Nhất cử lưỡng lợi

Khu vực vịnh Chân Mây, nơi nhiều hộ dân săn bắt tôm hùm con
Mấy năm nay, chuyện đánh bắt tôm hùm non gần như đã trở thành một vấn nạn cho Cảng Chân Mây (Lộc Vĩnh - Phú Lộc - Thừa Thiên Huế).
Năm nào cũng kêu, năm nào cũng “giải quyết”, nhưng vì mỗi đêm thu một vài triệu, thậm chí nếu trúng có thể thu trên chục triệu đồng từ tôm hùm con bắt được, nguồn lợi quá lớn nên dẹp mãi ngư dân vẫn quyết “bám trụ”.
Đáy rớ rải dày trên mặt biển khiến Cảng Chân Mây kêu trời do luồng lạch bị cản trở, mất an ninh, an toàn hàng hải.
Vùng biển nơi Cảng Chân Mây tọa lạc có một mỏm núi nhô ra che chắn ở phía tây, dân địa phương quen gọi là hòn Dòn.
Dưới chân hòn Dòn là rạn đá ngầm, trước đây được ví như “mỏ tôm hùm” của Lộc Vĩnh.
Mỏ tôm hùm nổi tiếng này đã góp phần nuôi sống nhiều thế hệ dân cư địa phương.
Khoảng năm 1993 - 1994 gì đấy tôi cùng một đồng nghiệp đã có dịp về công tác tại Lộc Vĩnh, theo ngư dân lên thuyền ra biển đánh bắt ruốc (khuyết) trong một ngày biển động.
Sóng to quá, say đứ đừ.
Bà con thương tình tấp vào cho tôi “tị nạn” ở hòn Dòn, hẹn khi đánh bắt xong sẽ quay lại đón.
Tại hòn Dòn, sau khi lai tỉnh, tôi đã bất ngờ gặp một người bạn đồng môn do sa cơ lỡ vận đã về đầu quân đi đánh cá cùng một số ngư dân địa phương cũng đang vào đây trú sóng, nấu nướng bữa trưa trước khi trở lại chiến đấu với biển khơi.
Và tôi đã nghe họ kể về thời hoàng kim của mỏ tôm hùm ngay dưới chân chỗ chúng tôi đang ngồi.
Một ngư dân tuổi đã ngoại ngũ tuần chạy xuống thuyền mang lên khoe một con tôm hùm ông vừa bắt được.
Con tôm chỉ cỡ bằng ngón chân cái nhưng vẫn được người này xem là ngày may mắn.
Ông kể, giọng vừa tự hào với vùng biển quê hương nhưng lại vừa xót xa, tiếc nuối, rằng, trước đây cũng tại hòn Dòn này, chỉ cần lặn thủ công thôi, có ngày ông bắt được đến cả mấy chục cân tôm hùm.
Mà toàn loại “đại mệ” chứ loại “nhi đồng” thì không cần bắt.
Về sau này, tôm hùm được giá do xuất khẩu, do vào nhà hàng, quán ăn sang trọng.
Vậy là bị săn ráo riết, già trẻ trứng mén đều bị tóm trụi.
Thêm nạn đánh bắt bằng giã cào, đánh thuốc nổ...
Thế là, mỏ tôm hùm bị xóa sổ.
Đến lúc ấy, ông và những ngư dân từng sống nhờ mỏ tôm hùm mới sực tỉnh, nuối tiếc.
Những mong mỏ tôm hùm hồi sinh, song trong tâm thì chắc rằng đó chỉ là ước mong không tưởng...
Sau cơn “đại hồng thủy” 1999, như một phép mầu, người dân bỗng bắt được tôm hùm con ở vùng biển này.
Nghe tin, tôi khấp khởi mừng cho Lộc Vĩnh.
Vậy là cơ hội cho mỏ tôm hùm hồi sinh đây rồi.
Nhưng, chưa kịp mừng thì đã thảng thốt khi biết người dân nơi đây thay vì nâng niu, gìn giữ để tái sinh “mỏ tôm” như từng mơ ước đã không bỏ lỡ “thời cơ”, a nhau ra biển lao vào một cuộc truy quét mới.
Có thời điểm, riêng dân Lộc Vĩnh có đến 200 hộ tham gia, hơn nửa ngàn đáy rớ giăng mắc khắp nơi để bắt tôm hùm con.
Trong một bài viết rất sớm vào lúc ấy, chúng tôi đã xem đây là hiện tượng “bán lúa non”.
Chỉ thấy cái lợi trước mắt, cái “tiểu lợi” mà quên mất cái “đại lợi”, cái lợi lâu dài cho quê hương và cho các thế hệ cháu con mai hậu.
Cũng may là “trời” thương, tôm hùm con còn tiếp tục xuất hiện.
Nhưng buồn là nạn đánh bắt tôm hùm con vẫn không ngớt hoành hành; không chỉ tước dần cơ hội hồi sinh cho mỏ tôm hòn Dòn mà còn đe dọa Cảng Chân Mây như trên đã đề cập.
Năm 2015 này, trước khi mùa tôm hùm con bắt đầu, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã chủ trì họp với các cơ quan, địa phương liên quan để chỉ đạo xử lý mạnh tay, dứt điểm tình trạng khai thác hải sản trái phép, trong đó có nạn đánh bắt tôm hùm con tại khu vực cảng biển Chân Mây.
Dai dẳng mười mấy năm rồi, hy vọng kể từ năm nay sẽ có biến chuyển tích cực.
Cảng Chân Mây đã được đón nhiều tàu du lịch hạng sang với hàng ngàn du khách mỗi chuyến cập cảng.
Dẹp được nạn đánh bắt tôm hùm con vô tội vạ sẽ vừa đảm bảo sự an toàn cho cảng, để các chủ tàu rất yên tâm khi chọn Chân Mây làm một điểm đến trong hải trình; đồng thời lại vừa giữ lấy cơ hội cho mỏ tôm hùm vang danh một thuở được hồi sinh mà dân Lộc Vĩnh sẽ là người hưởng lợi trước hết.
Hãy thử tưởng tượng, nếu mỏ tôm hùm hòn Dòn sống lại, và một điểm dừng chân ngắm mây trời sóng nước được tạo lập tại nơi này.
Những du khách không có nhu cầu lên bờ, và các thành viên thủy thủ đoàn trong thời gian chờ khách quay trở lại sẽ rời bến cảng đến đây chơi.
Vừa thư giãn ngắm cảnh, vừa xem ngư dân lặn bắt tôm hùm, và thưởng thức món đặc sản tươi rói ngay tại những ngôi chòi ngắm sóng bên chân hòn Dòn, hẳn Chân Mây - Thừa Thiên Huế sẽ ghi thêm một điểm, khắc thêm một dấu ấn không tệ với bầu bạn xa gần...
Có thể bạn quan tâm

