thịt dê trở thành món không thể thiếu trong những lúc nhâm nhi và trong cả ngày Tết của người dân vùng này.

Năm 2007, sau khi dự lớp tập huấn chăn nuôi bò sữa do Hội Nông dân xã tổ chức và tham quan các trại nuôi bò ở TP. Hồ Chí Minh, chị Mạch Thị Trường Xuân (ngụ ấp Tân Tỉnh A, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã quyết định chuyển hướng từ nuôi heo, bò thịt sang nuôi 5 con bò sữa.

Theo đó, Bộ yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng ngân sách dự phòng phục vụ công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi dự trữ thức ăn và kỹ thuật phòng chống rét cho gia súc. Đặc biệt, sở NN&PTNT phối hợp với các đoàn thể kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho trâu bò đến từng thôn bản và hộ gia đình.

Từ nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thảo, thôn Phù Dực 2, xã Phù Đổng có thu nhập chính từ chăn nuôi bò sữa. Hiện tại gia đình ông đang nuôi 4 con bò, cho khai thác 50kg sữa/ngày. Ông Thảo cho biết, thời gian gần đây, trạm thu gom sữa thông báo và cắt giảm sản lượng sữa mua từ các hộ dân. Cứ 2 - 3 ngày, nhà ông Thảo lại bị "cắt" khoảng 7 - 8kg sữa. Số sữa "ế" này, gia đình ông phải quay sang làm sữa chua hay uống tươi, nhưng cũng không sử dụng hết.