Nhiều cán bộ thú y mất việc làm

Đào thải nhiều LĐHĐ
Ông Bùi Trọng Khanh – ngụ ở phường Phú Thứ (quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) cho biết: “Tôi đã làm qua rất nhiều công việc trong ngành thú y như kiểm dịch lò ấp, tiêm phòng...
Số tiền được hỗ trợ hàng tháng là 2,6 triệu đồng không đủ tôi nuôi sống gia đình, nhưng vì yêu nghề nên tôi đã gắn bó, công tác trong ngành khoảng 10 năm qua.
Tuy nhiên, sau khi triển khai Thông tư 113, “bỗng dưng” tôi nhận được quyết định cho thôi việc từ đầu tháng 11.2015”.
Nhân viên Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long tiêm phòng cho gia cầm.
Còn ông Nguyễn Hồng Mai – ngụ ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng thì bức xúc: “Chúng tôi làm bằng tâm, không dám lơ là, có ngày kiểm dịch hàng nghìn con vịt, con gà, rất cực nhọc.
Lương nhận được hàng tháng không xứng đáng với công sức bỏ ra, không khen thưởng thì thôi đằng này còn cho nghỉ việc”.
Đó là chia sẻ của 2 trong số 27 LĐHĐ trong ngành thú y TP.Cần Thơ sau khi nhận được quyết định thôi việc.
Ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.Cần Thơ xác nhận: “Đơn vị vừa cho chấm dứt hợp đồng đối với 27 người ở các trạm thú y.
Tới đây, đơn vị sẽ cho nghỉ tiếp 73 LĐHĐ nữa, chỉ giữ lại 62 người làm việc tại các lò mổ”.
Không riêng gì TP.Cần Thơ, hàng trăm LĐHĐ ngành thú y ở vùng ĐBSCL cũng đang hoang mang trước nguy cơ mất việc cận kề.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, tới đây ngành thú y sẽ phải kết thúc hợp đồng 50 người trong tổng số 64 LĐHĐ nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh.
“Tới đây, chúng tôi sẽ cho những LĐHĐ nghỉ việc dần nếu ngân sách tỉnh không hỗ trợ.
Cũng sẽ có những anh em tự đăng ký nghỉ” – ông Đoàn Quốc Thụy - Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long nói.
Khó khăn chất chồng
Theo Chi cục Thú y các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, các loài thủy sản thời gian qua diễn biến ngày càng phức tạp đòi hỏi ngành thú y, mà trực tiếp là lực lượng LĐHĐ tại các địa phương tích cực tham gia giải quyết.
“Thực hiện Thông tư 113, chúng tôi bãi bỏ 34 khoản thu trong công tác thú ý.
Nếu tính từ tháng 8 đến tháng 12 tới đây, Chi cục Thú y TP.Cần Thơ mất nguồn thu khoảng 1,8 tỷ đồng và khoảng 4,7 tỷ đồng/năm so với trước khi thực hiện thông tư.
Theo quy định của Bộ Tài Chính, những LĐHĐ sẽ được trả tiền công từ nguồn thu phí, lệ phí nên khi nguồn thu giảm thì chúng tôi phải cắt hợp đồng” – ông Nguyễn Anh Dũng giải thích.
Cũng theo ông Dũng, theo Thông tư 15/2015 của Bộ NNPTNT thì lực lượng thuộc Chi cục Thú y phải làm đến 19 nhiệm vụ ở 6 lĩnh vực.
Nếu chấm dứt nhiều LĐHĐ, những cán bộ còn lại đang công tác không dễ đảm đương nổi các công việc, nhất là việc trực tiếp thực hiện một số công tác chuyên môn như kiểm dịch lưu động, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch lò ấp, công tác phòng chống bệnh gia súc gia cầm (H5N1, tai xanh, lở mồm long móng), thủy sản...
Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang thống kê những năm trước đây, ngành thú y tỉnh thu từ 3-3,7 tỷ đồng/năm từ các khoản phí, lệ phí công tác thú y.
Khi có Thông tư 113, những tháng cuối năm, nguồn thu bị thiếu hụt 0,9 tỷ đồng, tổng thu cả năm chỉ 2,9 tỷ đồng.
Những năm tiếp theo nguồn thu ước tính chỉ ở mức 1,7 tỷ đồng/năm (do chỉ thu từ công tác kiểm soát giết mổ là chủ yếu).
Theo ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, những năm qua, chính nhờ lực lượng LĐHĐ làm công tác chuyên môn tại các địa phương đã góp phần kiểm soát được dịch bệnh nguy hiểm, ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định.
Đây là nhiệm vụ không thể thiếu hoặc bỏ, nên nếu cắt giảm nhân lực thì sẽ rất khó khăn.
Nhận định về những khó khăn liên quan đến Thông tư 113, ông Thụy nói: “Tỉnh Vĩnh Long có đến 39 lò mổ, 2 trạm kiểm dịch.
Mỗi ngày, có khoảng 70 xe chở động vật ra vào tỉnh nên các anh em phải làm việc 24/24 giờ.
Mỗi người có nhiệm vụ cụ thể ở mỗi địa điểm nên cho nghỉ đi một người thì không có người khác thay thế.
Khi thực hiện Thông tư 113, nguồn ngân sách bị hụt (khoảng 2 tỷ đồng) không có tiền hỗ trợ cho các anh em LĐHĐ, nhưng Sở Tài chính tỉnh trả lời các đối tượng trên không thuộc diện nào cả nên chi cục tự lo”.
Cũng theo ông Thụy, đáng lẽ khi ban hành Thông tư 113 thì phải hướng dẫn cụ thể cũng như có phương án hỗ trợ cho địa phương.
Tuy nhiên, từ khi thông tư này có hiệu lực đến nay, chi cục không nhận được hướng dẫn nào từ cơ quan cấp trên.
Có thể bạn quan tâm

Như vậy, chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột là trường hợp duy nhất trên thế giới được bảo hộ trong nước cho sản phẩm nhân cà phê vối (Robusta) và đang tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ quốc tế tại 15 quốc gia, vùng lãnh thổ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý hoặc tên gọi xuất xứ, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.

Vụ tiêu năm nay bị ảnh hưởng nắng hạn kéo dài, khiến cây tiêu dễ bị bệnh. Thế nhưng, nhờ áp dụng bón phân qua hệ thống tưới nước nhỏ giọt và phòng chống bệnh kịp thời nên cây tiêu phát triển tốt, sản lượng đạt cao, một số người trồng tiêu ở huyện Tây Hòa thu về tiền tỉ.

Niên vụ 2013/2014, Việt Nam đã xuất khẩu 1,32 triệu tấn cà phê, kim ngạch 2,75 tỷ USD. Tuy nhiên, cây cà phê Tây nguyên đang đối mặt với những khó khăn do diện tích cà phê già cỗi khá lớn, đòi hỏi phải sớm tái canh để duy trì sản lượng và chất lượng.

Xã Bình Nam là địa phương có diện tích trồng cây đậu phộng lớn nhất huyện Thăng Bình với diện tích ổn định 180ha. Tận dụng được lợi thế đó, đầu năm 2014 địa phương đã quy hoạch cánh đồng mẫu trồng cây đậu phộng với diện tích 45ha tại thôn Đông Tác.

Trong đó, cá tra có diện tích nuôi tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 6.200 ha với sản lượng 598 ngàn tấn. Theo báo cáo của các Sở NN&PTNT thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng cá tra của hầu hết các tỉnh đều giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giá cá tra nguyên liệu giảm thấp nên người nuôi cho ăn cầm chừng, kéo dài thời gian, cá không đạt kích cỡ thu hoạch.