Nhập Khẩu Tôm Việt Nam Vào Đức Tăng Mạnh

Với sức tăng trưởng từ 63 – 116%/tháng trong 5 tháng đầu năm 2014, Đức tiếp tục dẫn đầu khối EU về NK tôm Việt Nam. XK tôm sang thị trường này trong những tháng cuối năm sẽ vẫn khả quan.
Đức là thị trường “nhạy cảm” với giá vì vậy khi EU rơi vào suy thoái kinh tế thì Đức là nước giảm NK tôm rõ rệt nhất trong khối liên minh này mặc dù kinh tế Đức vững vàng hơn nhiều nước khác như Tây Ban Nha hay Hy Lạp.
Năm 2012, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, XK tôm Việt Nam sang EU giảm 24,5% trong đó, XK sang Đức (chiếm 26% tổng giá trị XK tôm sang EU) giảm 27,8%.
NK tôm Việt Nam vào thị trường này bắt đầu cải thiện từ nửa sau năm 2013 và tăng trưởng mạnh từ tháng đầu năm 2014. 5 tháng đầu năm 2014, XK tôm Việt Nam sang Đức đạt 50,9 triệu USD, tăng 92,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Việt Nam là nước cung cấp tôm đông lạnh lớn thứ hai cho Đức sau Thái Lan. Thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), NK tôm đông lạnh Thái Lan vào Đức năm 2013 giảm 11% trong khi NK từ Việt Nam tăng 3,6%.
Ngành tôm Thái Lan trong năm qua đối mặt với nhiều khó khăn trong đó khó khăn lớn nhất là sản lượng giảm tới 50% do ảnh hưởng của hội chứng tôm chết sớm (EMS). XK tôm Thái Lan sang nhiều thị trường đều giảm mạnh trong năm qua trong đó, XK sang Mỹ, thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Thái Lan giảm tới 38%.
Người Đức ưa chuộng các sản phẩm giá rẻ và đây cũng là thị trường có số lượng các cửa hàng khuyến mại lớn nhất châu Âu. Người tiêu dùng Đức chịu tác động mạnh bởi giá bán. Đặc tính này cũng phần nào lý giải cho việc tôm chân trắng chiếm tỷ trọng “lấn át” so với tôm sú trong cơ cấu các sản phẩm tôm Việt Nam XK sang Đức. Năm 2013, tôm chân trắng chiếm tới 53,4% giá trị XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong khi đó tôm sú chiếm gần 40%.
5 tháng đầu năm 2014, thị trường này tiếp tục tiêu thụ nhiều hơn tôm chân trắng Việt Nam với tỷ trọng tăng lên 61,8% trong khi XK tôm sú sang thị trường này giảm tỷ trọng xuống còn 30%.
Với dân số trên 80 triệu dân và là nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, Đức được xem là thị trường tiêu thụ lớn của nhiều loại hàng hóa trong khu vực này. Năm 2013, Đức đứng thứ 7 trên thế giới về tiêu thụ thủy sản sau Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Italia với giá trị trên 5,34 tỷ USD với khối lượng 983.554 tấn.
Năm 2014, nền kinh tế của Đức được dự báo sẽ hồi phục tăng trưởng do vậy, nhu cầu NK tôm vào thị trường này sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng còn lại của năm.
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu tháng 8 đến nay, ngư dân xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) rất phấn khởi vì được mùa ruốc, sản lượng khai thác khoảng 20 tấn/ngày. Giá ruốc tươi dao động từ 18- 25 ngàn đồng/kg, ruốc khô bán với giá là 90 ngàn đồng/kg. Nhờ được mùa ruốc nên ngư dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

100 hộ dân ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi đang điêu đứng vì cá chẽm nuôi ra không bán được, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hải dương học vừa nghiệm thu mô hình và bàn giao sản phẩm từ mô hình trồng đáy và trồng treo rong nho biển trong bể cho UBND huyện Trường Sa. Đây là kết quả thực hiện đề tài chuyển giao kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản rong nho biển cho quân và dân huyện đảo Trường Sa, do Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hòa (Viện Hải dương học) làm chủ nhiệm.

Ở Phú Vang, rất nhiều người biết đến ông Võ Diên (thôn Tân Mỹ, thị trấn Thuận An Phú Vang - Thừa Thiên Huế) – người dám biến vùng đất đầy bom mìn, lau sậy thành hồ nuôi trồng thủy sản.

Dự án “Mô hình tưới nước tiết kiệm cho dân nghèo Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận” được Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Tổ chức iDE triển khai thực hiện từ tháng 2-2011. Qua hơn 2 năm thực hiện, mô hình không chỉ giúp người dân giải quyết vấn đề khó khăn về nước sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng mà còn góp phần quan trọng bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trên những vùng đất khô cằn.