Về xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc, Nam Định) dịp này sẽ được ngắm những vuông ao xây gạch, đường đi, lối lại đổ bê tông phẳng phiu, sạch sẽ với hệ thống cống tưới, tiêu nước, dưới ao lao xao cá quẫy; những dãy chuồng trại lợn, gà, xung quanh được trồng cây thế, cây cảnh, cây ăn quả, rau… xanh mát

Lâu lắm tôi mới có dịp trở lại hồ Dầu Tiếng, hồ nhân tạo lớn nhất và đẹp khu vực Đông Nam Á.

Tập đoàn Seafarms của Australia đang xây dựng trại nuôi tôm sú lớn nhất thế giới. Trại nuôi thuộc dự án Sea Dragon với mục tiêu sản xuất 100.000 tấn tôm từ 10.000 ha ao nuôi nước mặn.

Ông Võ Văn Ðặng (ấp 3, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) hành nghề câu mực gần 20 năm. Sau khi lập gia đình riêng, ông đầu tư một chiếc ghe công suất 30 CV để đánh bắt.

Nuôi tôm áp dụng VietGAP là một trong những biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm và có khả năng truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái, quản lý tốt sức khỏe động vật thủy sản và thực hiện được các trách nhiệm về phúc lợi xã hội và an toàn cho người lao động.