Nhạy bén làm kinh tế gia đình

Ông Trần Văn Hon ấp Thạnh Lộc 2, xã Trung An bên mô hình nuôi ếch.
Mấy ngày nay, ông Trần Văn Hon, chăm sóc 2 mùng ếch thịt để chuẩn bị thu hoạch.
Điều ông Hon phấn khởi nhất là vào thời điểm này, giá ếch vẫn không sụt giảm và đàn ếch của ông được thương lái đặt cọc với giá 28.000 đồng/kg.
Ông Hon chia sẻ: "Thường ếch bán giá cao nhất vào khoảng tháng Giêng, tháng 2 Âm lịch.
Thời điểm này của năm ngoái, giá ếch khoảng 20.000 – 22.000 đồng/kg.
Năm nay, bán được giá cao tôi rất phấn khởi vì có thêm thu nhập cho gia đình".
Trước đây, vợ chồng ông Trần Văn Hon sống chủ yếu bằng nghề làm thuê làm mướn.
Nhưng với sự chăm chỉ, chịu khó, chi tiêu hợp lý, vợ chồng ông dành dụm tiền mua đất canh tác.
Đến năm 2012, vợ chồng ông đã có đến 9 công đất trồng lúa.
Nhưng, giá lúa thường biến động, lợi nhuận từ cây lúa bấp bênh.
Mỗi năm gia đình sản xuất 3 vụ lúa, nhưng lợi nhuận chưa tới 80 triệu đồng.
Sau khi tìm hiểu, năm 2013, ông quyết định đào 2.000m2 đất lúa để làm ao nuôi ếch.
Do chi phí đầu tư con giống, thức ăn tương đối cao nên mấy vụ đầu ông Hon chỉ nuôi 2 mùng, khoảng 15.000 – 20.000 con ếch thịt.
Để giảm giá thành nuôi ếch, từ kinh nghiệm của bạn bè, ông chủ động con giống bằng cách tự nhân giống nên việc nuôi ếch của ông ngày càng hiệu quả.
Bình quân mỗi năm, ông Hon nuôi gối đầu từ 7 - 8 đợt, mỗi đợt khoảng 30.000 con trở lên.
Bình quân mỗi đợt, ông thu hoạch từ 800kg đến hơn 1 tấn ếch thịt.
Tùy vào từng thời điểm, giá ếch thường từ 22.000 – 30.000 đồng/kg.
Trừ hết chi phí, mỗi đợt nuôi ếch ông lời khoảng 5 triệu đồng.
Ông Hon cho biết thêm: "Nuôi ếch có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi.
Mỗi ngày chỉ cần cho ếch ăn 2 lần.
Thời gian sinh trưởng của ếch cũng không dài, từ giai đoạn ếch con đến thu hoạch chỉ khoảng 3 tháng.
Nhưng ếch rất dễ bị bệnh, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước, thường xuyên theo dõi để đảm bảo sức khỏe của ếch…".
Phát huy hiệu quả tối đa diện tích ao nuôi, ông Hon nghiên cứu và lựa chọn thả nuôi thêm 300 con cá tra và 5kg cá trê lai.
"Cá nuôi trong vuông nuôi ếch khỏe lắm.
Cá nuôi khỏi cho ăn vì tận dụng lượng thức ăn thừa và phân ếch thải ra.
Một năm, tôi bán cá một lần "bỏ túi" thêm khoảng 20 triệu đồng" – ông Hon cho biết.
Để lấy ngắn nuôi dài, với 1.000m2 đất bờ ao, ông chia ra 500m2 trồng 50 gốc ổi, diện tích còn lại ông trồng rau màu, như: bầu, mướp, đậu que, ớt, cà… Ông Hon nói: "Ổi thì cho trái quanh năm, cứ 3 ngày hái một đợt, mỗi đợt khoảng 30kg, giá trung bình khoảng 7.000 đồng/kg.
Còn rau màu thì bán hằng ngày, giúp gia đình tôi có thêm chi phí sinh hoạt hằng ngày, có thêm chi phí mua thức ăn để nuôi ếch".
Có thể bạn quan tâm

Những ngày này, về xã An Xuân (Tuy An, Phú Yên), mọi người có thể bắt gặp những “nàng” ngựa thong dong thồ nông sản từ các khu sản xuất về nhà dân. Theo các cụ cao niên, do địa hình hiểm trở, đa phần rộng, rẫy ở vùng núi, dốc đứng nên từ bao đời nay, những con ngựa thồ đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân nơi đây.

Vụ chiêm - xuân năm nay, huyện Như Thanh (Thanh Hoá) phấn đấu gieo cấy 3.197 ha; trong đó 75% diện tích cấy giống lúa lai, 85% diện tích bón phân viên dúi sâu.

Chỉ có 300 m2 đất vườn, nên ông Đồng Rân, ở thôn 2, xã Nghĩa Dõng (TP. Quảng Ngãi) quyết định tận dụng để chăn nuôi và trồng cà chua.

Những năm gần đây, ngoài sản xuất lúa hàng hóa, nông dân huyện Cai Lậy (Tiền Giang) còn nhân rộng mô hình sản xuất lúa giống. Những nông dân có điều kiện về đất đai, tâm huyết với nghề đã tập hợp, liên kết để cùng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cung ứng lúa giống cho thị trường.

Bước vào sản suất vụ xuân 2014, tỉnh Hà Tĩnh đã phải tập trung khắc phục hậu quả sự cố 95,5 tấn giống lúa VTNA2 có tỷ lệ nảy mầm không đạt tiêu chuẩn do Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An cung ứng.